Hoàn thiện khung chỉ tiêu an toàn tài chính cho doanh nghiệp chứng khoán
Bộ Tài chính đã công bố Dự thảo Thông tư Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 91/2020/TT-BTC, văn bản pháp lý quan trọng quy định chỉ tiêu an toàn tài chính và biện pháp xử lý đối với tổ chức kinh doanh chứng khoán.

Bổ sung nhiều nội dung kỹ thuật then chốt
Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đang lấy ý kiến Dự thảo Thông tư Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 91/2020/TT-BTC ngày 13/11/2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định Chỉ tiêu an toàn tài chính và biện pháp xử lý đối với tổ chức kinh doanh chứng khoán không đáp ứng chỉ tiêu an toàn tài chính.
Dự thảo sửa đổi lần này tập trung làm rõ và cập nhật các quy định về cách tính các chỉ tiêu an toàn tài chính, giá trị rủi ro thị trường, rủi ro thanh toán cũng như các khoản được trừ khi tính vốn khả dụng – nhằm phản ánh sát hơn với thực tế hoạt động của các công ty chứng khoán hiện nay.
Một số điểm đáng chú ý trong Dự thảo là cập nhật nội dung liên quan đến lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, cổ phiếu quỹ và các khoản giảm trừ (Điều 4, Điều 5, Điều 6 Thông tư số 91/2020/TT-BTC) để đảm bảo tính chính xác khi xác định vốn khả dụng và vốn chủ sở hữu thực tế.
Dự thảo Thông tư sửa đổi cũng làm rõ các quy định về trái phiếu chuyển đổi và cổ phiếu ưu đãi khi xác định vốn khả dụng. Những công cụ này chỉ được tính nếu thỏa mãn nhiều điều kiện chặt chẽ như có kỳ hạn tối thiểu 5 năm, không được bảo đảm bằng tài sản của tổ chức phát hành, khả năng thanh toán cuối cùng sau tất cả nghĩa vụ nợ…
Bên cạnh đó, Dự thảo Thông tư sửa đổi có bổ sung yếu tố điều chỉnh rủi ro thị trường khi doanh nghiệp chứng khoán đầu tư quá lớn vào một tổ chức đơn lẻ – mức điều chỉnh tăng từ 10% đến 30% tùy theo tỷ lệ đầu tư so với vốn chủ sở hữu.
Đồng thời, quy định cụ thể hơn về cách xác định giá trị rủi ro thanh toán đối với các khoản phải thu, hợp đồng đặt cọc, và khoản tạm ứng, qua đó siết chặt việc ghi nhận tài sản mang tính rủi ro cao và tránh làm “đẹp” báo cáo tài chính.
Hạn chế rủi ro
Một trong những nội dung quan trọng của Dự thảo là sửa đổi Phụ lục I, trong đó quy định lại hệ số rủi ro thị trường áp dụng cho từng loại tài sản. Những điều chỉnh này nhằm tăng cường năng lực giám sát rủi ro, đảm bảo an toàn hệ thống và từng bước tiệm cận với thông lệ quốc tế.
Một điểm mới đáng chú ý là việc bổ sung quy định về xếp hạng tín nhiệm đối với trái phiếu doanh nghiệp. Theo đó, hệ số rủi ro thị trường sẽ được phân loại dựa trên mức độ tín nhiệm của trái phiếu, với kết quả xếp hạng từ các tổ chức quốc tế uy tín như Standard & Poor’s, Moody’s, Fitch Ratings hoặc các tổ chức trong nước được Bộ Tài chính cấp phép. Cách tiếp cận này phù hợp với thông lệ quốc tế, đồng thời giúp phân biệt rõ rủi ro của từng loại trái phiếu trên thị trường.
Trái phiếu niêm yết có thời gian đáo hạn dưới 1 năm và được xếp hạng tín nhiệm cao sẽ được coi như tiền hoặc tương đương tiền, với hệ số rủi ro bằng 0 – một cơ chế khuyến khích phát hành trái phiếu chất lượng cao. Ngược lại, những trái phiếu có thời hạn từ 3 năm trở lên sẽ bị điều chỉnh tăng thêm 5% hệ số rủi ro, phản ánh thực tế rủi ro thanh toán cao hơn trong thời gian dài.
Đối với trái phiếu do các tổ chức tín dụng phát hành, nếu không có xếp hạng tín nhiệm hoặc bị đánh giá thấp, mức rủi ro sẽ bị điều chỉnh tăng, đặc biệt khi kỳ hạn còn lại dưới 1 năm. Sự điều chỉnh này nhằm phản ánh chính xác rủi ro thực tế, đồng thời hạn chế tình trạng đầu tư ồ ạt vào trái phiếu kém chất lượng – một trong những nguyên nhân gây bất ổn thời gian qua.
Theo Dự thảo, hệ số rủi ro đối với các khoản đầu tư vào quỹ thành viên cũng được điều chỉnh đáng kể – từ 30% lên 80%. Đây là bước điều chỉnh quan trọng nhằm phản ánh bản chất đầu tư dài hạn, thiếu tính thanh khoản và độ minh bạch thấp của các quỹ này. Trên thực tế, quỹ thành viên thường đầu tư vào cổ phiếu chưa niêm yết, trái phiếu doanh nghiệp hoặc phần vốn góp, vốn không dễ chuyển đổi thành tiền và tiềm ẩn nhiều rủi ro định giá.
Tương tự, với các chứng khoán bị hạn chế giao dịch – chẳng hạn như chỉ được giao dịch vào một phiên cụ thể trong tuần hoặc giới hạn về phương thức khớp lệnh – hệ số rủi ro cũng được nâng từ mức 30–80% lên 50–100%. Đây là sự điều chỉnh cần thiết nhằm kiểm soát rủi ro thanh khoản và phòng ngừa những cú sốc bất ngờ trong hoạt động đầu tư của công ty chứng khoán.
Một thay đổi khác trong Dự thảo là việc bãi bỏ quy định riêng đối với cổ phiếu hoặc trái phiếu không có báo cáo tài chính kiểm toán hoặc có ý kiến kiểm toán bất lợi. Thay vào đó, nhóm tài sản này được gộp chung vào nhóm “cổ phần, phần vốn góp và các loại chứng khoán khác”, với hệ số rủi ro tăng từ 80% lên 100%. Đây là mức cảnh báo cao nhất, phản ánh rõ ràng mức độ rủi ro của các tài sản ngoài sàn, thiếu minh bạch và khó định giá.
Bạn đọc tham khảo Dự thảo Thông tư sửa đổi tại đây.