Khẩn trương “gia cố” nền tảng pháp lý bảo vệ quyền sở hữu, thúc đẩy đổi mới sáng tạo

Tiến Dũng

Tại Hội thảo Khoa học quốc gia nhằm tìm kiếm giải pháp thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế trong bối cảnh mới được tổ chức, nhóm chuyên gia kinh tế của Đại học Kinh tế quốc dân thống nhất khuyến nghị: Cần sớm hoàn thiện nền tảng pháp lý để điều chỉnh và bảo vệ kịp thời quyền sở hữu trí tuệ, qua đó thúc đẩy đổi mới sáng tạo, gia tăng giá trị cho sản phẩm, dịch vụ, nhất là đối với tài sản số và tài sản trí tuệ xuất phát hoặc có liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI).

Cần phải nhanh chóng ban hành các văn bản pháp luật công nhận và bảo vệ các loại tài sản mới như tiền kỹ thuật số, tài sản vật chất được số hoá - GS.TS Tô Trung Thành, Trưởng phòng Quản lý khoa học, ĐH Kinh tế quốc dân
Cần phải nhanh chóng ban hành các văn bản pháp luật công nhận và bảo vệ các loại tài sản mới như tiền kỹ thuật số, tài sản vật chất được số hoá - GS.TS Tô Trung Thành, Trưởng phòng Quản lý khoa học, ĐH Kinh tế quốc dân

Theo các chuyên gia kinh tế, trong thời gian qua, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh lĩnh vực kinh tế tại Việt Nam đã có những bước tiến cải cách rõ rệt. Trong đó, quyền sở hữu cùng với quyền tự do kinh doanh, quyền hoạt động trên thị trường và cơ chế rút lui khỏi thị trường là bốn định chế pháp luật cốt lõi điều chỉnh sự vận hành hiệu quả của thị trường.

Đáng chú ý, riêng về quyền sở hữu, hệ thống pháp luật Việt Nam đã bước đầu thiết lập được nền tảng pháp lý khá đầy đủ để điều chỉnh và bảo vệ quyền sở hữu bao gồm: Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Thương mại, Luật Trọng tài thương mại, Luật Đất đai…cùng với các luật chuyên ngành và văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo ra khung pháp lý cho việc xác lập – thực hiện – chuyển nhượng và bảo vệ quyền sở hữu tài sản (cả tài sản hữu hình và vô hình).

Mặc dù vậy, quá trình triển khai áp dụng trên thực tế cho thấy, khả năng bảo vệ quyền sở hữu tại Việt Nam còn tồn tại hạn chế nhất định. Đặc biệt la trong khâu thực thi pháp luật, từ quá trình áp dụng và đảm bảo thực hiện cho đến mức độ an toàn pháp lý và niềm tin thị trường còn thấp.

Từ các chỉ số quốc tế, báo cáo của nhóm chuyên gia kinh tế cho thấy: Theo đánh giá của Viện Fraser, chỉ số bảo vệ quyền tài sản của Việt Nam trong giai đoạn 2005 – 2023 chỉ duy trì ở mức trung bình thấp, dao động quanh mức 4,5 – 5,3 điểm/10.

Trong khi đó, chỉ số này ở Singapore luôn đạt từ 9 – 9,5 điểm, Malaysia từ 7 – 8,5 điểm và Thái Lan khoảng 7 điểm. “Điều này phản ánh thực tế là mặc dù khung pháp lý của Việt Nam không thiếu quy định, nhưng quyền sở hữu chưa được bảo vệ đầy đủ hoặc nhất quán trong thực tiễn thực thi” – báo cáo của nhóm chuyên gia nêu rõ.

Ngoài ra, liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ - một khía cạnh quan trọng của quyền sở hữu trong nền kinh tế tri thức, nhất là trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (bigdata) đang diễn ra sâu rộng và mạnh mẽ trên khắp các lĩnh vực kinh tế, các chỉ số bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (IPPI) của Việt Nam vẫn thấp hơn so với một số quốc gia trong khu vực như Singapore, Malaysia...

Theo nhóm chuyên gia, sự yếu kém trong cơ chế xử lý vi phạm bản quyền, thời gian xét xử kéo dài và mức bồi thường, xử phạt không đủ tính răn đe là những nguyên nhân chính khiến môi trường sở hữu trí tuệ của Việt Nam chưa thực sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư và các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Đáng chú ý là, quyền sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, mặc dù đã được quy định đầy đủ trong hệ thống pháp luật, nhưng chỉ số Protection of Foreign Assets – bảo vệ tài sản nước ngoài của Việt Nam từng đạt 6,81 điểm vào năm 2010 đã giảm xuống còn 5,09 điểm năm 2023. Sự sụt giảm này phản ánh mối lo ngại ngày càng tăng của nhà đầu tư về rủi ro pháp lý, thiếu minh bạch trong thủ tục hành chính.

“Như vậy, mặc dù hệ thống pháp luật về quyền sở hữu tại Việt Nam đã tương đối đầy đủ về mặt quy phạm, nhưng hiệu quả trong thực thi và mức độ an toàn pháp lý cho quyền sở hữu của cá nhân, doanh nghiệp và nhà đầu tư vẫn còn là vấn đề cần được quan tâm hơn nữa. Do đó, việc củng cố hiệu quả thực thi pháp luật, cải thiện năng lực của hệ thống tư pháp và xây dựng cơ chế giải quyết tranh chấp hiệu quả, nhanh chóng và minh bạch sẽ là điều kiện tiên quyết để Việt Nam có thể nâng cao năng lực cạnh tranh và thu hút đầu tư trong giai đoạn tiếp theo” – báo cáo của nhóm chuyên gia cho biết thêm.

Đại diện nhóm chuyên gia – GS.TS Tô Trung Thành – giảng viên Khoa Kinh tế học – Trường Kinh tế và Quản lý công, đồng thời là Trưởng phòng quản lý Khoa học của Đại học Kinh tế quốc dân đã gợi mở khuyến nghị cụ thể về pháp luật liên quan đến bảo vệ quyền sở hữu.

Ông Thành cho rằng: Cần nhanh chóng ban hành các văn bản pháp luật công nhận và bảo vệ các loại tài sản mới như tài sản số, tiền kỹ thuật số, bao gồm cả tiền ảo, tiền điện tử, tiền mã hoá và các tài sản kỹ thuật số như tài sản trong game, tranh kỹ thuật số… và tài sản vật chất khác được số hoá từ tài sản vật lý, cũng như các loại tài sản tài chính khác.

Mặt khác, cần tăng cường thực thi các biện pháp bảo vệ tài sản trí tuệ, bao gồm sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thượng hiệu, tác phẩm văn học – nghệ thuật – phần mềm… là những thành tố đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

TS Tô Trung Thành nhấn mạnh: “Việc hoàn thiện khung pháp lý về sở hữu trí tuệ không chỉ giúp bảo vệ quyền lợi của các nhà sáng tạo, mà còn tạo ra động lực đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, góp phần gia tăng giá trị cho sản phẩm dịch vụ, đặc biệt là đối với tài sản số và tài sản trí tuệ xuất phát hoặc có liên quan đến trí tuệ nhân tạo”.