Khu công nghiệp Biên Hòa 1 sẽ trở thành khu phức hợp hiện đại
Là khu công nghiệp ra đời sớm nhất ở Việt Nam, khu công nghiệp Biên Hòa 1, Đồng Nai đang được chuyển đổi công năng trở thành khu đô thị- thương mại- dịch vụ hiện đại.

Đồng Nai sẽ có khu phức hợp hiện đại
Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) Đồng Nai mới có công văn gửi đến các doanh nghiệp trong KCN Biên Hòa 1 về chủ trương của tỉnh trong việc di dời, chuyển đổi công năng KCN này.
Đây là chủ trương lớn đã được xác định rõ trong định hướng phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh Đồng Nai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, với mục tiêu đưa khu vực hiện hữu này trở thành một không gian đô thị hiện đại, đồng bộ về hạ tầng và phù hợp với vai trò là cửa ngõ kết nối TP. Hồ Chí Minh qua tuyến Metro số 1.
Theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt, KCN Biên Hòa 1- hiện nằm tại phường An Bình, TP. Biên Hòa sẽ được chuyển đổi thành khu đô thị thương mại- dịch vụ với kiến trúc hiện đại, kết hợp các không gian xanh ven sông và chỉnh trang đô thị.
Tỉnh Đồng Nai xác định khu vực này sẽ đóng vai trò là trung tâm phát triển tài chính, thương mại và hành chính của thành phố trong tương lai, tạo ra động lực phát triển mới và tăng nguồn thu cho ngân sách từ việc đấu giá quyền sử dụng đất.
Trên cơ sở đó, ngày 23/1/2024, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành Quyết định số 324/QĐ-UBND về phê duyệt đề án chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1 và tiếp đó là Kế hoạch số 198/KH-UBND ngày 5/3/2024 nhằm triển khai cụ thể công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.
Theo kế hoạch, tỉnh Đồng Nai sẽ phải hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng ít nhất 180ha trước ngày 25/8/2025, trong đó có 105ha để xây dựng Trung tâm chính trị- hành chính mới và 75ha được đưa ra đấu giá để tạo nguồn thu phục vụ đầu tư hạ tầng đô thị.
Để bảo đảm triển khai đúng tiến độ và kiểm soát chặt chẽ quá trình thực hiện, tỉnh Đồng Nai đã thành lập hai tổ công tác liên ngành gồm tổ rà soát pháp lý đất đai do Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì và một tổ hỗ trợ kỹ thuật hạ tầng do Sở Xây dựng phụ trách.
Đồng thời, tỉnh Đồng Nai cũng ban hành Quyết định số 1581/QĐ-UBND về việc thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh và thuê nhà xưởng tại KCN Biên Hòa 1 trong các lĩnh vực xây dựng, đất đai, thuế, môi trường và phòng cháy chữa cháy nhằm đánh giá toàn diện mức độ tuân thủ pháp luật và làm cơ sở để xử lý các vướng mắc, tồn tại.
Tại buổi kiểm tra công tác di dời của các doanh nghiệp và hộ dân vừa qua, Bí thư Thành ủy Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai Hồ Văn Nam nhấn mạnh, trước khi hoàn thành công tác sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, giải thể cấp huyện thì hệ thống chính trị TP. Biên Hòa quyết tâm hoàn thành công tác vận động, tuyên truyền giải phóng mặt bằng đối với hơn 350 hộ dân nằm xen kẽ trong KCN Biên Hòa 1.
Quỹ thời gian từ nay đến ngày 30/6 còn rất ít, vì thế lãnh đạo TP. Biên Hòa yêu cầu Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Biên Hòa khẩn trương phân loại từng nhóm hộ gia đình có chính sách hỗ trợ bồi thường tương đồng trong số 255 hộ dân chưa nhận tiền hỗ trợ, bồi thường khi nhà nước thu hồi đất.
3 đoàn công tác của Ban Thường vụ Thành ủy Biên Hòa sẽ trực tiếp tuyên truyền, giải thích, vận động bàn giao mặt bằng trong những ngày tới.
Bên cạnh đó, Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố phải chuẩn bị rõ ràng cụ thể nội dung về chính sách bồi thường hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất áp dụng cho từng nhóm hộ gia đình theo quy định để thành viên các đoàn tuyên truyền, vận động các hộ dân một cách rõ ràng, tránh tình trạng phải vận động nhiều lần.
Đối với 12/100 hộ đã nhận tiền bồi thường hỗ trợ nhưng chưa bàn giao mặt bằng, lãnh đạo TP. Biên Hòa giao Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố phối hợp với UBND phường An Bình lên phương án cưỡng chế song song với công tác tuyên truyền vận động nhằm đảm bảo tiến độ thời gian đã đề ra.
Cần sớm gỡ vướng cho doanh nghiệp
Đến thời điểm này, hầu hết các doanh nghiệp trú đóng tại KCN Biên Hòa 1 đều thống nhất cao việc chuyển đổi công năng của của KCN Biên Hòa 1, nên sẵn sàng di dời khi có “lệnh”.
Tuy nhiên, một số đơn vị, doanh nghiệp cho biết đến giờ họ vẫn chưa nhận được kế hoạch di dời chi tiết từ phía tỉnh Đồng Nai hoặc các cơ quan liên quan.
Cụ thể, doanh nghiệp chưa được thông báo chính thức về các chính sách bồi thường, hỗ trợ chi phí di dời, cũng như các hỗ trợ đối với NLĐ khi bị mất việc do phải di dời.
Việc thiếu thông tin cụ thể khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc lập kế hoạch tài chính, điều chỉnh chiến lược sản xuất và tổ chức lại hoạt động nhân sự.
Đặc biệt, chi phí xây dựng nhà máy mới là rất lớn và cần ít nhất 3 năm để tìm địa điểm phù hợp, hoàn tất thủ tục xin cấp đất, xây dựng hạ tầng và lắp đặt máy móc thiết bị trước khi đi vào vận hành.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đang bị vướng mắc liên quan đến các thủ tục về môi trường. Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, đến hết ngày 31/12/2024, tất cả các doanh nghiệp phải hoàn tất thủ tục xin cấp giấy phép môi trường mới (trừ các doanh nghiệp có giấy phép môi trường thành phần còn hiệu lực).
Nhiều doanh nghiệp cho biết đã chủ động liên hệ nhiều đơn vị tư vấn để hoàn thiện hồ sơ xin giấy phép môi trường theo quy định của pháp luật, nhưng đều được các đơn vị tư vấn chia sẻ rằng, KCN Biên Hòa 1 không còn được xác định là KCN theo quy hoạch hiện hành, do đó không đủ điều kiện để cấp giấy phép môi trường mới.
Vì không được cấp giấy phép môi trường đúng thời hạn, có doanh nghiệp đã bị UBND tỉnh xử phạt hành chính về vấn đề này.
“Đây là tình huống khách quan và đã kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai không xử phạt hành chính đối với hành vi không có giấy phép môi trường cho đến khi có hướng dẫn cụ thể từ cơ quan chuyên môn, nhằm bảo đảm không gián đoạn sản xuất”- một số doanh nghiệp kiến nghị.
Trả lời các đề xuất của doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Ấn- Phó trưởng Ban Quản lý Các KCN Đồng Nai cho biết, thực hiện chủ trương của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Đồng Nai, Ban Quản lý Các KCN Đồng Nai đã ban hành các văn bản số 519/KCNĐN-DN ngày 5/3/2024 thông tin đến các doanh nghiệp một số nội dung liên quan.
Thông tin đến các doanh nghiệp về các KCN trên địa bàn tỉnh còn quỹ đất, nhà xưởng có thể cho thuê, giá cho thuê và ngành nghề thu hút đầu tư để doanh nghiệp biết, chủ động lựa chọn địa điểm phù hợp để thực hiện việc di dời.
Bên cạnh đó, Ban Quản lý cũng đã tham gia tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với các doanh nghiệp tại các cuộc họp do UBND tỉnh cũng như các sở, ngành có liên quan tổ chức. Qua các buổi tiếp xúc, làm việc, các doanh nghiệp đều đồng thuận với chủ trương chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1.
Hiện nay, UBND tỉnh Đồng Nai đang chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị có liên quan thực hiện kiểm đếm công trình, vật kiến trúc, tài sản khác gắn liền với đất để xây dựng và hoàn thiện phương án bồi thường, hỗ trợ các doanh nghiệp trong công tác di dời, chuyển địa điểm hoạt động…
Ban Quản lý mong muốn các doanh nghiệp đồng hành phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng để kiểm đếm tài sản, tự nguyện di dời và bàn giao mặt bằng trong thời gian sớm nhất.