Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân khu vực nông thôn

Thu Hiền

Tại Việt Nam, mặc dù hệ thống y tế đã có nhiều bước phát triển, song chênh lệch giữa khu vực thành thị và nông thôn vẫn còn hiện hữu, đặc biệt trong tiếp cận dịch vụ y tế và chất lượng chăm sóc sức khỏe.

Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân
Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân

Thực trạng công tác chăm sóc sức khỏe ở khu vực nông thôn

Giai đoạn 2016-2020, nhân khẩu khu vực nông thôn có sự biến động khác biệt so với xu hướng thu hẹp về số xã, thôn. Kết quả điều tra nông thôn, nông nghiệp giữa kỳ năm 2020 của Cục Thống kê cho thấy, trong giai đoạn trên, khu vực nông thôn tăng 5,57% về số hộ và tăng 8,91% về số nhân khẩu, với xu hướng tăng nhanh số hộ và số nhân khẩu diễn ra ở tất cả các vùng. Tại thời điểm ngày 1/7/2020, khu vực nông thôn cả nước có 16, 87 triệu hộ dân cư với 62,80 triệu nhân khẩu. Năm 2024, số dân trung bình của Việt Nam đạt 101,3 triệu người, trong đó dân số nông thôn là 62,3 triệu người, chiếm 61,5% tổng số dân cả nước.

Nhờ những chính sách phát triển kinh tế - xã hội trọng tâm, trọng điểm của Đảng và Nhà nước, kinh tế nông thôn của Việt Nam ngày càng phát triển tích cực, thu nhập tăng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm, qua đó giúp nâng cao chất lượng đời sống của người dân, nhất là về chăm sóc sức khỏe. Cụ thể, thu nhập bình quân đầu người của người dân nông thôn tăng từ 2,42 triệu đồng/người/tháng năm 2016 lên 4,50 triệu đồng/người/tháng năm 2024.

Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn đã giảm đáng kể, từ 11,8% năm 2016 theo tiêu chuẩn tiếp cận đa chiều của Chính phủ giai đoạn 2016-2021, giảm còn 3,5% năm 2025 theo tiêu chuẩn giai đoạn 2022-2025. Hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn về điện, giao thông, thủy nông, trường học, thiết chế văn hóa, trạm y tế và hạ tầng bảo vệ môi trường sinh thái được tăng cường cả về số lượng và chất lượng.

Bên cạnh đó, với quy mô dân số trên 60 triệu người, thu nhập và đời sống của dân cư ngày càng nâng cao, công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân nông thôn càng được chú trọng. Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân nông thôn trở thành nhiệm vụ quan trọng, nhằm đảm bảo rằng người dân sống ở các vùng quê Việt Nam cũng có cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng và phát triển sức khỏe bền vững.

Đến nay, 93,3% người dân khu vực nông thôn đã có thẻ bảo hiểm y tế hay sổ/thẻ/giấy khám chữa bệnh miễn phí, cao hơn tỷ lệ trung bình (93,1%) của cả nước và cao hơn khu vực thành thị (92,7%). Bên cạnh công tác y tế, vấn đề sức khỏe của người dân nông thôn còn được quan tâm chú trọng thông qua công tác bảo vệ môi trường, cải thiện chất lượng cuộc sống. Giai đoạn 2014-2024, tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh đã tăng mạnh từ 90,6% lên 98,0%; tỷ lệ hộ dân sử dụng hố xí hợp vệ sinh tăng mạnh, từ 73,6% lên 96,2%...

Đến nay 93,3% người dân khu vực nông thôn đã có thẻ bảo hiểm y tế hay sổ/thẻ/giấy khám chữa bệnh miễn phí.
Đến nay 93,3% người dân khu vực nông thôn đã có thẻ bảo hiểm y tế hay sổ/thẻ/giấy khám chữa bệnh miễn phí.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, khoảng cách tiếp cận dịch vụ y tế của người dân khu vực nông thôn vẫn có sự chênh lệch đáng kể với khu vực thành thị. Kết quả Khảo sát mức sống dân cư năm 2024 cho thấy, mặc dù có tỷ lệ sở hữu bảo hiểm y tế cao hơn, nhưng tỷ lệ người dân nông thôn có khám chữa bệnh trong năm 2024 chỉ là 21,3%, trong khi tỷ lệ này ở khu vực thành thị lại là 26,5%; chi tiêu bình quân của một người có khám chữa bệnh trong năm 2024 ở nông thôn cũng thấp hơn thành thị, lần lượt là 3,3 triệu đồng và 3,6 triệu đồng/người/năm.

Nhiều người dân nông thôn chưa tiếp cận dịch vụ y tế chính thức do nhiều nguyên nhân. Một trong những nguyên nhân cản trở khả năng tiếp cận dịch vụ y tế của người dân nông thôn là hệ thống cơ sở hạ tầng, chuyên môn y tế tuyến dưới còn yếu. Cả nước có trên 11,4 nghìn trạm y tế xã, phường, song phần lớn tập trung ở vùng đồng bằng, nhiều nơi vùng sâu, vùng xa, trạm y tế còn thiếu y, bác sĩ thường trực hoặc chưa được đầu tư nâng cấp thiết bị, thuốc men còn thiếu thốn.

Ngoài ra, gánh nặng chi phí khám chữa bệnh, khoảng cách về chất lượng khám chữa bệnh, thái độ phục vụ cũng là những rào cản khiến việc nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân khu vực nông thôn còn gặp nhiều khó khăn.

Giải pháp khắc phục

Để tăng cường chất lượng dịch vụ của mạng lưới y tế cơ sở đảm bảo chăm sóc sức khỏe cho người dân khu vực nông thôn, cần triển khai thực hiện đồng bộ và hiệu quả các giải pháp sau:

Một là, nâng cấp hệ thống y tế cơ sở. Ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế cho trạm y tế xã, đặc biệt tại vùng sâu, vùng xa, miền núi. Tăng cường bố trí y, bác sĩ làm việc thường xuyên tại các trạm; đẩy mạnh các chương trình đưa bác sĩ trẻ, tình nguyện về nông thôn; xây dựng cơ chế ưu đãi, luân chuyển hợp lý nhằm giữ chân nhân lực y tế tại các vùng khó khăn.

Hai là, đẩy mạnh hoạt động của trạm y tế theo hướng chăm sóc sức khỏe ban đầu. Thay vì chỉ tập trung khám chữa bệnh, trạm y tế cần đóng vai trò tích cực hơn trọng dự phòng bệnh tật, quản lý bệnh không lây nhiễm (tiểu đường, huyết áp, tim mạch…) và truyền thông giáo dục sức khỏe cộng đồng. Từ đó, giúp giảm tải cho tuyến trên và nâng cao năng lực tự chăm sóc của người dân.

Ba là, tăng cường truyền thông và tư vấn về bảo hiểm y tế. Để nâng cao hiệu quả sử dụng bảo hiểm y tế, cần có chương trình truyền thông quy mô rộng, giúp người dân hiểu rõ quyền lợi và cách sử dụng bảo hiểm y tế. Đồng thời, cải cách thủ tục hành chính và số hóa các quy trình khám chữa bệnh, giúp giảm phiền hà và tăng sự hài lòng của người dân.

Bốn là, kết hợp đẩy mạnh y tế và phát triển hạ tầng nông thôn. Đầu tư mạnh hơn nữa vào nước sạch, vệ sinh môi trường, nhà tiêu hợp vệ sinh, xử lý rác thải y tế và sinh hoạt tại nông thôn. Đẩy mạnh triển khai thực hiện các chương trình trọng điểm về nông thôn như Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Năm là, tăng cường ứng dụng công nghệ và đẩy mạnh y tế từ xa. Xác định chuyển đổi số là một giải pháp khả thi để rút ngắn khoảng cách y tế nông thôn - thành thị. Tiếp tục đầu tư hệ thống hạ tầng mạng, đào tạo cán bộ y tế về sử dụng công nghệ và mở rộng danh mục dịch vụ y tế từ xa đến tận các trạm y tế xã.

Từ ngày 1/7/2025, Cục Thống kê tiến hành thu thập thông tin phục vụ Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025, đây là cuộc tổng điều tra được Chính phủ thực hiện định kỳ 10 năm một lần trên phạm vi cả nước.

Nội dung Tổng điều tra bao gồm: Thực trạng nền sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; thực trạng nông thôn và thông tin cư dân nông thôn.

Trong đó, có thu thập các thông tin về: Tình hình sử dụng điện, nước sạch của cư dân nông thôn, khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu. Kỳ vọng các kết quả này sẽ giúp Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương xác định được vùng trọng điểm cần đầu tư, cũng như thiết kế chính sách tích hợp giữa y tế, môi trường và phát triển hạ tầng, qua đó nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe và chất lượng sống cho người dân nông thôn, góp phần đảm bảo công bằng xã hội và phát triển bền vững.