Nghị quyết 66: “Đột phá của đột phá” về xây dựng và thi hành pháp luật
Thời gian gần đây, Việt Nam đang chứng kiến một sự thay đổi bước ngoặt trong việc thảo luận, sửa đổi, ban hành chính sách, pháp luật, với một “tốc độ nhanh chưa từng có”.

Đó là đánh giá của ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế VCCI về tại Hội thảo: “Dòng chảy pháp luật 2024–2025 & những khuyến nghị cho doanh nghiệp” do Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao và Trung tâm BSA tổ chức ngày 15/5.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, thời gian gần đây, Việt Nam đang chứng kiến một sự thay đổi bước ngoặt trong việc thảo luận, sửa đổi, ban hành chính sách, pháp luật, với một “tốc độ nhanh chưa từng có”. Việc này có thể giúp giải quyết nhanh chóng, ngay lập tức các vấn đề cấp thiết của người dân, doanh nghiệp. Đòi hỏi doanh nghiệp phải nắm bắt nhanh, và hiểu sâu sắc hơn về các chính sách, luật pháp liên quan đến hoạt động của mình.
Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới được đánh giá “Đột phá của đột phá” về xây dựng và thi hành pháp luật.
Sự thay đổi, đầu tiên, theo ông Đậu Anh Tuấn, có thể nhận ra ngay là từ cách viết. Nghị quyết 66 có cách viết đơn giản để mọi người dân, doanh nghiệp đều hiểu được, khác hẳn cách viết nhiều lớp nghĩa trước đây. Cách thảo luận chính sách nhanh chóng, nhưng cách xây dựng pháp luật lại phải trải qua các quy trình bài bản, chuyên nghiệp.
Trước đây để soạn một luật mất rất nhiều thời gian, thậm chí qua 2-3 kỳ họp Quốc Hội. Rất nhiều tắc nghẽn trên thực tiễn mà không giải quyết kịp. Nhưng nay, quy trình xây dựng pháp luật đã được thay đổi, nhiều đạo luật thông qua ngay trong 1 kỳ họp thay vì phải 2 kỳ như trước đây. Quy trình xây dựng chính sách và soạn thảo đã rút ngắn hơn rất nhiều.
Nghị quyết 66 đặt ra yêu cầu: “Xây dựng môi trường pháp lý thuận lợi, thông thoáng, minh bạch, an toàn, chi phí tuân thủ thấp; triệt để cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư, kinh doanh, hành nghề, thủ tục hành chính bất hợp lý; thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh ổn định”.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, đây là ưu tiên trong việc xây dựng chính sách pháp luật. Không đảm bảo quản lý hay siết chặt mà là thuận lợi, thúc đẩy. Tinh thần này có thể là mở đường cho các bộ, ngành trong thời gian sắp tới. Nhà nước hướng đến nhiều mục tiêu, nhưng hiện tại yêu cầu thông thoáng thuận lợi được nhấn mạnh.
Chính vì thế bộ máy chính quyền quan tâm thu hút doanh nghiệp, có doanh nghiệp thì mới tạo ra việc làm, có doanh nghiệp thì mới giảm thất nghiệp. Bộ máy chính quyền của các tỉnh, thành phố cũng như vậy. “Thời gian sắp tới thành tích địa phương có thể sẽ được đánh giá qua việc phát triển được bao nhiêu doanh nghiệp, tạo ra được bao nhiêu việc làm chứ không phải là con số tăng trưởng” – ông Đậu Anh Tuấn nói.

Nội dung hoàn thiện thể chế được quy định rất cụ thể: Các quy định của luật phải mang tính ổn định, đơn giản, dễ thực hiện, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; bảo đảm quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật dân chủ, chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả; phân định rõ quy trình xây dựng chính sách và quy trình soạn thảo văn bản; từng bước thực hiện soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật tập trung, chuyên nghiệp.
Thực hiện nghiêm túc cơ chế tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý của các đối tượng chịu sự tác động; không đẩy khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trong thiết kế chính sách và xây dựng pháp luật.
Xây dựng môi trường pháp lý thuận lợi, thông thoáng, minh bạch, an toàn, chi phí tuân thủ thấp; triệt để cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư, kinh doanh, hành nghề, thủ tục hành chính bất hợp lý; thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh ổn định.
Tập trung xây dựng pháp luật về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, tạo hành lang pháp lý cho những vấn đề mới, phi truyền thống (trí tuệ nhân tạo, chuyên đổi số, chuyển đổi xanh, khai thác nguồn lực dữ liệu, tài sản mã hóa...) để hình thành các động lực tăng trưởng mới, thúc đẩy phát triển lực lượng sản xuất mới, các ngành công nghiệp mới. Xây dựng cơ chế, chính sách đột phá, vượt trội, cạnh tranh cho trung tâm tài chính quốc tế, khu thương mại tự do, khu kinh tế trọng điểm...
Nghiên cứu mở rộng phạm vi và nâng cao hiệu quả áp dụng thủ tục tố tụng tư pháp rút gọn; kết hợp các phương thức phi tố tụng tư pháp với các phương thức tố tụng tư pháp; có giải pháp khuyến khích, phát triển các thiết chế giải quyết tranh chấp ngoài tòa án như trọng tài thương mại, hòa giải thương mại...