Sửa đổi Luật Giáo dục đại học: Cơ sở tháo gỡ những vướng mắc và “điểm nghẽn”, thúc đẩy đổi mới toàn diện giáo dục đại học
Đó là thông điệp được nhấn mạnh tại Tọa đàm Tham vấn chính sách xây dựng Luật Giáo dục đại học (sửa đổi) do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức tại Đại học Bách khoa Hà Nội ngày 14/5/2025, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn chủ trì tọa đàm.

Cơ hội chiến lược cho toàn ngành
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh, trong những năm qua, lĩnh vực giáo dục đại học đã đạt được nhiều thành tựu rõ nét, được thể hiện qua các báo cáo tổng kết và được xã hội ghi nhận, đánh giá cao. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, vẫn còn tồn tại không ít bất cập cần được khắc phục. Vì thế, việc sửa đổi Luật cần được thực hiện trong tinh thần đổi mới, phù hợp với yêu cầu của giai đoạn phát triển mới và bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng. Đồng thời, phải bám sát các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước. Điều này vừa tạo động lực, vừa đặt ra yêu cầu, thách thức cho quá trình sửa đổi.
Đây là dịp để điều chỉnh căn bản, toàn diện nhằm tháo gỡ những vướng mắc và “điểm nghẽn” trong triển khai thực tiễn thời gian qua -Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh,

Thứ trưởng đề nghị các đại biểu tham dự tọa đàm tập trung đóng góp ý kiến vào 6 nhóm chính sách nêu trong dự thảo Tờ trình Chính phủ, bao gồm: Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, kiến tạo hệ thống quản trị đại học tiên tiến; Hiện đại hóa chương trình và phương thức tổ chức đào tạo, ứng dụng công nghệ tiên tiến và thúc đẩy học tập suốt đời; Định vị cơ sở giáo dục đại học là trung tâm nghiên cứu, đổi mới sáng tạo gắn với đào tạo nhân lực chất lượng cao; Tăng cường huy động các nguồn lực và nâng cao hiệu quả đầu tư hiện đại hóa giáo dục đại học; Phát triển đội ngũ giảng viên, nhà khoa học xuất sắc và môi trường học thuật sáng tạo, liêm chính; Thay đổi cách thức tiếp cận quản trị chất lượng trong hoạt động đảm bảo chất lượng.
Trình bày thuyết minh quy phạm hóa chính sách của dự án Luật Giáo dục đại học sửa đổi, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GDĐT) Nguyễn Tiến Thảo cho biết, xây dựng Luật GDĐH trên nguyên tắc: Thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển GDĐH; phù hợp Hiến pháp, kế thừa và khắc phục vướng mắc pháp lý trong thực tế; tăng cường quyền tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình; đổi mới quản trị, nâng cao chất lượng, phục vụ cộng đồng; khuyến khích xã hội hóa, hội nhập quốc tế, chuyển đổi số; tiếp cận xu thế quốc tế, phát triển giáo dục mở, học tập suốt đời.

Cùng quan điểm, Phó Giám đốc Đại học Bách Khoa Hà Nội Nguyễn Phong Điền cho rằng, cần làm rõ các nội hàm, thuật ngữ trong dự thảo Luật. Đồng thời, thúc đẩy hợp tác đào tạo giữa nhà trường và DN, gắn với đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ nhu cầu phát triển của đất nước; quy định rõ các tiêu chuẩn trong công tác đảm bảo chất lượng giáo dục đại học. Bên cạnh đó, các văn bản dưới Luật có liên quan cần được xây dựng đồng bộ, để Luật nhanh chóng đi vào thực tiễn.
Tán thành việc xây dựng khung pháp lý nhằm phát triển giáo dục đại học với những đột phá trong lộ trình chung; GS.TSKH Vũ Hoàng Linh, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhấn mạnh, cần làm rõ các quy định để tránh cách hiểu khác nhau khi áp dụng. Ngoài ra, cần nâng cao tính thực chất của Hội đồng trường trong các cơ sở giáo dục đại học, đồng thời kiến nghị về công tác kiểm định và bổ nhiệm trong hệ thống hiện nay.
Còn theo ông Nguyễn Vũ Quốc Huy, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược (Đại học Huế), nêu cao tinh thần cắt giảm và đơn giản hóa các chính sách trong dự thảo Luật sẽ góp phần tạo nên những chuyển biến tích cực trong toàn bộ hệ thống và quá trình vận hành giáo dục đại học. Bên cạnh đó, Luật Giáo dục đại học sửa đổi cần được xây dựng theo hướng hài hòa với các lĩnh vực khác được quy định trong các luật chuyên ngành liên quan. Ban soạn thảo cần có sự kết nối chặt chẽ và có cái nhìn toàn diện đối với tất cả các phạm vi và cấu trúc hệ thống của Luật Giáo dục đại học. Qua đó, nhằm điều chỉnh, thay đổi những nội dung còn bất cập, đồng thời kế thừa, duy trì những yếu tố đã phát huy hiệu quả trong thực tiễn.
Đề cao các đóng góp, phản biện trong sửa đổi Luật GDĐH
Ghi nhận các ý kiến đóng góp của các đại biểu, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết, Ban soạn thảo sẽ tiếp thu, bổ sung, hoàn thiện dự thảo trong thời gian tới. Thứ trưởng đề nghị các đại biểu tiếp tục thảo luận trong nội bộ đơn vị để có cái nhìn sâu hơn, đồng thời gửi thêm ý kiến cho Ban soạn thảo.
Thứ trưởng nhấn mạnh, vai trò truyền thông trong việc giúp xã hội hiểu đúng, tạo sự đồng thuận với các chủ trương sửa đổi. Do đó, cần truyền thông chọn lọc, mang tính xây dựng, lắng nghe dư luận và tìm kiếm các ý kiến phản biện mang tính đóng góp và đề xuất sửa đổi các luật liên quan một cách phù hợp.
Việc sửa đổi Luật cần được thực hiện trong tinh thần đổi mới, phù hợp với yêu cầu của giai đoạn phát triển mới và bối cảnh hội nhập quốc tế nhiều biến động. Đồng thời, phải bám sát các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước.
Thanh Loan (Tổng hợp)