Nhiều điểm mới nhằm minh bạch trong tuyển sinh đại học năm 2025
Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 06/2025/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều trong quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục mầm non. Thông tư này áp dụng từ năm 2025 nhằm hướng đến đảm bảo công bằng, minh bạch và nâng cao chất lượng tuyển sinh.

Thí sinh có thành tích đặc biệt vẫn xét tuyển bình đẳng
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thông tư số 06/2025/TT-BGDĐT sửa đổi một số điều của Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục mầm non năm 2025.
Theo đó, tổng điểm xét tuyển của một thí sinh, bao gồm cả điểm thưởng, điểm ưu tiên, không được vượt quá điểm tuyệt đối. Cụ thể, tổng mức điểm cộng (gồm điểm thưởng, điểm ưu tiên khu vực, ưu tiên đối tượng) mà Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định, sẽ không vượt quá 10% mức điểm tối đa của thang điểm xét (tối đa 3 điểm đối với thang điểm 30).
Đáng kể, nếu như những năm trước, thí sinh có thành tích đặc biệt nằm trong đối tượng ưu tiên xét tuyển của nhiều trường thì năm nay những thí sinh này phải xét tuyển bình đẳng như mọi thí sinh khác và có lợi thế là được cộng thêm điểm.
Cũng theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2025 là năm đầu tiên khóa học sinh học theo chương trình giáo dục phổ thông mới (Chương trình giáo dục phổ thông 2018) dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT). Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành quy chế thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, trong đó tăng số môn thi học sinh có thể lựa chọn. Vì vậy, để bảo đảm cơ hội trúng tuyển cho học sinh đến từ các vùng, miền khác nhau, quy chế bỏ yêu cầu chương trình đào tạo, mỗi ngành, mỗi chương trình có tối đa 4 tổ hợp xét tuyển như dự thảo; thí sinh được xét tuyển không giới hạn số tổ hợp xét tuyển.

Tuy nhiên, nhằm bảo đảm chất lượng và nền tảng kiến thức cần thiết để học bậc đại học, quy chế quy định tổ hợp môn dùng để xét tuyển bao gồm ít nhất 3 môn phù hợp, trong đó phải có môn toán hoặc ngữ văn với trọng số tính điểm xét không dưới 25%. Từ năm 2026, số môn chung của các tổ hợp phải đóng góp ít nhất 50% trọng số tính điểm xét.
Để hạn chế việc điểm cộng của thí sinh quá lớn gây mất công bằng, quy chế đưa ra giới hạn tổng điểm cộng không vượt quá 10% mức điểm tối đa của thang điểm xét (ví dụ với thang điểm 30, tối đa là 3 điểm) để tạo cơ hội công bằng hơn trong xét tuyển.
Các cơ sở đào tạo vẫn có điểm cộng dựa trên đặc thù của cơ sở đào tạo, của yêu cầu đầu vào và khai thác tối đa thế mạnh riêng của thí sinh. Mỗi thí sinh đều có cơ hội đạt mức điểm tối đa của thang điểm xét nhưng không có thí sinh nào có điểm xét (tất cả các loại điểm cộng, điểm ưu tiên) vượt quá mức điểm tối đa này.
Như vậy, Thông tư số 06/2025/TT-BGDĐT có các thay đổi chính bao gồm: việc bỏ xét tuyển sớm, công khai quy tắc quy đổi điểm trúng tuyển, không giới hạn số tổ hợp xét tuyển, và quy định mới về chứng chỉ ngoại ngữ. Ngoài ra, tổng điểm cộng cũng sẽ bị giới hạn để đảm bảo tính công bằng trong quá trình xét tuyển. Những thay đổi này sẽ tạo ra một quy trình tuyển sinh minh bạch, công bằng và hiệu quả hơn trong năm tuyển sinh 2025.
Hướng tới công bằng, chất lượng và minh bạch trong tuyển sinh
Đánh giá về việc quy đổi điểm tương đương trúng tuyển nhằm hướng tới công bằng, chất lượng và minh bạch trong tuyển sinh đại học, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết, đối với một ngành đào tạo có nhiều phương thức xét tuyển, tổ hợp môn xét tuyển sẽ có các điểm trúng tuyển (điểm chuẩn) tương ứng với từng phương thức, tổ hợp môn xét tuyển.
Giữa các tổ hợp môn dùng để xét tuyển vào cùng một ngành thì cho đến nay hầu hết các trường đại học đã thực hiện theo cách quy định một điểm chuẩn chung, hoặc có chênh lệch nhỏ giữa các tổ hợp xét tuyển căn cứ phân tích phổ điểm các môn thi và yêu cầu của ngành đào tạo (ví dụ điểm trúng tuyển tổ hợp A1 phải lớn hơn tổ hợp A0 là 0,5 điểm).
Bên cạnh đó, cũng có một số trường phân chia chỉ tiêu của cùng một ngành cho nhiều tổ hợp xét tuyển, trong nhiều trường hợp dẫn tới chênh lệch bất hợp lý giữa điểm chuẩn đối với các tổ hợp khác nhau.
Đặc biệt, khi một ngành sử dụng nhiều phương thức xét tuyển với chỉ tiêu riêng, điểm chuẩn của từng phương thức sẽ phụ thuộc vào việc phân chia chỉ tiêu và số lượng thí sinh dự tuyển đủ điều kiện.
Vấn đề là việc phân chia chỉ tiêu giữa các phương thức xét tuyển hay tổ hợp xét tuyển thiếu căn cứ khoa học hay thực tiễn, dẫn tới sự biến động điểm chuẩn bất thường, khó lường qua các năm của các phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển đối với một ngành đào tạo. Chưa kể, ở một số ngành ở một số trường không thuộc Top trên có điểm chuẩn theo điểm thi tốt nghiệp THPT tăng đột biến chỉ vì chỉ tiêu của phương thức này quá ít.
Hơn nữa, việc phân chia chỉ tiêu cho từng phương thức, tổ hợp xét tuyển cũng tạo kẽ hở thậm chí có thể xảy ra tiêu cực trong quá trình xét tuyển để có lợi cho một phương thức, tổ hợp nhất định. Đó là những lý do mà Bộ Giáo dục và Đào tạo phải đưa ra quy định về quy đổi tương đương từ năm nay.
Theo Quy chế sửa đổi, một ngành có nhiều phương thức, tổ hợp xét tuyển sẽ xác định điểm chuẩn cho từng phương thức, tổ hợp xét tuyển dựa trên tổng chỉ tiêu của ngành và quy tắc quy đổi tương đương giữa các điểm chuẩn. Khi đó, quá trình xét tuyển sẽ được thực hiện bằng cách điều chỉnh lên hay xuống điểm chuẩn tương đương của tất cả phương thức, tổ hợp xét tuyển cho tới khi đạt được số lượng thí sinh trong danh sách trúng tuyển phù hợp với tổng chỉ tiêu của ngành.
Bản chất của quy định này nhằm bảo đảm điểm chuẩn của mỗi phương thức hay tổ hợp xét tuyển cũng phải “tương đương” về đánh giá, đảm bảo mức độ phù hợp của người học theo yêu cầu năng lực, kiến thức đầu vào của ngành đào tạo. Qua đó không chỉ tạo sự công bằng giữa các thí sinh, mà còn giúp nâng cao chất lượng và tính minh bạch trong tuyển sinh của các cơ sở đào tạo.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, một vài năm qua có thực trạng một số cơ sở đào tạo lạm dụng việc sử dụng các chứng chỉ ngoại ngữ trong quá trình xét tuyển, thậm chí sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ như là tiêu chí quyết định đến cơ hội trúng tuyển của thí sinh. Trong khi đó, việc tiếp cận để được cấp các chứng chỉ ngoại ngữ có sự khác biệt giữa học sinh các vùng, miền.
Do vậy, quy chế mới quy định các trường có thể quy đổi các chứng chỉ ngoại ngữ thành điểm môn ngoại ngữ để đưa vào tổ hợp môn xét tuyển, nhưng điểm môn ngoại ngữ được quy đổi từ các chứng chỉ ngoại ngữ có trọng số tính điểm xét không được vượt quá 50%. Với quy định này, thí sinh vẫn có thể sử dụng tối đa thế mạnh của mình để tăng cơ hội trúng tuyển đại học nhưng vẫn bảo đảm công bằng.