Số hóa quản lý doanh nghiệp: Những yêu cầu cấp thiết!
Sáng 9/5, Bảo hiểm xã hội khu vực IV (tỉnh Bình Dương) đã chủ trì tổ chức Hội thảo “Tăng cường số hóa trong công tác phối hợp để phục vụ và quản lý doanh nghiệp”, với sự phối hợp của nhiều cơ quan trên địa bàn.

Những yêu cầu cấp thiết
Theo ông Đặng Hồng Tuấn- Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) khu vực IV: Ngoài những đơn vị, doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn thực sự do ảnh hưởng tình hình kinh tế thế giới cũng như trong nước, trên địa bàn tỉnh Bình Dương còn rất nhiều đơn vị, DN có ý thức chấp hành pháp luật chưa cao dẫn đến việc chậm trễ trong công tác trích nộp BHXH; các DN nhỏ lẻ thường thông qua đơn vị dịch vụ để hoàn tất thủ tục khai báo BHXH không rà soát kiểm tra thông tin đóng thường xuyên… Điều này khiến cơ quan BHXH gặp rất nhiều khó khăn trong quản lý DN, nếu không có sự phối hợp từ các sở ban ngành cũng như số hóa quản lý DN. Hậu quả là năm 2024 số tiền chậm đóng, trốn đóng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) trên địa bàn tỉnh Bình Dương tới trên 132 tỷ đồng, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của hàng ngàn NLĐ.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thành An- Phó giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bình Dương cho biết: Hiện một số DN chưa tuân thủ các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh như: Nợ thuế nhưng không thực hiện nghĩa vụ thuế, thành lập DN mua bán hóa đơn sau đó bỏ địa chỉ kinh doanh; kinh doanh không đúng quy định của pháp luật; vi phạm phát luật trong kinh doanh như: kinh doanh phát sinh tiếng ồn, không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, gây mất an ninh trật tự, gây ô nhiễm môi trường; đầu tư núp bóng; lợi dụng DN để hoạt động những dịch vụ phát sinh tệ nạn xã hội, lừa đảo; hoạt động kinh doanh tại địa điểm không đúng mục đích sử dụng đất theo quy định; kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện khi chưa đủ điều kiện kinh doanh theo quy định; kinh doanh ngành, nghề có điều kiện về an ninh, trật tự nhưng không đảm bảo… Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có công cụ hiệu quả để xác định DN được đăng ký thành lập là do chính cá nhân đó làm hay không để xử lý các bước tiếp theo…
Trong khi đó, ông Lê Nguyên Kham- Phó phòng Thanh tra, kiểm tra 2, Chi cục Thuế khu vực XVI cho biết: Hiện dữ liệu thuế trên địa bàn chưa thống nhất, trùng lắp hoặc chênh lệch; chất lượng dữ liệu là một trong những thách thức lớn trong công tác chia sẻ, phối hợp giữa các cơ quan; Dữ liệu về DN được lưu trữ ở nhiều cơ quan khác nhau, với các định dạng và chuẩn dữ liệu khác nhau, dẫn đến tình trạng không đồng bộ; Thông tin về cùng một DN tại các cơ quan khác nhau có thể không thống nhất, gây khó khăn trong việc xác định thông tin chính xác; Việc cập nhật thông tin không đồng bộ giữa các cơ quan dẫn đến tình trạng dữ liệu bị lạc hậu, không phản ánh đúng thực trạng của DN.
Từ báo cáo công tác thuế năm 2024, việc triển khai rà soát chuẩn hóa dữ liệu MST cá nhân theo Đề án 06 đã có những kết quả đáng ghi nhận: Đã tiến hành làm sạch, chuẩn hóa được 142.078/223.520 mã số thuế (chiếm tỷ lệ 63,56%); tuy nhiên vẫn còn 81.442/223.520 MST (chiếm tỷ lệ 36,44%) chưa được làm sạch. Tổng nợ năm 2024 là 3.890 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 8% so với số thu NSNN năm 2024. Trong đó: Nợ tiền thuế có khả năng thu: 2.600 tỷ đồng (66,84%); Tiền thuế nợ khó thu: 736 tỷ đồng (18,91%); Tiền thuế nợ đang xử lý: 554 tỷ đồng (14,25%)… Bên cạnh đó vẫn còn nhiều DN có dấu hiệu rủi ro cao về thuế, trong đó có các hành vi như: Tình trạng thành lập các DN mua bán hóa đơn ngày càng nhiều, việc nhận diện các DN thành lập để bán hóa đơn rất khó khăn; Một số DN cố tình kê khai sai lệch. Kết quả thanh tra, kiểm tra DN có phát sinh giao dịch liên kết trong 11 tháng năm 2024 đã điều chỉnh thu nhập tăng thêm chịu thuế 1.964 tỷ 031 triệu đồng; truy thu 105 tỷ 876 triệu đồng.
Theo bà Phạm Thị Hiền- Phó Chi cục trưởng, Chi cục Thống kê tỉnh Bình Dương: Thực tế cho thấy, khi không có sự chia sẻ dữ liệu hiệu quả, số hóa quản lý DN, thì tình trạng cát cứ thông tin, trùng lặp thủ tục, và chậm trễ trong phối hợp xử lý hồ sơ hành chính vẫn còn tồn tại, ảnh hưởng không nhỏ đến niềm tin của người dân và DN vào bộ máy công quyền…
Ông Phan Văn Dũng- Phó chi Cục trưởng, Chi cục Hải quan khu vực XVI cho biết: Hiện tại, ngành Hải quan đang rất thiếu và cần nhiều thông tin liên quan đến các DN từ các sở, ngành liên quan phục vụ cho công tác quản lý DN có hoạt động xuất nhập khẩu. Đặc biệt, trong đó các DN có hoạt động nhập khẩu nguyên liệu để gia công hàng xuất khẩu, sản xuất hàng xuất khẩu được miễn thuế hàng nhập khẩu rất cần thông tin để quản lý DN tuân thủ sử dụng nguyên liệu, hàng hóa đúng mục đích để được miễn thuế theo quy định. Vì vậy việc kết nối dữ liệu, số hóa quản lý DN là hết sức cần thiết.
Cần sự phối hợp chặt chẽ
Tại Hội thảo, đại diện các Sở, ngành trên địa bàn tỉnh Bình Dương thông nhất một số giải pháp kết nối dữ liệu để quản lý DN thực hiện nghiêm pháp luật BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, Thuế, Hải quan… Đối với cơ quan BHXH: Chia sẻ danh sách các đơn vị đang tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp bao gồm tên đơn vị, địa chỉ, mã số thuế, số lao động đang tham gia, tổng quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH, BHYT, BHYT, tổng số tiền nợ, số tháng nợ để các ngành dùng làm căn cứ để quản lý, đối chiếu khi thực hiện thống kê, thanh kiểm tra DN.
Đối với cơ quan Thuế: Chia sẻ thông tin người nộp thuế thu nhập cá nhân nhằm cung cấp cho các ngành và cơ quan BHXH để khai thác phát triển người tham gia, phát hiện các trường hợp trốn đóng, đóng không đầy đủ của đơn vị, DN. Chia sẻ về tình trạng hoạt động của đơn vị, DN trên địa bàn tỉnh để nắm bắt kịp thời, làm căn cứ tất toán, khoanh nợ và giải quyết chế độ BHXH cho người tham gia kịp thời, đúng quy định. Khi thực hiện thanh tra, kiểm tra, quyết toán thuế với đơn vị đề nghị bổ sung nội dung thanh toán tiền BHXH, BHYT của đơn vị vào biên bản.
Đối với cơ quan Hải quan: Chia sẻ thông tin về tình hình hoạt động của DN nhằm có cơ sở trong việc thống kê, báo cáo và thanh kiểm tra, xử lý DN liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế xuất nhập khẩu.
Đối với chi cục thống kê: Chia sẻ các thông tin thống kê về các DN, các số liệu về dân số, lực lượng lao động trong độ tuổi trên địa bàn tỉnh và từng huyện làm cơ sở cho việc thống kê, báo cáo cấp trên và các cơ quan có liên quan, đặc biệt là việc tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh giao chỉ tiêu về BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp cho các huyện, thành phố.
Đối với Sở tài chính: Chia sẻ thông tin về các DN đăng ký thành lập mới hoặc DN giải thể, phá sản để các ngành nắm bắt kịp thời trong quản lý và có cơ sở xử lý theo quy định .
Để các giải pháp trên được triển khai hiệu quả, đại diện Kho bạc Nhà nước khu vực XVI kiến nghị các cấp có thẩm quyền ban hành quy trình chính thức về việc xác minh thông tin nhà cung cấp là DN thông qua nền tảng số liên ngành. Quy trình này cần quy định rõ trách nhiệm của các bên liên quan trong việc cung cấp, cập nhật và sử dụng thông tin.
Bà Phạm Thị Hiền- Phó Chi cục trưởng, Chi cục Thống kê tỉnh Bình Dương đề nghị: Triển khai các công cụ số như trợ lý ảo để hỗ trợ cán bộ, công chức trong việc xử lý công việc; đồng thời hỗ trợ người dân trong việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ công trực tuyến.
Ông Lê Nguyên Kham- Phó phòng Thanh tra, kiểm tra 2, Chi cục Thuế khu vực XVI đề xuất các giải pháp kết nối dữ liệu DN với BHXH, Kho bạc, Hải quan và các cơ quan liên quan khác. Theo ông Kham, cần phát triển một nền tảng kỹ thuật dùng chung cho các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh, cho phép kết nối, chia sẻ dữ liệu theo thời gian thực giữa các hệ thống; Xây dựng và áp dụng các chuẩn dữ liệu thống nhất cho thông tin DN, tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi và đối soát dữ liệu giữa các cơ quan…