Nhìn lại quan hệ kinh tế Việt Nam - Thái Lan
Ngày 15/5, Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Hoàng gia Thái Lan, bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam. Nhân dịp này, cùng nhìn lại quan hệ kinh tế Việt Nam - Thái Lan.

Việt Nam và Thái Lan chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1976; hai bên đang hướng tới mốc kỷ niệm 50 năm thiết lập ngoại giao vào năm 2026.
Theo số liệu thống kê từ Cục Hải quan, trong quý I/2025, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Thái Lan đạt 5,16 tỷ USD, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Thái Lan đạt 20,18 tỷ USD, tăng 6,4% so với năm trước. Xét trong khu vực ASEAN, Thái Lan hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.
Từ ngày 15 - 16/5/2025, nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thủ tướng Vương quốc Thái Lan Paetongtarn Shinawatra sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Hoàng gia Thái Lan thăm chính thức Việt Nam và đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ tư Nội các chung Việt Nam - Thái Lan.
Về hợp tác đầu tư, Thái Lan cũng đang giữ một vị trí quan trọng trong số các quốc gia đầu tư vào Việt Nam. Hiện có khoảng 700 dự án từ các nhà đầu tư Thái Lan, tổng vốn đăng ký đạt hơn 17 tỷ USD. Tiêu biểu có thể kể đến các trung tâm thương mại Go của Tập đoàn Central Retail, các khu công nghiệp của Tập đoàn Amata, và Tập đoàn SCG với nhiều dự án lớn, trong đó có dự án hóa dầu tại Việt Nam trị giá hơn 4 tỷ USD.
Thái Lan hiện đứng thứ hai trong khối ASEAN (sau Singapore) có đầu tư vào Việt Nam. Bên cạnh đó, trong số 144 quốc gia đang có đầu tư tại Việt Nam, Thái Lan cũng đang ở vị trí khá cao, đứng thứ 9/144.
Mối liên kết kinh tế giữa hai quốc gia còn thể hiện rõ ở lĩnh vực du lịch. Việc đi lại và du lịch giữa Việt Nam và Thái Lan hiện rất thuận lợi, người Việt được miễn visa Thái Lan đến 60 ngày. Theo thống kê, tính riêng trong năm 2024, có hơn 1 triệu lượt du khách Việt Nam đến Thái Lan. Ở chiều ngược lại, có hơn 400.000 lượt du khách Thái Lan đến Việt Nam. Đáng chú ý, lượng hành khách bay hai chiều Thái Lan-Việt Nam đạt khoảng 4 triệu lượt mỗi năm. Kết quả kinh doanh của chi nhánh Vietnam Airlines tại Thái Lan năm 2024 tăng 115% so với năm 2023.
Các địa phương của hai quốc gia cũng thường xuyên có sự liên kết, thúc đẩy hợp tác phát triển kinh tế. Với 19 cặp địa phương kết nghĩa, Việt Nam và Thái Lan là hai nước có số lượng địa phương kết nghĩa nhiều nhất trong các nước thành viên ASEAN.
Theo bà Urawadee Sriphiromya - Đại sứ Vương quốc Thái Lan tại Việt Nam, chuyến thăm Việt Nam sắp tới của Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác kinh tế giữa hai quốc gia.
Theo đó, lãnh đạo hai nước sẽ trao đổi các giải pháp nhằm tạo thuận lợi, thúc đẩy thương mại song phương; tiếp tục nỗ lực không ngừng để sớm đạt được mục tiêu nâng kim ngạch thương mại lên 25 tỷ USD trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, lãnh đạo hai nước sẽ trao đổi các biện pháp thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực logistics và chuỗi cung ứng. Việt Nam và Thái Lan còn nhiều tiềm năng hợp tác về vận tải, đặc biệt là vận chuyển hàng hóa từ Thái Lan qua Việt Nam để xuất khẩu sang Trung Quốc.
Ngoài ra, lãnh đạo hai nước sẽ tập trung thảo luận các biện pháp thúc đẩy chiến lược "ba kết nối" nhằm mang lại lợi ích cho nhân dân hai nước, bao gồm: (1) kết nối chuỗi cung ứng, (2) kết nối kinh tế địa phương và kết nối hạ tầng giao thông; (3) kết nối các chiến lược phát triển bền vững.
Đại sứ cho biết, với việc hai nước cùng chú trọng chính sách phát triển bền vững và kinh tế thân thiện với môi trường, Thủ tướng hai nước cũng sẽ thảo luận về chủ đề này.
“Việt Nam đang có những bước tiến lớn trong lĩnh vực công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo, bán dẫn và robotics. Do đó, hợp tác phát triển nguồn nhân lực cho những ngành công nghệ cao này cũng sẽ là một chủ đề được lãnh đạo hai nước thảo luận trong cuộc gặp tới”, bà Urawadee Sriphiromya - Đại sứ Vương quốc Thái Lan tại Việt Nam cho biết.