Trường nghề tăng tốc tuyển sinh, đa dạng ngành học

Thu Dịu

Trong bối cảnh thị trường lao động chuyển biến nhanh chóng, mùa tuyển sinh 2025 của các trường nghề đã chính thức bước vào giai đoạn tăng tốc với nhiều đổi mới. Không chỉ dừng lại ở số lượng chỉ tiêu, các trường đang đặt trọng tâm vào nâng cao chất lượng đào tạo, mở thêm ngành học mới, tăng cường gắn kết với doanh nghiệp để đảm bảo việc làm cho sinh viên ngay sau khi ra trường.

Nhiều trường nghề đang tăng tốc tuyển sinh cho năm học 2025-2026. Ảnh: Trường Cao đẳng kỹ thuật Cao Thắng
Nhiều trường nghề đang tăng tốc tuyển sinh cho năm học 2025-2026. Ảnh: Trường Cao đẳng kỹ thuật Cao Thắng

Đào tạo gắn thực tiễn, đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp

Theo ghi nhận, hiện công tác tuyển sinh vào các trường nghề tại TP. Hồ Chí Minh và một số địa phương đang diễn ra sôi động. Các trường nghề đồng loạt mở rộng quy mô đào tạo, bổ sung những ngành nghề mới phù hợp với xu thế thị trường như: Thiết kế thời trang, Ngôn ngữ Trung Quốc, Kỹ thuật hàng không… Đồng thời củng cố các ngành mũi nhọn như: Cơ khí, công nghệ thông tin, điện – điện tử.

Thống kê cả nước hiện có gần 1.900 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Nhiều trường đã chủ động thay đổi mô hình đào tạo theo hướng linh hoạt, sát với nhu cầu doanh nghiệp. Chương trình học tại nhiều cơ sở được thiết kế với 30% lý thuyết, 70% thực hành, nhấn mạnh đào tạo qua trải nghiệm, giúp người học hình thành kỹ năng nghề vững vàng, khả năng thích ứng cao.

PGS. TS Bùi Văn Hưng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II cho biết: “Ngoài các kênh tuyển sinh truyền thống, trường đang đẩy mạnh tuyển sinh trên nền tảng kỹ thuật số, kết hợp với tư vấn trực tiếp tại trường và các điểm trường phổ thông. Chúng tôi cũng dành nhiều chính sách hỗ trợ học phí, học bổng cho các đối tượng ưu tiên theo quy định.”

Không riêng gì Kỹ nghệ II, nhiều trường khác cũng đang từng bước hiện đại hóa đào tạo. Trường Cao đẳng nghề TPHCM hiện có sự liên kết với hơn 100 doanh nghiệp trong và ngoài nước. TS Trần Kim Tuyền, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Vấn đề cốt lõi chúng tôi quan tâm là đảm bảo việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp. Nhân lực do trường đào tạo đã bắt đầu tham gia vào các thị trường lao động quốc tế.”

Bên cạnh việc củng cố những ngành truyền thống, nhiều trường nghề mở thêm các ngành mới để đón đầu nhu cầu nhân lực đang thiếu hụt. Chẳng hạn, Trường Cao đẳng kỹ thuật Lý Tự Trọng năm nay mở thêm ngành mộc xây dựng – trang trí nội thất, ngôn ngữ Trung Quốc và thiết kế thời trang – những lĩnh vực đang thiếu nhân lực chất lượng.

TS. Lê Đình Kha, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng cho biết, năm nay nhà trường tuyển sinh 4.500 chỉ tiêu với 18 ngành nghề, đa dạng phương thức xét tuyển như xét học bạ, điểm thi tốt nghiệp, đánh giá năng lực, tuyển thẳng... Trong đó, phương thức tuyển thẳng chiếm 15% chỉ tiêu, dành cho thí sinh có thành tích học tập tốt hoặc thư giới thiệu từ cựu sinh viên, giảng viên.

Trường Cao đẳng Kinh tế TP. Hồ Chí Minh tuyển 3.200 chỉ tiêu, cho phép thí sinh chọn tổ hợp xét tuyển linh hoạt nhưng bắt buộc có môn Toán. Trong khi đó, Trường Cao đẳng Viễn Đông tuyển 1.500 chỉ tiêu với 70% dành cho xét học bạ và đánh giá năng lực.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Một xu hướng rõ rệt của mùa tuyển sinh năm nay là việc tăng cường hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp. Không chỉ đưa sinh viên đi thực tập từ sớm, nhiều trường còn chủ động ký kết hợp tác với các đơn vị sử dụng lao động để đảm bảo đầu ra cho sinh viên.

Tiêu biểu, Trường Cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 đang phối hợp cùng Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Công ty Kỹ thuật bay và các đơn vị liên quan để đào tạo gần 48.000 lao động trong giai đoạn 2024–2030 phục vụ Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Những ngành nghề được đào tạo gồm: Bảo dưỡng máy bay, Kỹ thuật sửa chữa cấu trúc, Vận hành thiết bị hàng không...

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP. Hồ Chí Minh đánh giá, sự chủ động mở ngành, nâng cao chất lượng đào tạo và cam kết đầu ra là yếu tố then chốt giúp trường nghề trở nên hấp dẫn hơn với người học. Trong bối cảnh xã hội dần thay đổi nhận thức, việc học nghề không còn là “lựa chọn thứ yếu”, mà đang trở thành hướng đi thực tế, vững chắc để xây dựng sự nghiệp.

Tuy vậy, theo ông Trần Anh Tuấn, bên cạnh những chuyển biến tích cực, giáo dục nghề nghiệp vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức: thiếu giáo viên giỏi thực hành, nội dung đào tạo chưa đồng đều, kết nối giữa trường và doanh nghiệp chưa sâu rộng. Điều này đòi hỏi ngành nghề tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, từ cơ chế chính sách, đầu tư trang thiết bị, đến nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên.

Tại TP. Hồ Chí Minh, công tác phân luồng học sinh sau THCS và THPT đang được thúc đẩy mạnh mẽ, khuyến khích học sinh chọn nghề theo năng lực thay vì chạy theo “hào quang” đại học. Các hình thức học liên thông, cấp chứng chỉ nghề, đào tạo lại cũng đang được mở rộng, góp phần hình thành hệ sinh thái học tập suốt đời.

Nâng cao chất lượng đào tạo không chỉ là yêu cầu nội tại của mỗi cơ sở giáo dục nghề nghiệp, mà còn là điều kiện tiên quyết để phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật – nền tảng quan trọng cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.