Những công trình làm thay diện mạo TP. Hồ Chí Minh sau 50 năm thống nhất

Anh Hào

Sau 50 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975), bức tranh đô thị, hệ thống hạ tầng tại TP. Hồ Chí Minh đã có những thay đổi mạnh mẽ. Nhiều công trình trọng điểm được hoàn thành, đánh dấu sự phát triển không ngừng cũng như sự thay đổi diện mạo của Thành phố. Hãy cùng Tạp chí Kinh tế - Tài chính điểm qua những công trình nổi bật.

Những công trình làm thay diện mạo TP. Hồ Chí Minh sau 50 năm thống nhất. Ảnh: Anh Hào
Những công trình làm thay diện mạo TP. Hồ Chí Minh sau 50 năm thống nhất. Ảnh: Anh Hào

Sau gần 5 thập kỷ phát triển, TP. Hồ Chí Minh đã chuyển mình mạnh mẽ. Nhiều cao ốc hiện đại, có kiến trúc đa dạng liên tục đua nhau mọc lên làm cho diện mạo đô thị TP. Hồ Chí Minh ngày càng hiện đại, năng động.

Khu đô thị Vinhomes Central Park (quận Bình Thạnh) toạ lạc bên sông Sài Gòn, với điểm nhấn là tòa nhà Landmark 81 (cao 461m) trở thành biểu tượng mới của TP. Hồ Chí Minh. Kể từ khi khánh thành năm 2018, công trình trở thành toà tháp cao nhất Việt Nam, được xem là biểu tượng mới trong không gian đô thị và sự phát triển của Thành phố.

Khu đô thị Vinhomes Central Park. Ảnh: Anh Hào
Khu đô thị Vinhomes Central Park. Ảnh: Anh Hào

Khu đô thị Phú Mỹ Hưng (quận 7) là đô thị kiểu mẫu đầu tiên của cả nước, làm thay đổi diện mạo đô thị khu Nam. Từ một khu đầm lầy đến đô thị hiện đại với hàng loạt công trình, dự án hàng chục nghìn tỷ được triển khai trong nhiều năm, hình thành nên một trung tâm đô thị, thương mại hiện đại ở phía Nam Thành phố.

Khu đô thị Phú Mỹ Hưng (quận 7). Ảnh: Anh Hào
Khu đô thị Phú Mỹ Hưng (quận 7). Ảnh: Anh Hào

Bán đảo Thủ Thiêm, từng được gọi là xóm Tàu Ô với đầm lầy và ruộng đồng, sau 50 năm ngày giải phóng miền Nam đã thay đổi hoàn toàn. Các công trình như cầu Thủ Thiêm 1 hoàn thành năm 2007, hầm sông Sài Gòn thông xe vào năm 2011 và cầu Ba Son hoàn thành năm 2022, khu vực này chính thức bước sang trang mới.

Bán đảo Thủ Thiêm. Ảnh: Anh Hào
Bán đảo Thủ Thiêm. Ảnh: Anh Hào

Nổt bật là Khu đô thị Sala - tọa lạc tại vị trí trung tâm khu đô thị mới Thủ Thiêm, tổng diện tích khoảng 78,9 ha. Từng là vùng đất đầm lầy nay được đầu tư về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, đầy đủ công trình công cộng, minh hoạ rõ nét sự thay đổi diện mạo TP. Hồ Chí Minh sau 50 giải phóng.

Khu đô thị Sala. Ảnh: Anh Hào
Khu đô thị Sala. Ảnh: Anh Hào

Ngoài những khu đô thị nổi bật, nhiều công trình giao thông quan trọng được xây dựng, góp phần vào quá trình phát triển của Thành phố. Điển hình, Hầm sông Sài Gòn (trước đây là hầm Thủ Thiêm) là công trình ngầm vượt sông đầu tiên ở Việt Nam, được thiết kế có tuổi thọ vận hành 100 năm và chịu được động đất cấp 7. Công trình có quy mô hiện đại nhất Đông Nam Á với chiều dài gần 1,5km, kết nối đường Mai Chí Thọ (TP. Thủ Đức) với đường Võ Văn Kiệt.

Hầm sông Sài Gòn (trước đây là hầm Thủ Thiêm). Ảnh: Anh Hào
Hầm sông Sài Gòn (trước đây là hầm Thủ Thiêm). Ảnh: Anh Hào

Đường Võ Văn Kiệt dài khoảng 13 km tính từ cầu Calmette (quận 1) đến nút giao Quốc lộ 1A (huyện Bình Chánh). Đây là một phần thuộc đại lộ Đông Tây (Võ Văn Kiệt - hầm Thủ Thiêm - Mai Chí Thọ). Đường thông xe năm 2009 có tổng mức đầu tư hơn 13.400 tỷ đồng, là trục giao thông huyết mạch liên kết TP. Hồ Chí Minh với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Toàn tuyến đường Võ Văn Kiệt, nhiều cây cầu bắc ngang như cầu Calmette (trong ảnh),  cầu Ông Lãnh, cầu Nguyễn Văn Cừ, cầu Chữ Y, cầu Nguyễn Tri Phương… đã kết nối trung tâm Thành phố tới khu Nam, thúc đẩy khu vực này phát triển nhanh chóng.

Cầu Calmette. Ảnh: Anh Hào
Cầu Calmette. Ảnh: Anh Hào

Cầu Thủ Thiêm 2 (nay là cầu Ba Son) được khởi công năm 2015 có tổng vốn đầu tư hơn 3.100 tỷ đồng. Cầu giúp kết nối giao thông Khu đô thị mới Thủ Thiêm với khu trung tâm Thành phố hiện hữu, giảm áp lực giao thông cho cầu Sài Gòn, đường hầm sông Sài Gòn. Cùng với thiết kế chiếu sáng mỹ thuật, cầu Thủ Thiêm 2 là điểm nhấn kiến trúc nổi bật trên sông Sài Gòn cả ban ngày và ban đêm.

Cầu Thủ Thiêm 2 (nay là cầu Ba Son). Ảnh: Anh Hào
Cầu Thủ Thiêm 2 (nay là cầu Ba Son). Ảnh: Anh Hào

Nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (Quận 7) có tổng mức đầu tư dự án là 830 tỷ đồng, được đưa vào sử dụng cuối năm 2024 giúp các phương tiện lưu thông qua khu vực trên được dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, cùng với việc đã đưa vào sử dụng các công trình như cầu Phước Long, cầu Rạch Đĩa một phần của Quốc lộ 50 góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông của khu vực phía Nam Thành phố, kéo giảm tình trạng ùn tắc giao thông ở trục nối kết giữa Quận 7 với huyện Nhà Bè.

Nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (Quận 7). Ảnh: Anh Hào
Nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (Quận 7). Ảnh: Anh Hào

Tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên dài 19,7 km, có lộ trình đi qua các quận 1, Bình Thạnh, TP. Thủ Đức và Dĩ An (Bình Dương), điểm đầu từ ga Bến Thành (quận 1) đến Depot Long Bình, với tổng vốn đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng. Tuyến metro đầu tiên của TP. Hồ Chí Minh có 3 ga ngầm gồm Bến Thành, Nhà hát Thành phố và Ba Son cùng 11 ga trên cao.

Tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên dài 19,7 km. Ảnh: Anh Hào
Tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên dài 19,7 km. Ảnh: Anh Hào

Bên cạnh các khu đô thị, công trình giao thông trọng điểm làm thay đổi diện mạo Thành phố, nhiều năm qua một số dòng kênh ô nhiễm, “kênh chết” đã được cải tạo, từng bước làm thay đổi bộ mặt đô thị, cải thiện cuộc sống của hàng triệu người dân khu vực xung quanh.

Kênh Bến Nghé. Ảnh: Anh Hào
Kênh Bến Nghé. Ảnh: Anh Hào

Trong ảnh, kênh Bến Nghé từng là một trong những điểm đen về ô nhiễm Thành phố nhưng nay khoác lên mình bộ áo mới, góp phần thay đổi bộ mặt, cảnh quan và môi trường dọc hai bờ.

Kênh Tàu Hủ (Quận 8). Ảnh: Anh Hào
Kênh Tàu Hủ (Quận 8). Ảnh: Anh Hào

Sau khi được hồi sinh, Kênh Tàu Hủ (Quận 8) trở thành thành nơi diễn ra hoạt động hội Xuân “trên bến dưới thuyền” tái hiện hình ảnh sinh động khung cảnh Tết truyền thống của miền sông nước Nam bộ. Hằng năm, hoạt động này diễn ra sôi nổi, thu hút đông đảo người dân tại TP. Hồ chí Minh nói riêng và tiểu thương ở các khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung./.