Tăng trưởng kinh tế Việt Nam: Trái chiều dự báo, triển vọng dài hạn

Hương Dịu

Báo cáo nghiên cứu về triển vọng kinh tế Việt Nam của một số ngân hàng quốc tế đã đưa ra dự báo trái chiều cho tăng trưởng GDP những tháng cuối năm, nhưng lại cho rằng, lạm phát sẽ giảm xuống và Việt Nam còn nền tảng vững chắc để duy trì đà tăng trưởng trong dài hạn.

Hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu trong nửa đầu năm 2025 của Việt Nam vẫn ghi nhận tăng trưởng. Ảnh: H.Dịu
Hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu trong nửa đầu năm 2025 của Việt Nam vẫn ghi nhận tăng trưởng. Ảnh: H.Dịu

Trong báo cáo kinh tế vĩ mô về Việt Nam vừa mới được công bố, Ngân hàng Standard Chartered dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2025 ở mức 6,1%, so với dự báo trước đó ở mức 6,7%.

Tăng trưởng trong nửa cuối năm dự kiến ở mức 4,9%, sau khi đạt 7,5% trong nửa đầu năm 2025.

Mặc dù triển vọng thương mại trong ngắn hạn có dấu hiệu chững lại, Standard Chartered cho rằng, các yếu tố kinh tế vĩ mô cơ bản của Việt Nam vẫn duy trì ổn định.

Xuất khẩu đã cải thiện đầu năm 2025 và Việt Nam tiếp tục ghi nhận thặng dư thương mại mạnh mẽ ở mức 2,8 tỷ USD trong tháng 6, góp phần hỗ trợ đồng VND và cải thiện cán cân thanh toán. Nhập khẩu tăng, chủ yếu tập trung vào nguyên liệu thô, thiết bị sản xuất và linh kiện.

Dòng vốn FDI đã cải thiện mạnh mẽ, dẫn đầu là lĩnh vực sản xuất, tiếp theo là lĩnh vực bất động sản. Tuy nhiên, tăng trưởng doanh số bán lẻ đã giảm xuống còn 8,3% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy sự suy giảm trong nhu cầu nội địa.

 

Standard Chartered hạ dự báo lạm phát năm 2025 xuống 3,5%, từ mức 3,8% dự báo trước đó. Lạm phát đã chững lại trong những tháng gần đây, với lạm phát toàn phần duy trì dưới ngưỡng 4,0% so với cùng kỳ trong tháng thứ 11 liên tiếp tính tới tháng 6.

Xu hướng này có thể hạn chế dư địa nới lỏng tiền tệ hơn nữa và thúc đẩy các nhà hoạch định chính sách duy trì lập trường trung lập hơn.

Tuy nhiên, rủi ro lạm phát vẫn hiện hữu, đặc biệt từ phía cầu. Áp lực giá cả tiếp diễn và xu hướng suy yếu của đồng nội tệ có thể cản trở khả năng tiếp tục giảm lãi suất.

Standard Chartered dự báo lãi suất tái cấp vốn sẽ được giữ nguyên trong thời gian còn lại của năm 2025.

Ngân hàng cũng nâng dự báo tỷ giá USD và VND lên 26.300 VND/USD cho cả cuối quý III và cuối năm 2025 (từ mức tương ứng 26.000 VND/USD và 25.700 VND/USD trước đó).

Ông Tim Leelahaphan - chuyên gia kinh tế cấp cao phụ trách Việt Nam và Thái Lan, Ngân hàng Standard Chartered chia sẻ, triển vọng thương mại của Việt Nam vẫn đầy hứa hẹn, nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của xuất khẩu và du lịch.

Mặc dù một số chỉ số kinh tế trong và ngoài nước có thể chững lại trong ngắn hạn, điều này cũng tạo cơ hội cho Ngân hàng Nhà nước tái xây dựng dự trữ ngoại hối.

"Nhìn chung, chúng tôi tin rằng Việt Nam có nền tảng vững chắc để ứng phó với những thách thức trước mắt và duy trì đà tăng trưởng”, ông Tim Leelahaphan nhấn mạnh.

Trước đó, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng cho rằng, tăng trưởng kinh tế Việt Nam dự kiến chững lại trong ngắn hạn bởi chính sách thuế quan của Mỹ.

ADB dự báo GDP năm nay của Việt Nam tăng 6,3% và 6% năm kế tiếp, giảm lần lượt 0,3% và 0,5% so với mức đưa ra cách đây 3 tháng. Lạm phát cũng dự kiến giảm xuống còn 3,9% năm nay và 3,8% vào 2026.

Trong khi đó, vào đầu tháng 7/2025, báo cáo tăng trưởng kinh tế Việt Nam quý II/2025 thực hiện bởi Bộ phận Nghiên cứu Thị trường và Kinh tế toàn cầu, Ngân hàng UOB (Singapore) cho rằng, giai đoạn tồi tệ nhất có thể đã qua, nhưng chính sách thuế vẫn là rào cản lớn với Việt Nam.

Các chuyên gia của UOB ước tính tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2025 sẽ cao hơn 0,9 điểm % so với dự báo cơ sở ban đầu, lên mức 6,9%. UOB dự báo tăng trưởng GDP quý III và quý IV năm 2025 ở mức khoảng 6,4%.

Trong công bố vào tháng 4/2025, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo triển vọng tăng trưởng kinh tế năm 2025 của Việt Nam ở mức 5,8% - cao hơn mức dự báo tăng trưởng 4% cho cả khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Mới đây, bản kiến nghị chính sách quý II/2025 của các chuyên gia Đại học Kinh tế Quốc dân nhận định, mô hình tăng trưởng của Việt Nam trong hơn ba thập kỷ qua chủ yếu dựa vào đầu tư và hướng ra xuất khẩu, thể hiện qua sự gia tăng mạnh mẽ tỷ lệ xuất khẩu/GDP.

Tuy nhiên, sự phụ thuộc vào xuất khẩu cũng tạo ra rủi ro lớn khi suy giảm kinh tế hoặc căng thẳng thương mại gia tăng xảy ra giữa các đối tác thương mại lớn.

Mặc dù Việt Nam đã nỗ lực chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhưng do chất lượng nguồn nhân lực thấp, nguồn lực đầu tư hạn chế và môi trường vĩ mô chưa thực sự thuận lợi, việc bứt phá trong lĩnh vực này còn gặp nhiều khó khăn.

Do đó, theo các chuyên gia Đại học Kinh tế Quốc dân, nếu không có những đột phá chính sách, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có thể vẫn sẽ tiếp tục phụ thuộc chủ yếu vào xuất khẩu và đầu tư nước ngoài, tốc độ tăng trưởng chỉ ở mức vừa phải và khó có sự đột phá để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.

Vì thế, các chuyên gia cho rằng cần tháo gỡ một số điểm nghẽn về thế chế hiện nay bao gồm: tình trạng chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ với tổ chức bộ máy hành chính cồng kềnh, nhiều tầng nấc; năng lực và hiệu lực, hiệu quả hoạt động của một số cơ quan nhà nước còn hạn chế; thiếu tính đồng bộ trong từng loại hình thể chế, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật còn mâu thuẫn...