Những "cú hích đặc biệt" thúc đẩy đô thị thông minh tại Việt Nam

Thu Hiền

Giai đoạn 2025-2030 được xem là giai đoạn đột phá để triển khai thành công đô thị thông minh tại Việt Nam khi được hỗ trợ bởi nhiều cú hích, động lực quan trọng. Theo các chuyên gia, phát triển đô thị thông minh sẽ giúp tạo ra sự chuyển biến tích cực, mạnh mẽ trong tái cấu trúc lại thị trường bất động sản. Do đó, Việt Nam cần khẳng định vị thế của mình không chỉ là điểm đến đầu tư mà còn là đối tác chiến lược cho các dự án đô thị thông minh.

Những "cú hích đặc biệt" thúc đẩy đô thị thông minh tại Việt Nam - Ảnh 1

 Xác lập tư duy mới, hình thái mới cho bất động sản

Phát triển đô thị thông minh (Smart city) là vấn đề được Chính phủ Việt Nam quan tâm. Năm 2018, Việt Nam đã phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030.

Mục tiêu đề ra của Đề án là phấn đấu đến năm 2020 xây dựng nền tảng cơ sở pháp lý phát triển đô thị thông minh, tiến hành công tác chuẩn bị đầu tư triển khai thí điểm ở cấp khu đô thị và đô thị.

Định hướng đến năm 2030 hoàn thành thí điểm giai đoạn 1, từng bước triển khai nhân rộng theo lĩnh vực, khu vực, hình thành mạng lưới liên kết các đô thị thông minh, có khả năng lan tỏa.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Trần Đình Tùng, Chủ tịch Hiệp hội Kỹ sư xây dựng Việt Nam cho biết, trong giai đoạn 1 (2018-2025), giai đoạn nghiên cứu, thảo luận và thử nghiệm các tiêu chí, mô hình Smart city, nhiều hội thảo, hội nghị đã được tổ chức để tìm ra hướng đi và xác định các thách thức cần giải quyết.

Đến cuối năm 2024 Việt Nam đã ban hành bộ tiêu chí để đánh giá thế nào đô thị thông minh. Trong giai đoạn 1 đã có một đề án nghiên cứu khoa học giữa Việt Nam và Hàn Quốc dự thảo tiêu chí để thử nghiệm tại các tỉnh, thành.

Ông Trần Đình Tùng, Chủ tịch Hiệp hội Kỹ sư xây dựng Việt Nam
Ông Trần Đình Tùng, Chủ tịch Hiệp hội Kỹ sư xây dựng Việt Nam

"Giai đoạn này đã tạo ra một tư duy mới, hình thái mới cho bất động sản, nhưng giai đoạn này cũng gặp nhiều thách thức như vướng mắc trong việc tinh gọn bộ máy, sáp nhập tỉnh… Do đó, các nhà đầu tư bất động sản nói riêng và chuỗi cung ứng của ngành xây dựng nói chung gặp nhiều thách thức trong  triển khai Smart city trong thực tế", ông Trần Đình Tùng cho biết.

Ông cũng nhấn mạnh, giai đoạn 2 (2025-2030) tầm nhìn đến 2045 được xem là giai đoạn đột phá và triển khai thành công Smart city tại Việt Nam.

Đòn bẩy, động lực thúc đẩy thành công mô hình Smart city

Lí giải việc giai đoạn 2 sẽ là giai đoạn đột phá và triển khai thành công, ông Trần Đình Tùng nhấn mạnh "cú hích đặc biệt" đến từ Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân, Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá về KHCN, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo.

"Cú hích này sẽ tạo ra cơ hội rất tốt, tạo ra môi trường bình đẳng giúp kết nối giữa nhà đầu tư và doanh nghiệp tư nhân trong và ngoài nước đầu tư vào hạ tầng đô thị thông minh tại Việt Nam. Các nghị quyết này là đòn bẩy, động lực để thúc đẩy thành công mô hình Smart city tại Việt Nam", ông Tùng nhấn mạnh.

Đồng thời, chuyên gia cũng cho rằng, quá trình tinh giản bộ máy, sáp nhập tỉnh thành từ 63 xuống còn 34 tỉnh thành cũng tạo không gian thông thoáng để triển khai Smart city.

"Đặc biệt, có 5 thành phố rất tiềm năng, có thể đi trước để triển khai Smart city trong giai đoạn 2025-2030 là Hà Nội, TPHCM, Quảng Ninh, Hải Phòng và Đà Nẵng", ông Tùng thông tin.

Bên cạnh đó, về công nghệ lõi để triển khai Smart city, Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm của các nước đã phát triển thành công như Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc. Trong đó, Hàn Quốc là nước đầu tư lớn nhất tại Việt Nam và có nhiều tiềm năng hợp tác để hình thành nên những đô thị thông minh.

Theo ông Tùng, hiện nay Hàn Quốc đã kết hợp với Bộ Xây dựng Việt Nam thành lập Trung tâm hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc về đô thị thông minh và công nghệ xây dựng, mục đích là nghiên cứu đưa công nghệ hay của các nhà đầu tư, kinh nghiệm của Hàn Quốc về triển khai thực tiễn ở Việt Nam, tạo ra những Smart city mang bản sắc Việt.  

"Nhờ có tiên phong về công nghệ của các nhà đầu tư Hàn Quốc, cộng với đó là hệ thống các nghị quyết quan trọng về hợp tác quốc tế, thể chế pháp lý sẽ tạo niềm tin, qua đó thu hút được nhiều nhà đầu tư vào Việt Nam", ông Tùng nói.

Trong đó, về nguồn vốn, Nghị quyết 68 cũng quy định sẽ tạo thông thoáng cho các quỹ đầu tư quốc tế vào Việt Nam một cách công bằng, điều này sẽ giúp thu hút được vốn đầu tư nước ngoài.

Chia sẻ về việc địa phương nào sẽ có cơ hội để được lựa chọn triển khai dự án đô thị thông minh đầu tiên, bà Phạm Thị Thúy An, Trưởng ban tổ chức Diễn đàn Đô thị Văn hóa Công nghiệp Hội tụ (CICON) Việt Nam 2025 cho biết, điều này phụ thuộc vào việc tương thích với công nghệ chuyển giao của Hàn Quốc cho Việt Nam.

Bà Phạm Thị Thúy An, Trưởng ban tổ chức Diễn đàn Đô thị Văn hóa Công nghiệp Hội tụ (CICON) Việt Nam.
Bà Phạm Thị Thúy An, Trưởng ban tổ chức Diễn đàn Đô thị Văn hóa Công nghiệp Hội tụ (CICON) Việt Nam.

Theo nhận định, những địa phương "gọn gàng, năng động và trẻ" như Đà Nẵng, Hải Phòng, Quảng Ninh thì sẽ dễ dàng tiếp cận dự án đô thị thông minh hơn Hà Nội và TPCHM.

Bà An cũng cho rằng, trong giai đoạn hiện tại, Việt Nam cần có chiến lược đón đầu trong xây dựng đô thị thông minh.

Trong bối cảnh thị trường đô thị thông minh toàn cầu mới chỉ có một vài quốc gia nổi bật, Việt Nam có thể ứng dụng toàn diện nhiều công nghệ tiên tiến như IoT, AI, Blockchain để hình thành những đô thị thông minh mang bản sắc Việt, phù hợp với đặc thù kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Theo định hướng này, Việt Nam không lựa chọn một nhà đầu tư hay công nghệ duy nhất, mà đóng vai trò “chủ nhà”, thiết kế một sân chơi mở cho nhiều bên cùng tham gia. Mô hình này vừa tạo điều kiện cho việc chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp nước ngoài, vừa là cơ hội để đội ngũ nhân lực trong nước tiếp cận và làm chủ các công nghệ cốt lõi của một mô hình thành phố thông minh…

Việt Nam cần là đối tác chiến lược cho các dự án đô thị thông minh

Về nhu cầu vốn đầu tư cho các dự án đô thị thông minh, các chuyên gia ước tính mỗi mô hình đô thị thông minh sẽ cần nguồn vốn đầu tư khoảng 200 triệu USD để triển khai toàn diện. Như vậy, cần tối thiểu 1 tỷ USD để triển khai 5 dự án trọng điểm tại Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Hải Phòng và Quảng Ninh.

Chia sẻ về các giải pháp tài chính để thu hút nguồn vốn này, ông Vincent Phạm, Chủ tịch IOTA Capital cho biết sẽ thành lập nền tảng giao dịch đô thị thông minh, nền tảng này sẽ hỗ trợ đa ngôn ngữ với danh sách các dự án trọng điểm, mẫu đăng ký cho nhà đầu tư quốc tế, có hướng dẫn pháp lý, thông tin liên hệ và bộ phận hỗ trợ trực tuyến…

"Chúng tôi sẽ lựa chọn 5 dự án tiêu biểu có tầm ảnh hưởng cao tại các đô thị đã được công bố như Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và Quảng Ninh. Các dự án này sẽ được sử dụng như hình mẫu đầu tư có khả năng nhân rộng", ông Vincent Phạm cho biết.  

Về cấu trúc vốn, các dự án sẽ sử dụng mô hình đối tác công tư (PPP) kết hợp với các cam kết bảo lãnh, hỗ trợ tài chính từ Chính phủ để lấp khoảng trống tài chính (nếu có).

Đồng thời, đảm bảo minh bạch và tính dự đoán trong quy trình đấu thầu, triển khai thu hồi vốn, đơn giản hóa thủ tục đầu tư thông qua nền tảng số hóa…

Ông Vincent Phạm, Chủ tịch IOTA Capital. 
Ông Vincent Phạm, Chủ tịch IOTA Capital. 

Nhấn mạnh các dự án sẽ thu hút nguồn vốn từ nhà đầu tư nước ngoài, ông Vincent Phạm cho biết sẽ hướng đến nhóm quốc gia từ Đông Nam Á gồm: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Malaysia, những quốc gia dẫn đầu về hạ tầng và đô thị thông minh. Đây đồng thời cũng là những quốc gia đầu tư FDI hàng đầu tại Việt Nam. Nhóm hai là cái nhóm châu Âu như Đức, Hà Lan, Pháp…

"Việt Nam cần khẳng định vị thế của mình không chỉ là điểm đến đầu tư mà còn là đối tác chiến lược cho các dự án đô thị thông minh, hướng tới tương lai, minh bạch khả năng đầu tư và định hướng phát triển bền vững toàn cầu. Đó chính là chìa khóa để mở ra dòng vốn quốc tế trị giá hàng tỷ USD", ông Vincent Phạm nhấn mạnh.

Nhấn mạnh đô thị thông minh là mô hình quản trị hiện đại, mở ra một hình thái phát triển mới cho ngành bất động sản Việt Nam, từ bất động sản truyền thống thành bất động sản kiểu mẫu, ông Trần Văn Tùng cho biết, nếu giải quyết được nút thắt Smart city sẽ lan tỏa kéo theo sự tăng trưởng của hàng loạt ngành nghề phụ trợ đi cùng như các ngành dịch vụ, hạ tầng…

Điều này tạo động lực tăng trưởng cho ngành bất động sản và các ngành nghề khác, qua đó góp phần hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng kinh tế hai con số cho Việt Nam trong thời gian tới.

Chia sẻ thêm về việc chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để triển khai thành công đô thị thông minh tại Việt Nam, bà Phạm Thị Thúy An cho biết: "Sau khi tổ chức Diễn đàn CICON 2025 vào giữa tháng 4/2025, chúng tôi kết nối những đề án, những định hướng phát triển mới của Nhà nước trong đó nổi bật là đề án đô thị thông minh để tạo ra sự chuyển biến tích cực, mạnh mẽ trong tái cấu trúc lại bất động sản ở Việt Nam, nhờ đó chúng ta sẽ có nguồn lực vốn FDI đổ vào Việt Nam. Chúng tôi cũng sẽ kết nối để giúp ích cho các DN Việt tận dụng cơ hội này để làm việc với các nhà đầu tư nước ngoài".