Những đóng góp tích cực từ Chương trình mục tiêu quốc giagiảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025
Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 sau gần 5 năm triển khai đã đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Những kết quả tích cực
Báo cáo Tổng kết thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 của Ban chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 cho thấy, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 bước đầu đã góp phần thúc đẩy thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 1-1,5%/năm, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm (riêng các huyện nghèo, giảm tỷ lệ nghèo từ 4-5%/năm).
Góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, Chương trình đã triển khai 10.587 mô hình, dự án giảm nghèo, trong đó 9.816 mô hình thuộc lĩnh vực nông nghiệp và 771 mô hình phi nông nghiệp, với sự tham gia của 205.585 hộ (110.098 hộ nghèo, 63.659 hộ cận nghèo, 31.828 hộ mới thoát nghèo).
Các mô hình này không chỉ tạo sinh kế bền vững, tăng thu nhập mà còn thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động tại các địa phương nghèo, từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung, gắn với chuỗi giá trị. Các dự án hỗ trợ sản xuất nông nghiệp (6.174 dự án) đã giúp 99.594 hộ cải thiện phương thức canh tác, áp dụng công nghệ cao, từ đó nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.
Bên cạnh đó, Chương trình đã đầu tư xây dựng mới 2.616 công trình hạ tầng (1.465 giao thông, 265 thủy lợi, 472 giáo dục, 41 y tế, 96 nước sạch, 161 văn hóa, 51 điện, 65 công trình khác) và duy tu bảo dưỡng 2.340 công trình tại các huyện nghèo và xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển, hải đảo. Những công trình này đã cải thiện đáng kể điều kiện sống, hỗ trợ sản xuất, thương mại, lưu thông hàng hóa và cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản, góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các khu vực nghèo với các vùng khác.
Ngoài ra, Chương trình đã đạt được nhiều chỉ tiêu quan trọng trong việc giải quyết các chiều thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản (việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, tiếp cận thông tin…).
Ban chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 đánh giá, các kết quả nổi bật trong thực hiện Chương trình gồm: Đạt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao hằng năm; đạt 05 mục tiêu cụ thể và 05 mục tiêu giai đoạn 5 năm của Chương trình; đạt 9/12 chỉ tiêu giải quyết mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các bộ khẩn trương thực hiện thủ tục thẩm định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 ngay sau khi được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình; chỉ đạo, đôn đốc các bộ, ngành và địa phương xây dựng văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 và vốn ngân sách trung ương hằng năm cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện Chương trình. Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 cho các địa phương và giao dự toán ngân sách trung ương hằng năm thực hiện Chương trình.
Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia để chỉ đạo chung các chương trình, được kiện toàn từ trung ương tới địa phương tạo cơ chế quản lý đồng bộ, thống nhất. Công tác thông tin, tuyên truyền, truyền thông về Chương trình được đặc biệt quan tâm thực hiện, đổi mới phương thức thực hiện; công tác giám sát đánh giá được chú trọng, tăng cường.
Hệ thống cơ chế, chính sách giảm nghèo được ban hành cơ bản toàn diện. Các chính sách giảm nghèo thường xuyên đã góp phần hỗ trợ cho người nghèo tiếp cận hiệu quả các dịch vụ xã hội cơ bản; các chính sách tín dụng xã hội đã hỗ trợ người dân vay vốn để tổ chức sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tạo sinh kế; nguồn lực xã hội hóa góp phần hỗ trợ người dân giải quyết một số nhu cầu cấp thiết như nhà ở, sinh kế, cải thiện đời sống.
Những tồn tại, hạn chế cần khắc phục
Theo Ban chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, những tồn tại, hạn chế của Chương trình là một số văn bản hướng dẫn chi tiết từ các bộ và địa phương được ban hành muộn, gây khó khăn trong việc triển khai thống nhất các cơ chế, chính sách. Một số văn bản hướng dẫn sau khi ban hành còn vướng mắc ảnh hưởng đến việc thực hiện Chương trình tại địa phương.
Bên cạnh đó, nguồn vốn tuy được phân bổ hằng năm nhưng vẫn có thời điểm phân bổ vào giữa năm (vốn phân bổ cho các bộ, cơ quan trung ương), hoặc chưa bổ sung kịp thời ngay từ đầu kỳ (vốn hỗ trợ cải thiện dinh dưỡng, hỗ trợ về nhà ở); một số địa phương gặp khó khăn trong giải ngân do vướng mắc về mặt bằng thi công, quy trình phê duyệt dự án kéo dài, hoặc thiếu vốn đối ứng từ ngân sách địa phương.
Năng lực của đội ngũ cán bộ cơ sở cũng còn hạn chế. Đội ngũ cán bộ ở cấp cơ sở, đặc biệt tại các huyện nghèo và xã đặc biệt khó khăn, thường xuyên thay đổi, thiếu kỹ năng chuyên môn và kinh nghiệm quản lý. Điều này dẫn đến khó khăn trong việc điều phối, giám sát và triển khai các dự án, đặc biệt là các dự án liên kết chuỗi giá trị hoặc yêu cầu kỹ thuật cao.
Ngoài ra, ứng dụng công nghệ thông tin chưa đồng bộ. Hệ thống giám sát, đánh giá và cơ sở dữ liệu giảm nghèo chưa được kết nối liên thông giữa các cấp, dẫn đến chậm trễ trong tổng hợp, phân tích và báo cáo dữ liệu. Việc rà soát hộ nghèo, cận nghèo hằng năm thiếu công cụ thống nhất trên toàn quốc, ảnh hưởng đến tính chính xác và kịp thời.
Truyền thông chưa tối ưu cho vùng khó khăn. Nội dung truyền thông chưa được thiết kế phù hợp với đặc điểm văn hóa, ngôn ngữ và điều kiện tiếp cận của đồng bào dân tộc thiểu số và các khu vực vùng sâu, vùng xa, hạn chế hiệu quả lan tỏa thông tin. Ứng dụng truyền thông số và các kênh hiện đại còn hạn chế.
Những hạn chế này cần được khắc phục trong thời gian tới để Chương trình phát huy được các kết quả tích cực hơn, đóng góp nhiều hơn cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.