Phấn đấu giải ngân hơn 100% kế hoạch vốn Thủ tướng giao
Trong chỉ đạo về vấn đề tiếp tục làm mới, đẩy mạnh các động lực tăng trưởng truyền thống tại Công điện số 47/CĐ-TTg ngày 22/4/2025 về giải pháp trọng tâm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương "triển khai quyết liệt, mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa các nhiệm vụ, giải phápđầy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 đạt 100% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư..."

Giải ngân vốn đầu tư công đã có sự tăng tốc, bắt kịp tiến độ năm ngoái
Năm 2025, tổng kế hoạch vốn đầu tư công vốn NSNN là 923.030,5 tỷ đồng, trong đó, Thủ tướng Chính phủ giao cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương là 825.92,3 tỷ đồng (vốn chương trình mục tiêu quốc gia chưa giao là 3.443,2 tỷ đồng), bao gồm vốn NSTW là 350.195 tỷ đồng, vốn NSĐP là 475.727 tỷ đồng; kế hoạch vốn cân đối NSĐP năm 2025 các địa phương giao tăng so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (tới thời điểm báo cáo) là 71.691 tỷ đồng; kế hoạch vốn các năm trước được phép kéo dài (tính đến thời điểm báo cáo) là 25.417,2 tỷ đồng.
Tính đến hết 30/4/2025, cả nước giải ngân ước đạt 130.961,9 tỷ đồng, tương đương 14,19% tổng kế hoạch, tương đương 15,56% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao; vốn NSĐP giải ngân ước đạt 81.818,9 tỷ đồng, tương đương 17,20% kế hoạch Thủ tướng giao; vốn NSTW giải ngân ước đạt 46.694 tỷ đồng, tương đương 13,33% kế hoạch Thủ tướng giao.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, so với 3 tháng đầu năm (lũy kế đến hết tháng 03/2025 giải ngân đạt 80.306,8 tỷ đồng, tương đương 8,95%), tiến độ giải ngân từ tháng thứ 4 đã có sự tăng tốc, bắt kịp tiến độ so với cùng kỳ năm ngoái. Qua thống kê cho thấy, có 10/47 bộ, cơ quan trung ương và 35/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân ước đạt cao trên mức bình quân chung của cả nước, trong đó, có một số bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân cao trên 20% như Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam (86,43%), Đài Tiếng nói Việt Nam (73,82%); Ngân hàng Chính sách xã hội (41,16%)…
Lời giải cho tình trạng chậm muộn
Bên cạnh tín hiệu vui từ những đơn vị có sự bứt phá khi bước vào tháng đầu tiên của quý 2, vẫn còn một số đơn vị chưa giải ngân hoặc giải ngân rất thấp (dưới 5%) do nhiều nguyên nhân khác nhau. Qua phân tích báo cáo của Bộ Tài chính có thể chia thành 02 nhóm nguyên nhân chính gây chậm trễ tiến độ giải ngân, cụ thể là:
Nhóm nguyên nhân khách quan do tác động từ cơ chế chính sách và thực tiễn kinh tế - chính trị - xã hội
Một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công có thể kể đến là những vướng mắc từ cơ chế chính sách. Theo Bộ Tài chính, hiện nay vẫn còn nhiều lĩnh vực không có quy định cụ thể về định mức chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn như lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo, tài nguyên và môi trường… Vì vậy, việc xác định chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn của dự án đầu tư công không có cấu phần xây dựng gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, Luật Đất đai năm 2024 mới có hiệu lực thi hành, các quy định, hướng dẫn về công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư tại các tỉnh mới được ban hành cũng có nhiều thay đổi, một số quy định còn chưa rõ làm ảnh hưởng tới tiến độ giải phóng mặt bằng.
Công điện số 47/CĐ-TTg ngày 22/4/2025 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025 yêu cầu:
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan Trung ương và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố xác định rõ vướng mắc, nguyên nhân giải ngân chậm của từng dự án cụ thể để trực tiếp chỉ đạo, tháo gỡ kịp thời theo thẩm quyền
Kịp thời điều chuyển vốn từ các dự án giải ngân chậm để bổ sung vốn cho các dự án giải ngân tốt và có nhu cầu bổ sung vốn; đẩy nhanh giải ngân phải gắn liền với bảo đảm chất lượng công trình, không để xảy ra tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; xử lý kịp thời cán bộ yếu kém về năng lực, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh, không hoàn thành nhiệm vụ giải ngân.
Như đã biết, trong quý I/2025, các cơ quan, tổ chức đều đồng loạt bước vào cuộc cách mạng sắp xếp lại tổ chức bộ máy. Quá trình này cũng tác động không nhỏ tới tiến độ giải ngân. Để phù hợp với cơ cấu bộ máy mới sau khi sắp xếp, tinh gọn, các cơ quan phải tạm dừng khởi công mới một số dự án hoặc đang rà soát để điều chỉnh quy mô, phạm vi đầu tư nên không tiếp tục bố trí vốn thực hiện dự án để tránh lãng phí. Chưa kể, sau khi sắp xếp lại bộ máy, không còn duy trì cấp huyện đã thay đổi trách nhiệm, quyền hạn, quy trình quản lý dự án tại địa phương làm cho công tác thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, thẩm định thiết kế cơ sở… phải kéo dài thời gian xử lý cũng ảnh hưởng tới công tác giải phóng mặt bằng.
Ngoài ra, còn phải kể đến một số yếu tố khách quan khác tác động tới tiến độ giải ngân như: Nguồn cung nguyên vật liệu hạn chế, giá vật liệu biến động tăng đột biến, nguồn thu ngân sách địa phương chưa đảm bảo so với dự toán…
Nguyên nhân chủ quan từ phía đơn vị phân bổ nguồn vốn
Ngoài các nguyên nhân khách quan ảnh hưởng tới tiến độ giải ngân những tháng đầu năm còn có nguyên nhân chủ quan tới từ phía các đơn vị chủ đầu tư. Đó là công tác xây dựng kế hoạch vốn của một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa sát với nhu cầu thực tế và khả năng thực hiện.
Báo cáo số 5587/BTC-ĐT hồi cuối tháng 4 về tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công nguồn NSNN 3 tháng, ước 4 tháng năm 2025 đã chỉ ra rằng: Các cơ quan chưa rà soát trước khi phê duyệt nhiệm vụ, chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư ngay từ khâu lập dự toán, kế hoạch dẫn đến tình trạng chưa hoàn thành phân bổ hết kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao theo thời hạn quy định. Vì vậy, tính đến thời điểm Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ, vẫn còn 27.861,8 tỷ đồng, tương đương 3,37% kế hoạch Thủ tướng giao chưa được phân bổ.
Phấn đấu giải ngân đạt hơn 100%, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, tăng cường hợp tác công tư
Đây là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 47/CĐ-TTg ngày 22/4/2025 về giải pháp trọng tâm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025. Cũng tại Công điện số 47/CĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính phối hợp với các cơ quan liên quan “Khẩn trương tổng hợp, đề xuất phương án điều chỉnh kế hoạch vốn năm 2025 đối với số vốn đến hết ngày 15/3/2025 chưa phân bổ chi tiết; thống kê danh sách các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan Trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh không hoàn thành chỉ tiêu giải ngân đầu tư công năm 2024, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trước ngày 25/4/2025.”
Thực hiện Chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Tài chính đã phối hợp với các cơ quan liên quan, thực hiện đầy đủ các báo cáo theo yêu cầu; tổng hợp báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong tháng 4/2025 phương án phân bổ vốn, kinh phí còn lại của 03 chương trình mục tiêu quốc gia; tổng kết, đánh giá việc thực hiện các cơ chế đặc thù trong thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia để đề xuất cấp có thẩm quyền trong tháng 4 năm 2025 cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện chung cho các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2026 – 2030.
Đối với vốn NSTW chưa phân bổ chi tiết sau ngày 15/3/2025, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ phương án xử lý, đồng thời phối hợp với các cơ quan trung ương và địa phương, báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn NSTW năm 2025 theo quy định.
Đồng thời, Bộ Tài chính đã căn cứ kết quả giải ngân thực tế 04 tháng đầu năm, phân tích, đánh giá chi tiết, xác định rõ nguyên nhân chậm, muộn, từ đó đưa ra những kiến nghị, đề xuất giải pháp trọng tâm như:
Bộ Tài chính kiến nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, đối với số vốn đã phân bổ, tiếp tục thực hiện các giải pháp để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công theo chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết cố 77/NQ-CP ngày 10/4/2025; Công điện số 32/CĐ-TTg ngày 05/4/2025; Công điện số 47/CĐ-TTg ngày 22/4/2025 và Quyết định số 523/QĐ-TTg ngày 06/3/2025 về thành lập các tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công hằng năm tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.
Đối với các dự án ODA còn vướng mắc, kiến nghị các cơ quan chủ quản, chủ dự án bám sát tiến độ thực hiện dự án và tiến độ điều chỉnh dự án, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai. Đối với các dự án đã hoàn tất thủ tục đầu tư, công tác đấu thầu, ký kết hợp đồng, cần chỉ đạo tập trung đẩy mạnh giải ngân.
Bộ cũng kiến nghị các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ thu NSĐP, đặc biệt là thu sử dụng đất để đảm bảo tiến độ phân bổ vốn. Bên cạnh đó cần quan tâm, tăng cường kiểm tra, giám sát, phân công rõ trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, đảm bảo tính khoa học, hiệu quả đối với các dự án có quy mô lớn, yêu cầu kỹ thuật phức tạp, trải dài trên nhiều địa phương, thời gian thi công gấp rút, điều kiện địa hình, thời tiết khó khăn…
Đồng thời, để phấn đấu đạt mục tiêu giải ngân trên 100% kế hoạch vốn Chính phủ giao 2025, Bộ Tài chính cũng đề nghị các Bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương cần xây dựng kế hoạch giải ngân và yêu cầu chủ đầu tư báo cáo tiến độ giải ngân định kỳ theo tháng, quý để làm cơ sở rà soát, cắt giảm kế hoạch vốn của các dự án giải ngân chậm, bổ sung cho các dự án khác có khả năng giải ngân tốt và có nhu cầu đẩy nhanh tiến độ.