Phát triển Logistics xanh ở Trung Quốc

ThS. Nguyễn Châu Giang - Trường Đại học Thương mại

Logistics xanh không chỉ cải thiện tính bền vững giữa mục tiêu kinh tế, môi trường và xã hội, mà còn mang lại lợi ích kinh tế lâu dài và lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp. Từ năm 2010 đến hiện nay, Trung Quốc đã đạt được tiến bộ lớn trong phát triển Logistics xanh, qua đó góp phần tích cực vào việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xanh, carbon thấp và kinh tế bền vững. Bài viết này trao đổi về phát triển Logistics xanh ở Trung Quốc, từ đó đưa ra một số hàm ý cho Việt Nam.

Đặt vấn đề

Dù là ngành dịch vụ có vai trò quan trọng trong việc kết nối, hỗ trợ và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, song logistics là một trong những ngành có mức độ tiêu thụ năng lượng và phát thải khí thải lớn. Do đó, Logistics xanh đang là xu hướng tất yếu, mang lại nhiều lợi ích nhằm giảm thiểu các tác động về sinh thái của hoạt động logistics (Bảng 1).

Thời gian qua, Trung Quốc đã đạt được tiến bộ lớn trong phát triển Logistics xanh. Những nỗ lực này bao gồm các khía cạnh sau: Công bố và thực hiện liên tục các chính sách và kế hoạch liên quan đến logistics xanh, “xanh hóa” các cơ sở vật chất và thiết bị logistics, tối ưu hóa các hoạt động logistics, cải thiện hệ thống logistics ngược để tái chế (Li, 2017). Bài viết trao đổi về phát triển Logistics xanh ở Trung Quốc, từ đó đưa ra một số hàm ý cho Việt Nam.

Điểm nhấn trong phát triển Logistics xanh ở Trung Quốc

Bảng 1: Lợi ích của Logistics xanh

Lợi ích

Ý nghĩa

Về môi trường

Logistics xanh giúp giảm phát thải carbon có hại, từ đó có thể làm giảm tác động của vận tải đến các thách thức về môi trường

Sử dụng tối ưu tài nguyên thông qua hậu cần xanh đảm bảo bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, ngăn ngừa tình trạng sử dụng quá mức tài nguyên và gây hại cho môi trường

Nguồn cung thân thiện với môi trường giúp bảo vệ nhiều loại thực vật và động vật

Về kinh tế

Giúp tiết kiệm chi phí bằng cách cải thiện hiệu quả và giảm sử dụng năng lượng và sản xuất chất thải

Tuân thủ các chính sách sinh thái giúp tránh bị phạt tiền và rắc rối pháp lý

Giúp thu hút những khách hàng có ý thức về môi trường và yêu thích các hoạt động thân thiện với môi trường, qua đó tăng lòng trung thành và danh tiếng của công ty.

Giúp giảm thiểu rủi ro cạn kiệt tài nguyên và gián đoạn trong quản lý chuỗi cung ứng

Tăng cường khả năng cạnh tranh của công ty trên thị trường vì logistics xanh mở đường cho những ý tưởng và công nghệ mới

Doanh nghiệp thực hiện các biện pháp bền vững có nhiều khả năng tồn tại và thành công lâu dài hơn

Nguồn: ADNOVS (2024)

 

Hoàn thiện khung khổ pháp lý

Trong những năm qua, Trung Quốc đã ban hành rất nhiều chính sách và kế hoạch, chiến lược để thúc đẩy sự phát triển của dịch vụ logistics xanh trong nước. Chẳng hạn, tháng 3/2016, Chính phủ Trung ương đã ban hành Kế hoạch 5 năm lần thứ 13 về Phát triển Kinh tế và Xã hội, trong đó chỉ rõ rằng Trung Quốc phải thúc đẩy phát triển các dịch vụ vận tải ít cacbon, thông minh và an toàn, đồng thời tăng cường sử dụng các thiết bị vận tải tiêu chuẩn và hiện đại cũng như các phương tiện vận tải tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường. Tháng 9/2014, Chính phủ Trung Quốc đã ban hành Kế hoạch phát triển trung và dài hạn ngành Logistics (2014–2020), coi tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải, phát triển xanh và bảo vệ môi trường là một trong những nguyên tắc chính, đồng thời coi phát triển logistics xanh là một trong những nhiệm vụ chính. Tháng 4/2015, Hội đồng Nhà nước đã ban hành Kế hoạch về đẩy nhanh việc xây dựng nền văn minh sinh thái, trong đó đề xuất tối ưu hóa các phương tiện vận tải, thúc đẩy tiết kiệm năng lượng và thiết bị vận chuyển năng lượng mới, phát triển vận tải thả và kéo, đồng thời cải thiện hệ thống logistics ngược các nguồn tài nguyên có thể tái tạo.

Năm 2021, Trung Quốc ban hành “Kế hoạch 5 năm” lần thứ 14 (2021-2025), theo đó, khuyến khích các doanh nghiệp tích cực ứng dụng dữ liệu lớn (Big data), công nghệ 5G và trí tuệ nhân tạo (AI) vào hệ thống logistics, tạo nền tảng công nghệ vững chắc, góp phần giúp việc giao hàng diễn ra nhanh và hiệu quả hơn, tiết kiệm chi phí, nhân lực, thời gian, cũng như thay đổi trải nghiệm người dùng.

Ngoài ra, một số chính sách và chiến lược công nghiệp trong ngành dịch vụ, thương mại, công nghiệp sản xuất, vận chuyển và tái chế tài nguyên tái tạo liên quan đến logistics xanh cũng đã được ban hành, trong khi các quy định chi tiết về cơ sở vật chất, thiết bị, công nghệ logistics, hệ thống tổ chức và các biện pháp hỗ trợ ngày càng được bổ sung và hoàn thiện tối ưu nhất có thể.

Các địa phương chủ động, quyết liệt trong các kế hoạch thí điểm

Các địa phương cũng đã ban hành một số ý kiến chỉ đạo, kế hoạch hỗ trợ, tiến hành thí điểm theo tinh thần, định hướng chính sách của Trung ương và các bộ, ngành, trong đó tập trung đẩy nhanh tiến độ phát triển hệ thống giao thông xanh, xây dựng hệ thống logistics tái chế, hỗ trợ nghiên cứu và phát triển (R&D) và ứng dụng logistics xanh. Ví dụ, 9 tỉnh như Sơn Đông, Giang Tô và Chiết Giang đã tiến hành thử nghiệm vận chuyển thả và kéo, và đã hoàn thành hơn 100 dự án thử nghiệm. Theo thống kê, các doanh nghiệp thử nghiệm vận tải thả và kéo đã hạ giá thành đơn vị vận tải trung bình từ 10-20% và giảm mức tiêu thụ năng lượng đơn vị vận tải từ 15-20% so với mô hình vận tải truyền thống. Hay các tỉnh, thành phố như Thiên Tân và Hà Bắc đã phát triển các phương tiện kết hợp chiến lược phát triển công nghiệp với thử nghiệm thí điểm doanh nghiệp để hỗ trợ các bước đột phá trong thiết kế xanh, sản xuất xanh, tái chế tài nguyên xanh và các công nghệ then chốt khác, từ đó xây dựng một hệ thống logistics sản xuất xanh hiệu quả, sạch sẽ và tuần hoàn.

Phát triển các phương tiện vận tải

Trung Quốc đang tối ưu hóa mô hình tổ chức logistics, thúc đẩy phân chia nhiệm vụ hợp lý của nhiều phương tiện vận tải, giúp cải thiện hiệu quả vận tải, giảm tiêu thụ năng lượng và ô nhiễm môi trường. Cụ thể, vận tải đa phương thức tiếp tục được cải thiện và phát triển vận tải đường sắt, đường biển, container. Trung Quốc đã thực hiện tiêu chuẩn hóa tiêu thụ nhiên liệu của tàu khai thác và giới hạn thải khí CO2. Khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) đang được sử dụng trong ngành Logistics đường thủy. Ngoài ra, công nghệ năng lượng trên bờ cho tàu lưu trú tại cảng, công nghệ chuyển hóa dầu thành điện, công nghệ điều khiển vận hành máy móc cảng tiết kiệm năng lượng... cũng đang được áp dụng. Ba mươi mẫu phương tiện giao thông đường bộ đã vượt qua các bài đánh giá về mức tiêu thụ nhiên liệu và kết quả đã được công khai, có thể giúp giảm tiêu thụ nhiên liệu đến 1,5 triệu tấn và giảm phát thải CO2 gần 5 triệu tấn. Bên cạnh đó, xe nâng điện thân thiện với môi trường, pallet xanh và các thiết bị kho bãi xanh khác đang được sử dụng rộng rãi.

Đồng bộ hệ thống kho bãi

Về khu logistics, một số khu logistics mới xây dựng đã bắt đầu tích hợp quản lý logistics xanh vào việc xây dựng khu trung tâm logistics lớn, do đó nó đã hiện thực hóa sự phát triển xanh và bảo vệ môi trường của kho bãi, di chuyển, dỡ hàng và các hoạt động logistics khác trong khu. Ví dụ, Siêu Trung tâm Logistics Trung Quốc là nơi phát triển logistics xanh và ít carbon đầu tiên ở Trung Quốc, tại đây đã bỏ tất cả các xe nâng pallet chạy bằng động cơ và sức người bằng cách áp dụng xe pallet điện thế hệ mới, máy phân loại điện, xe nâng điện và nhãn mã vạch điện tử. Về kho bãi, phát điện quang phân tán trên mái nhà, cải cách hệ thống chiếu sáng kho hàng, tiết kiệm năng lượng kho lạnh và các công nghệ khác đang được chú trọng hơn. Một ví dụ khác, hơn 100 doanh nghiệp kho bãi đã cấu hình lại hệ thống chiếu sáng kho hàng của họ; một số doanh nghiệp đã tiết kiệm hơn 40% năng lượng...

Thay đổi nhận thức của người trong cuộc

Sự phát triển của lĩnh vực thương mại điện tử đang bùng nổ ở Trung Quốc, làm tăng mức tiêu thụ vật liệu đóng gói đã tạo ra lượng rác thải và khí thải khổng lồ. Mặc dù một số công ty giao hàng của Trung Quốc bày tỏ rằng sẵn sàng đóng góp vào hoạt động logistics xanh, qua đó giảm ô nhiễm không khí và lượng khí thải carbon, nhưng nhiều công ty trong số họ vẫn chưa nỗ lực thực hiện vì thiếu nguồn lực và chuyên môn. Trong bối cảnh đó, các công ty logistics hàng đầu của Trung Quốc, chẳng hạn như SF Holding, Cainiao Network và Suning.com đã đưa ra các ý tưởng về bao bì xanh trong những năm qua, có thể thay thế hộp các tông hoặc túi nhựa truyền thống và có thể tái sử dụng hàng trăm lần. Theo kỳ vọng của SF Holding, 10 triệu hộp như vậy sẽ tiết kiệm được 500 triệu hộp các tông và 1,4 tỷ mét băng keo đóng gói. Đáng chú ý, hiện nay hơn 75% người tiêu dùng Trung Quốc từ mọi tầng lớp thu nhập cũng có xu hướng chi thêm tiền, bao gồm 20% người tiêu dùng thuộc tầng lớp thượng lưu sẵn sàng trả gấp đôi cho các sản phẩm thời trang thân thiện với môi trường. Sự thay đổi về nhận thức này sẽ giúp cho quá trình áp dụng logistics xanh ở Trung Quốc dễ dàng hơn.

Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin

Trung Quốc tập trung xây dựng nền tảng thông tin công cộng về logistics và vận tải quốc gia. Đến nay, có gần 300.000 doanh nghiệp dựa vào nền tảng này để thực hiện kết nối. Theo ước tính, thông qua chia sẻ và trao đổi thông tin giữa các doanh nghiệp dịch vụ, nền tảng công cộng có thể giảm 550 triệu nhân dân tệ (RMB) chi phí logistics xã hội mỗi năm, tiết kiệm 300 triệu RMB đầu tư vào phát triển công nghệ thông tin logistics xã hội, cung cấp cho dịch vụ logistics 10 tỷ RMB mỗi năm. Hay như tỉnh Phúc Kiến, Quảng Đông, Chiết Giang, Cam Túc và các tỉnh khác đã nỗ lực hơn nữa để xây dựng nền tảng công khai thông tin logistics cấp tỉnh, hỗ trợ chia sẻ và tương tác thông tin về logistics trong khu vực, đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động logistics ở các khu vực liên quan.

Đẩy mạnh triển khai Logistics ngược

Là một trong những phương thức quan trọng để thực hiện nền kinh tế tuần hoàn, tái chế tài nguyên thuộc phạm vi logistics ngược là một phần không thể thiếu của logistics xanh. Đầu tiên, Trung Quốc đã mở rộng đáng kể quy mô của ngành tái chế các nguồn tài nguyên tái tạo. Hiện cả nước có hơn 100.000 doanh nghiệp chuyên ngành tái chế tài nguyên tái tạo, với khoảng 15 triệu lao động làm việc trong ngành. Hiện nay, hệ thống logistics ngược cũng tiếp tục được đầu tư phát triển. Bộ Thương mại Trung Quốc đã đi đầu trong việc xây dựng các địa điểm thí điểm để tái chế các nguồn tài nguyên tái tạo. Trung Quốc đã cho các thành phố thử nghiệm thí điểm này đã xây dựng, cải tạo hoặc mở rộng 51.550 điểm mạng, 341 trung tâm phân loại và 63 chợ thu gom/phân phối, đồng thời hỗ trợ thành lập 123 cơ sở tái chế tài nguyên tái tạo.

Một số hàm ý cho Việt Nam

Trên kinh nghiệm của Trung Quốc, có thể đưa ra một số hàm ý đối với Việt Nam trong phát triển logistics xanh như sau:

Thứ nhất, nghiên cứu xây dựng, ban hành các chính sách, chiến lược, định hướng phát triển logistics xanh phù hợp với xu thế phát triển của công nghệ số và thương mại điện tử. Có các chính sách khuyến khích, ưu đãi đối với các doanh nghiệp áp dụng logistics xanh.

Thứ hai, tiến hành thí điểm các mô hình như: Hệ thống giao thông tích hợp xanh; Bao bì xanh và đóng gói xanh; Logistics ngược.

Thứ ba, tăng cường chuyển đổi số, áp dụng công nghệ thông tin trong hoạt động logistics nói chung và logistics xanh nói riêng. Chuyển đổi số giúp tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động.

Thứ tư, cần sự thay đổi nhận thức không chỉ đối với cơ quản lý, các doanh nghiệp logistics mà cả người dân, khách hàng trong quá trình sử dụng dịch vụ.

Tài liệu tham khảo:

  1. Nguyễn Tiến Minh, Nguyễn Thị Thu Hà, Nguyễn Đức Dương (2023), Phát triển bền vững logistics xanh ở Việt Nam, Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 4/2023;
  2. Lê Vũ Huy, Trần Hồng Hà, Nguyễn Thị Yến (2023), Kinh nghiệm phát triển chiến lược logistics xanh của trung quốc và bài học cho Việt Nam. FTU Working Paper Series, Vol. 1 No. 1 (02/2023);
  3. Thy An (2021), Trung Quốc phát triển hệ thống logistics xanh, thông minh hơn. Báo điện tử VnExpress.net. https://vnexpress.net/trung-quoc-phat-trien-he-thong-logistics-xanh-thong-minh-hon-4338779.html.
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 12/2024