Quảng Ninh: Thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân, tạo động lực tăng trưởng

Nguyệt Hà

Tỉnh Quảng Ninh đang nỗ lực hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 từ 14% trở lên, với doanh nghiệp tư nhân được xác định là trụ cột kiến tạo tăng trưởng, tạo việc làm và đóng góp ngân sách tỉnh…

Quảng Ninh chú trọng hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân.
Quảng Ninh chú trọng hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân.

Theo báo cáo của Sở Tài chính, toàn tỉnh Quảng Ninh có 12.021 doanh nghiệp và đơn vị phụ thuộc đang hoạt động. Trong đó, khu vực kinh tế tư nhân chiếm 97,84% đã phản ánh vai trò then chốt của khu vực này trong phát triển kinh tế địa phương. Năm 2024, tỉnh Quảng Ninh có 2.085 doanh nghiệp thành lập mới. Dù tổng vốn đăng ký chỉ đạt 21.073 tỷ đồng nhưng số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động vẫn đạt 782 đơn vị, cũng cho thấy sức phục hồi đang từng bước trở lại sau nhiều khó khăn khách quan và chủ quan.

Đáng chú ý, trong quý I/2025, toàn tỉnh có thêm gần 400 doanh nghiệp mới với tổng vốn đăng ký 3.200 tỷ đồng, tăng gần 11% về số lượng so với cùng kỳ năm 2024; mức vốn bình quân của mỗi doanh nghiệp đạt hơn 9 tỷ đồng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp hoạt động trở lại tiếp tục tăng với gần 300 đơn vị, trong khi số doanh nghiệp giải thể không thay đổi so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu tích cực, doanh nghiệp tư nhân của Quảng Ninh vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức lớn. Cụ thể, việc tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi vẫn còn khó khăn do thủ tục phức tạp và yêu cầu thế chấp cao; nhiều doanh nghiệp gặp rào cản về cạnh tranh, đặc biệt, trong ngành bán buôn, bán lẻ (chiếm 38,1% tổng số doanh nghiệp). Số doanh nghiệp tư nhân có khả năng ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số còn thấp… 

Nhận thức rõ vai trò của khu vực kinh tế tư nhân, tỉnh Quảng Ninh có nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ để thúc đẩy khu vực này phát triển. Trong đó, tỉnh xác định nhiệm vụ quan trong nhất là tập trung vào việc cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Trước mắt, các sở, ngành, cơ quan chức năng của tỉnh đang tập trung rà soát, giải quyết dứt điểm 95/153 kiến nghị doanh nghiệp còn tồn đọng từ năm 2024, nhất là các vấn đề liên quan đến đất đai, giải phóng mặt bằng, cấp phép kinh doanh. Đồng thời, quyết tâm cải cách hành chính mạnh mẽ, giảm thiểu thủ tục rườm rà, nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến để phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Cùng với đó, chính quyền Quảng Ninh đã đẩy mạnh việc lắng nghe ý kiến, giải quyết kiến nghị và đồng hành cùng doanh nghiệp. Từ năm 2024 đến hết tháng 3/2025, tỉnh đã tiếp nhận 153 kiến nghị từ doanh nghiệp và hợp tác xã và có 58 nội dung được giải quyết dứt điểm. Bên cạnh đó, các sở, ngành chức năng cũng chủ động tổ chức đối thoại theo chuyên đề, giao trách nhiệm cụ thể tới từng đơn vị liên quan để đảm bảo kiến nghị của doanh nghiệp được xử lý kịp thời và hiệu quả.

Đặc biệt, Quảng Ninh đã thực hiện nhất quán chính sách phát triển kinh tế nhiều thành phần, coi các thành phần kinh tế kinh doanh theo pháp luật đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh. Việc đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được tiếp tục triển khai thực hiện, tập trung vào những lĩnh vực, khó khăn vướng mắc cụ thể để giải quyết dứt điểm.

Tỉnh cũng hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân và có các cơ chế chính sách, kế hoạch triển khai thực hiện cụ thể để phát triển doanh nghiệp, hộ kinh doanh. Tại Quảng Ninh có tổng số 38.141 hộ kinh doanh, trong đó hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán phải nộp thuế là 22.806; hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán không phải nộp thuế là 13.299; hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai là 2.036. Hộ kinh doanh hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ, chiếm đến 83,3% trong tổng số hộ kinh doanh (tập trung nhiều tại lĩnh vực bán buôn, bán lẻ; sửa chữa ô tô…).

Trong năm 2025, các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số sẽ tiếp tục được mở rộng cả quy mô và chất lượng. Mục tiêu nhằm hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao năng suất và giảm chi phí vận hành. Tỉnh cũng nhanh chóng hoàn thiện thủ tục thành lập và đưa vào hoạt động Trung tâm Khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo để hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp trong quá trình phát triển.

Đồng thời, nâng cao năng lực cạnh tranh, tỉnh tận dụng tối đa lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do để hỗ trợ doanh nghiệp kết nối với thị trường xuất khẩu; thúc đẩy thương mại điện tử, giúp doanh nghiệp mở rộng kênh phân phối, tiếp cận khách hàng mới; hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất hàng chủ lực của tỉnh, tạo chuỗi cung ứng bền vững.