Siết kỷ cương sau loạt sự cố: Bộ Xây dựng cấm móc ngoặc, hợp thức hồ sơ công trình
Trong tháng 4 và tháng 5 liên tiếp xảy ra hàng loạt sự cố liên quan đến chất lượng công trình xây dựng và các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng gây thiệt hại về người và tài sản.

Bộ Xây dựng cho biết đã có liên tiếp 2 Công văn số 14 và số 15 ngày 11/5 về tăng cường bảo đảm an toàn giao thông và tăng cường bảo đảm chất lượng, an toàn khi thi công xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông.
Bộ Xây dựng cho biết, thời gian gần đây đã xảy ra một số vụ tai nạn giao thông gây thiệt hại lớn về người và tài sản.
Cụ thể là sự cố va chạm tàu gây tràn dầu 25/4 tại TP. Hồ Chí Minh, vụ tai nạn giao thông lật xe khách tại tỉnh Vĩnh Phúc ngày 26/4, sự cố hàng không tại cảng hàng không Tân Sơn Nhất ngày 7/5 (rò rỉ nước mưa từ mái kính xuống sàn phòng chờ tại nhà ga T3 - PV) và sự cố sụt lún đường tại Tây Ninh ngày 11/5.
Các vụ việc này, Bộ Xây dựng chỉ ra nguyên nhân liên quan đến các bất cập trong tổ chức giao thông trên các tuyến cao tốc tiềm ẩn nguy cơ gây gây mất trật tự an toàn giao thông.
Bên cạnh đó, thời gian gần đây cũng xảy ra một loạt tai nạn lao động, sự cố công trình như: Rơi dầm cầu Đại Ninh tỉnh Lâm Đồng; trôi cầu treo Sơn Lăng tỉnh Bình Phước; sập cầu dây văng Bình Phong Thạnh tỉnh Long An; sự cố cầu Cái Đôi Vàm tỉnh Cà Mau…
Đặc biệt, Bộ Xây dựng nhất mạnh sự cố sụt lún đường đầu cầu Hoà Bình tại huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh và vụ việc thi công thảm mặt đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai trong điều kiện thời tiết bất lợi.
Bộ Xây dựng chỉ ra nguyên nhân chủ yếu là do một số chủ đầu tư/ ban quản lý dự án, tư vấn thiết kế, giám sát, nhà thầu thi công chưa quan tâm đúng mức đến công tác quản lý chất lượng, an toàn lao động, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường.
Bên cạnh đó, Bộ cũng chỉ ra một số nội dung trong hồ sơ dự án, khảo sát, thiết kế xây dựng còn khiếm khuyết dẫn đến phải điều chỉnh, bổ sung, làm kéo dài thời gian thi công trong quá trình thực hiện.
Do đó, Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương chỉ đạo các cơ quan chức năng tại địa phương thực hiện quyết liệt kế hoạch bảo đảm an toàn giao thông, đặc biệt chú trọng tới việc chủ động giám sát, quản lý, phát hiện và xử lý nghiêm vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô.
Các địa phương phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng rà soát khắc phục các bất cập trong tổ chức giao thông, báo hiệu đường bộ trên địa bàn.
Các địa phương chỉ đạo Sở Xây dựng, các chủ đầu tư/ ban quản lý dự án thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của chủ đầu tư theo đúng quy định của pháp luật và được phân cấp, ủy quyền trong suốt quá trình triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, bảo đảm chất lượng, tiến độ, an toàn giao thông, an toàn lao động và vệ sinh môi trường.
Bộ yêu cầu siết chặt kỷ cương, quản lý chặt chẽ mọi hoạt động của các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện dự án trong suốt quá trình triển khai dự án (tư vấn thiết kế, tư vấn thẩm tra, tư vấn giám sát, tư vấn kiểm định, nhà thầu thi công...), bảo đảm tuân thủ quy định của hợp đồng và các quy định pháp luật có liên quan.
“Tổ chức rà soát toàn bộ công tác quản lý chất lượng, tiến độ, an toàn giao thông, an toàn lao động và vệ sinh môi trường của từng chủ thể, từng khâu, từng bước để yêu cầu kiện toàn bộ máy và có biện pháp chấn chỉnh, phòng ngừa, ngăn chặn, kịp thời xử lý các tồn tại, hạn chế”, Bộ Xây dựng nhấn mạnh.
Riêng với công tác khảo sát, thiết kế, Bộ Xây dựng yêu cầu nâng cao chất lượng lập, phê duyệt nhiệm vụ khảo sát, nhiệm vụ thiết kế; có giải pháp chấn chỉnh công tác khảo sát, thiết kế, lập tổng mức đầu tư, dự toán xây dựng công trình.
“Đặc biệt, khi khảo sát điều tra các mỏ vật liệu, bãi đổ thải phải khảo sát kỹ lưỡng về vị trí, trữ lượng, chất lượng, khả năng cung ứng, đường vận chuyển, thủ tục khai thác, trữ lượng của các bãi đổ thải, đáp ứng yêu cầu của dự án”, Bộ Xây dựng yêu cầu.
Bộ Xây dựng nhấn mạnh: Nghiêm cấm các hành vi thông đồng, móc ngoặc để hợp thức hóa hồ sơ thủ tục, làm sai lệch hồ sơ, kết quả công việc, tăng khống khối lượng; lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chèn ép, nhũng nhiễu, gây khó khăn cho các đơn vị để thu lợi cá nhân; áp đặt chỉ định mỏ vật liệu, chỉ định nguồn gốc, xuất xứ, gửi nhà thầu, nhà thầu phụ, nhà thầu cung cấp hàng hóa, vật tư, vật liệu cho dự án.
Trong số các sự cố, vụ tai nạn nói trên, riêng với vụ sụt lún đường đầu cầu Hòa Bình, Bộ Xây dựng yêu cầu UBND tỉnh Tây Ninh chỉ đạo Sở Xây dựng Tây Ninh, các đơn vị liên quan tiến hành ngay việc phân luồng, đảm bảo việc đi lại, an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông; đồng thời khẩn trương thực hiện các thủ tục để xác định nguyên nhân, đưa ra giải pháp xử lý, khắc phục kịp thời, bảo đảm chất lượng công trình, báo cáo kết quả về cơ quan có thẩm quyền.
Bộ Xây dựng yêu cầu Cục Đường bộ Việt Nam chủ trì kiểm tra, rà soát các tồn tại bất cập của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, tổng hợp báo cáo Lãnh đạo Bộ trước ngày 31/5; khẩn trương rà soát, đánh giá và báo cáo các bất cập trong tổ chức giao thông đường bộ cao tốc, báo cáo Lãnh đạo Bộ chỉ đạo các đơn vị kịp thời chấn chỉnh.
Cục Hàng hải và Đường thủy Việt Nam phối hợp chặt chẽ với địa phương xử lý sự cố tràn dầu tại TP. Hồ Chính Minh, định kỳ báo cáo và đề xuất giải pháp; rà soát, báo cáo trước ngày 31/5 các khu vực có nguy cơ đâm va, rủi ro cao về va chạm và tai nạn, kiến nghị giải pháp trước mắt và lâu dài để phòng tránh.
Cục Hàng không Việt Nam khẩn trương báo cáo nguyên nhân, tổ chức họp rút kinh nghiệm, bình giảng sự cố hàng không tại cảng hàng không Tân Sơn Nhất ngày 7/5; triển khai quyết liệt kế hoạch tăng cường bảo đảm an toàn giao thông hàng không trong dịp cao điểm du lịch hè 2025.