Tài chính công nghệ: Mở ra chiến lược đột phá cho nền kinh tế
Ngành Tài chính - một trụ cột quan trọng của nền kinh tế toàn cầu, đang trải qua nhiều biến đổi lớn do những tiến bộ trong công nghệ. Sự trỗi dậy của các mô hình AI và ứng dụng thực tế, sẽ mang tới nhiều cơ hội thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế.
Trao đổi về vấn đề này tại buổi chia sẻ học thuật có chủ đề “AI thúc đẩy Tài chính công nghệ: Định hình trong thập kỷ tới” được tổ chức tại Học viện Tài chính ngày 14/4, T.S Jeff Stangl - Giám đốc Điều hành và Phát triển Đại học Massey khẳng định, công nghệ AI ngày càng trở nên quan trọng bởi chúng có thể “tự động hóa” quá trình học hỏi, khám phá thông qua dữ liệu lớn (big data).
“AI thích ứng thông qua các thuật toán học tập “lũy tiến” theo đó tìm cấu trúc và tính quy luật trong dữ liệu để các thuật toán có thể học được các kỹ năng nhanh chóng. Bên cạnh đó, AI đang cách mạng hóa dịch vụ khách hàng và tư vấn tài chính bằng cách cung cấp thông tin chi tiết được cá nhân hóa, dựa trên dữ liệu. Vai trò của AI mở rộng sang quản lý rủi ro, phát hiện gian lận và quản lý quan hệ khách hàng, chuyển đổi các khía cạnh cốt lõi của tài chính…”- TS. Jeff Stangl nêu rõ.
Cũng theo TS. Jeff Stangl, thị trường công nghệ tài chính (Fintech) được dự báo sẽ đạt 882 tỷ đô la trên toàn cầu vào năm 2030. Sự bùng nổ này phản ánh quá trình chuyển đổi của AI từ công nghệ thử nghiệm sang một nhu cầu thiết yếu trong kinh doanh, khi các công ty trên toàn cầu tìm kiếm chuyên môn để triển khai và tối ưu hóa các giải pháp AI mang lại lợi thế cạnh tranh và hiệu quả vận hành.
Không những vậy, khi các dịch vụ tài chính chuyển sang hoạt động trực tuyến, an ninh mạng trở nên cực kỳ quan trọng. Việc bảo vệ dữ liệu tài chính nhạy cảm trước các mối đe dọa trên mạng là cần thiết để duy trì niềm tin và sự an toàn trong hệ thống tài chính. AI rất giỏi trong việc nhận biết mẫu dữ liệu tinh vi, chúng có thể xác định hoạt động đáng ngờ mà chuyên gia con người có thể bỏ qua. Một thực tế cho thấy, PayPal, Stripe, Revolut đã sử dụng AI và chặn hàng tỷ vụ gian lận hàng năm.
Một xu hướng công nghệ tài chính khác cũng được TS. Jeff Stangl đề cập tới là Robo-advisor, hay còn gọi là hệ thống tư vấn tài chính tự động. Đây là một nền tảng công nghệ sử dụng các thuật toán và AI để cung cấp các dịch vụ tư vấn đầu tư và quản lý tài chính cho người dùng mà không cần sự can thiệp trực tiếp của các chuyên gia tài chính.
Nguyên lý hoạt động của Robo-advisor dựa trên các thuật toán tối ưu hóa danh mục đầu tư (portfolio optimization) và quản lý rủi ro, kết hợp với dữ liệu thị trường và thông tin cá nhân của người dùng. Các giao dịch và thay đổi trong danh mục đầu tư cũng được thực hiện tự động, giúp người dùng tiết kiệm thời gian và chi phí so với việc quản lý đầu tư theo cách truyền thống. Với sự mở rộng về đối tượng khách hàng, Robo-advisor hiện còn phục vụ nhà đầu tư chuyên nghiệp và tổ chức tài chính, cung cấp thêm các tính năng nâng cao như quản lý tài sản, lập kế hoạch tài chính và tối ưu hóa thuế.
Cùng với đó, AI cũng đóng vai trò quan trọng, giúp hiện đại hóa và chuyển đổi mạnh mẽ lĩnh vực ngân hàng bán lẻ trên toàn cầu. Theo báo cáo của Deloitte, các ngân hàng đầu tư hàng đầu thế giới có thể cải thiện hiệu suất kinh doanh từ 27% đến 35% nhờ ứng dụng AI, với doanh thu trên mỗi nhân viên dự kiến tăng thêm đến 3,5 triệu USD vào năm 2026. Với sự bùng nổ của AI, các ngân hàng sẽ ngày càng cải thiện hiệu suất và sáng tạo trong phát triển sản phẩm tài chính.
AI Chatbot là giải pháp chăm sóc khách hàng được phát triển mạnh mẽ trong thời gian gần đây. Những “gã khổng lồ” như Google, Microsoft, Amazon và Facebook cho đến các công ty Startup đều dành thời gian và nguồn lực để phát triển AI Chatbot.
Lấy dẫn chứng về ứng dụng AI Chatbot trong lĩnh vực ngân hàng, TS. Jeff Stangl cho biết, Erica - Chatbot AI của Bank of America, một trong những ngân hàng hàng đầu ở Mỹ là sự kết hợp trí tuệ nhân tạo và dịch vụ ngân hàng di động, có thể giao tiếp với khách hàng bằng cả giọng nói lẫn văn bản. Thống kê cho thấy, Erica đã xử lý và trả lời hơn 100 triệu câu hỏi/năm.
Chatbot Erica sử dụng phương pháp “phân tích dự báo” để cung cấp hướng dẫn tài chính cho hàng triệu khách hàng của ngân hàng. Đồng thời, cho phép khách hàng truy cập 24/7 và thực hiện “giao dịch hàng ngày” theo nhu cầu sử dụng và mục tiêu tài chính của họ. Thực tiễn cho thấy, các chatbot AI đang giải quyết hơn 80% các truy vấn hỗ trợ cấp một, tạo thuận lợi để con người tập trung vào các nhiệm vụ có độ phức tạp cao hơn.

Theo TS. Jeff Stangl, trong thế giới công nghệ tài chính đang phát triển nhanh chóng, “tài chính nhúng” được ví như “ngọn hải đăng” cho phép các dịch vụ tài chính liền mạch và thông suốt từ thương mại điện tử đến các nhà cung cấp dịch vụ chuyển tiền và các ngân hàng vừa và nhỏ.
Đặc biệt là ở khu vực Đông Nam Á, ước tính có khoảng 400 triệu người dùng Internet vào năm 2023, tiềm năng tài chính nhúng đóng vai trò rất quan trọng. Đem đến cho doanh nghiệp nhiều cơ hội tăng trưởng và khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính, mà không cần dựa vào các ngân hàng truyền thống.
Tại Hoa Kỳ, doanh thu do tài chính nhúng tạo ra vào năm 2020 ước tính là 22,5 tỉ USD và được dự báo sẽ đạt hơn 230 tỉ USD vào năm 2025 với mức tăng trưởng 10 lần. Tài chính nhúng đã giúp 88% các công ty tăng tương tác với khách hàng và 85% nói rằng tài chính nhúng giúp họ gia tăng thị phần.