Tăng pháp lý về tài sản đảm bảo để "cảnh tỉnh" người đi vay có trách nhiệm trả nợ

Hương Dịu

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, nguồn xử lý nợ xấu chủ yếu đến từ việc các tổ chức tín dụng (TCTD) trích từ dự phòng rủi ro, nên ảnh hưởng rất lớn đến kết quả kinh doanh cũng như ảnh hưởng đến thanh khoản nếu không xử lý kịp thời.

Hành lang pháp lý về xử lý tài sản bảo đảm, xử lý nợ xấu còn bất cập. Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet
Hành lang pháp lý về xử lý tài sản bảo đảm, xử lý nợ xấu còn bất cập. Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Phát biểu tại Tọa đàm góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD 2024 do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức ngày 18/4/2025, Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng đã bày tỏ nhiều lo ngại khi nợ xấu có xu hướng gia tăng, trong khi hành lang pháp lý còn hạn chế.

Theo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, tính đến cuối tháng 12/2024, tỷ lệ nội bảng, nợ bán cho Công ty Quản lý tài sản các TCTD (VAMC) chưa được xử lý, thu hồi và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu của hệ thống các TCTD ở mức 5,36% so với tổng dư nợ (bao gồm cả nợ xấu của 5 ngân hàng tái cấu trúc). Nếu loại trừ 5 ngân hàng tái cấu trúc thì tỷ lệ nợ xấu khoảng 1,93%, tăng khoảng 0,2% so với năm 2023.

Năm 2024, tỷ lệ thu hồi nợ chủ yếu liên quan đến tài sản bảo đảm chiếm khoảng 46,6%. Tỷ lệ khách hàng chủ động trả nợ các ngân hàng với khoản nợ xấu chỉ chiếm 36%; còn lại nợ bán cho VAMC, nợ thi hành án thông qua bán tài sản bảo đảm chiếm tỷ lệ rất thấp, đạt khoảng 7.000 tỷ đồng.

Trong 2 tháng đầu năm 2025, nợ xấu tăng nhanh (tăng khoảng 34.000 tỷ đồng), trong khi tốc độ xử lý nợ xấu chỉ đạt khoảng 15.000 tỷ đồng do các TCTD trích dự phòng rủi ro để xử lý.

Ông Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, mặc dù các TCTD đã rất tích cực, chủ động triển khai nhiều biện pháp để xử lý nợ xấu, kiểm soát và hạn chế nợ xấu mới nhưng trước bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước vẫn gặp nhiều khó khăn do tác động của tình hình thế giới, trong khi hành lang pháp lý về xử lý tài sản bảo đảm, xử lý nợ xấu còn bất cập, thiếu đồng bộ và thống nhất, dẫn đến nợ xấu gia tăng.

Quang cảnh toạ đàm.
Quang cảnh toạ đàm.

Luật Các TCTD 2024 đã có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, nhưng lại không có nội dung quy định về thu giữ tài sản bảo đảm trong quá trình xử lý nợ xấu của TCTD.

Nghị quyết số 42/2017/QH14 hết hiệu lực vào ngày 31/12/2023. Theo đánh giá của các chuyên gia và ngân hàng, việc này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc xử lý, thu hồi nợ của các TCTD và tổ chức mua bán, xử lý nợ.

Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam chia sẻ, các bản án đã có hiệu lực thi hành cũng đang gặp vướng mắc, khó khăn. Có bản án có hiệu lực thi hành rồi, nhưng qua 27-28 lần thi hành án, đấu giá, phát mại tài sản nhưng vẫn không xử lý được vì vướng Luật Đất đai.

Trong số hơn 40.000 vụ việc có hiệu lực thi hành, chuyển sang thi hành án, năm 2024, chỉ giải quyết được 15% vụ án với số tiền nhỏ so với bản án có hiệu lực.

 

Trong báo cáo ngành Ngân hàng mới đây của Công ty Chứng khoán MB (MBS), năm 2024, chi phí trích lập dự phòng của các ngân hàng tăng 8,1%, mức tăng cao nhất trong 3 năm qua.

Sang năm 2025, các chuyên gia MBS dự báo chi phí dự phòng của các ngân hàng (trong nhóm theo dõi) sẽ tăng 16,9%, trong đó các ngân hàng quốc doanh tăng thấp hơn với 12,6% do tín dụng phần lớn tập trung vào doanh nghiệp.

Vì thế, hiện các TCTD đang phải tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro tín dụng.

Từ vấn đề trên, ông Nguyễn Quốc Hùng nêu rõ, việc tăng trích lập dự phòng rủi ro ảnh hưởng rất lớn đến kết quả kinh doanh của các TCTD, cũng như giảm nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp, ảnh hưởng đến thanh khoản nếu không xử lý kịp thời.

Vì thế, hiện Chính phủ đã nhất trí với đề xuất của Ngân hàng Nhà nước và thống nhất trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Từ thực tiễn, vướng mắc của các TCTD và những quan điểm đã dự thảo để đưa vào Luật Các TCTD trước đây, ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã tổng hợp 3 nội dung chính gồm: luật hóa quy định về quyền thu giữ tài sản đảm bảo; luật hóa quy định về kê biên tài sản đảm bảo của bên phải thi hành án; luật hóa quy định về hoàn trả tài sản đảm bảo là vật chứng trong vụ án hình sự và bổ sung quy định về hoàn trả tài sản đảm bảo là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Theo các chuyên gia, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD 2024 không chỉ tạo điều kiện cho các ngân hàng trong việc thu hồi nợ mà là tiếng chuông cảnh tỉnh để người đi vay phải có ý thức và trách nhiệm trả nợ.