Tăng trưởng GRDP cao của các địa phương có sự góp sức của khu vực FDI
Cập nhật mới nhất của Bộ Tài chính cho thấy, tăng trưởng kinh tế của các “đầu tàu” kinh tế trong cả nước có sự đóng góp tích cực của khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Liên quan đến cập nhật tình hình triển khai Nghị quyết số 25/NQ-CP của Chính phủ về mục tiêu tăng trưởng các ngành, lĩnh vực và địa phương bảo đảm mục tiêu tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên, Bộ Tài chính vừa cập nhật chi tiết tình hình thực hiện mục tiêu tăng trưởng GRDP của các địa phương trọng điểm trong 6 tháng đầu năm 2025.
Theo đó, GRDP quý II/2025 của TP. Hà Nội ước đạt 7,69%, lũy kế 6 tháng ghi nhận mức tăng trưởng 7,63%, đạt kế hoạch đề ra và tạo đà vững chắc để cả năm cán mốc 8%.

Theo Chi cục thống kê TP. Hà Nội, 6 tháng đầu năm 2025, toàn Thành phố thu hút vốn FDI đạt 3,677 tỷ USD, gấp 2,2 lần so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, 89 dự án bổ sung tăng vốn đầu tư với số vốn đăng ký đạt 3,143 tỷ USD (riêng dự án xây dựng công viên Yên Sở của Công ty TNHH Gamuda Land Việt Nam có vốn góp từ Malaysia tăng 1,12 tỷ USD); 173 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần đạt 296,5 triệu USD, lần lượt gấp 55,9 lần và 3 lần so với cùng kỳ năm trước.
Một “đầu tàu” kinh tế khác là TP. Hồ Chí Minh cũng ghi nhận mức tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm nay tích cực, với mức tăng trưởng đạt 7,82%. Đây là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ kể từ năm 2020. Diễn biến này có sự đóng góp tích cực của kết quả thu hút vốn FDI. Nửa đầu năm nay, Thành phố thu hút được lượng vốn FDI bằng 2,69 lần so với cùng kỳ năm 2024, đạt gần 3 tỷ USD.
Một trong những địa phương luôn giữ được phong độ cao trong thu hút FDI là tỉnh Bình Dương, tiếp tục thể hiện kết quả thu hút vốn FDI tích cực trong nửa đầu năm nay.
Theo Bộ Tài chính, Bình Dương thu hút thành công 850 triệu USD vốn FDI, tăng gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm trước. Tỉnh đã thu hút được nhiều nhà đầu tư chiến lược tham gia đầu tư. Điều này đã có đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế của Bình Dương, khi tăng tưởng GRDP trong quý II/2025 đạt tới 9,06%. Lũy kế 6 tháng đầu năm, GRDP ước tăng 8,3% (cùng kỳ tăng 6,02%). Khu vực công nghiệp - xây dựng tiếp tục đóng vai trò chủ lực với mức tăng 8,3% (trong đó công nghiệp tăng 8,3%), khu vực dịch vụ tăng 8,81%.
Cơ cấu kinh tế của Bình Dương tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp - dịch vụ – nông nghiệp, với tỷ trọng tương ứng là 64,39% - 26,06% - 2,34% - 7,21% (thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm).
Đồng Nai - một đầu tàu thu hút FDI trong nhiều năm qua, tiếp tục thể hiện kết quả tích cực trong thu hút dòng vốn này trong thời gian gần đây. Tính đến ngày 18/6/2025, thu hút vốn FDI của Tỉnh đạt 1,349 tỷ USD, tăng tới 46% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế đến nay, số dự án FDI còn hiệu lực trên địa bàn Đồng Nai là 1.736 dự án, với tổng số vốn 36,3 tỷ USD.
Dòng vốn FDI khả quan đã góp sức quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Đồng Nai trong nhiều năm qua. Riêng 6 tháng đầu năm 2025, GRDP trên địa bàn Tỉnh ước đạt gần 132.300 tỷ đồng, tăng 8,34%.
Để theo dõi, đánh giá sát sao tình hình tăng trưởng kinh tế của các địa phương sau khi sáp nhập, Bộ Tài chính trình Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các địa phương xây dựng, trình Chính phủ điều chỉnh Nghị quyết số 25/NQ-CP, giao mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2025 cho 34 địa phương sau sáp nhập.
Việc Bộ Tài chính đề xuất bước đi trên là thể hiện sự khẩn trưởng, chủ động của Bộ trong đề xuất các giải pháp kịp thời với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhằm đưa ra các giải pháp bám sát thực tiễn tăng trưởng kinh tế của các tỉnh, thành phố. Trên cơ sở đó kịp thời đưa ra các giải pháp chỉ đạo, điều hành hiệu quả, để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của 34 địa phương sau sáp nhập.
Qua đó, đảm bảo thực hiện thành công mục tiêu mà Nghị quyết số 25/NQ-CP đã đề ra là tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên, tạo tiền đề cho hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng hai con số trong thời gian tới.