Tạo điều kiện để thanh niên đồng hành cùng kinh tế tư nhân
Thanh niên là lực lượng tiên phong trong đổi mới sáng tạo và phát triển kinh tế tư nhân. Với tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ, họ đang góp phần tạo dựng hệ sinh thái doanh nhân trẻ năng động, trách nhiệm. Tuy nhiên, để thanh niên phát huy vai trò hiệu quả hơn, cần sự đồng hành, hỗ trợ thiết thực từ Nhà nước, tổ chức Đoàn và toàn xã hội.

Nguồn lực quý báu cho nền kinh tế
Thanh niên hiện nay không chỉ đơn thuần là lực lượng lao động phổ thông, mà còn là những người tiên phong trong đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ, khởi nghiệp và phát triển các mô hình kinh doanh mới. Họ dám nghĩ, dám làm, sẵn sàng chấp nhận rủi ro để tìm kiếm cơ hội và tạo ra giá trị.
Nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp thành công hiện nay do thanh niên sáng lập, đặc biệt trong các lĩnh vực như công nghệ thông tin, nông nghiệp công nghệ cao, thương mại điện tử, logistics và các mô hình kinh doanh bền vững. Họ không chỉ tạo ra việc làm cho bản thân mà còn giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động khác, đóng góp vào tăng trưởng GDP và thúc đẩy đổi mới mô hình kinh tế.
Những năm gần đây, phong trào “Thanh niên khởi nghiệp” phát triển mạnh mẽ trên cả nước, được hỗ trợ bởi nhiều chính sách của Chính phủ, các tổ chức xã hội và doanh nghiệp. Nhiều chương trình như “Thanh niên lập nghiệp”, “Start-up Quốc gia”, các cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, các vườn ươm khởi nghiệp... đã khuyến khích hàng nghìn ý tưởng kinh doanh từ thanh niên được ươm mầm và phát triển.
Không chỉ vậy, thanh niên còn có vai trò quan trọng trong việc đưa mô hình kinh tế tư nhân ra thị trường quốc tế thông qua khả năng hội nhập, kỹ năng ngoại ngữ và tư duy toàn cầu hóa. Họ chính là những người nhanh nhạy trước xu thế tiêu dùng mới, các nền tảng kinh doanh số và công nghệ tài chính.
Tuy nhiên, con đường khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp tư nhân của thanh niên không phải lúc nào cũng dễ dàng. Nhiều thanh niên còn gặp khó khăn về vốn, kinh nghiệm quản lý, khả năng kết nối thị trường, cũng như các rào cản về thủ tục pháp lý.
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, để phát huy tối đa vai trò của thanh niên trong phát triển kinh tế tư nhân, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà nước, doanh nghiệp và các tổ chức thanh niên. Việc hoàn thiện cơ chế hỗ trợ khởi nghiệp, đào tạo kỹ năng kinh doanh, kết nối vốn và thị trường sẽ giúp thanh niên tự tin hơn trên hành trình phát triển doanh nghiệp.
“Thanh niên không chỉ là tương lai của đất nước mà còn là hiện tại sống động của nền kinh tế tư nhân Việt Nam. Việc trao cơ hội, bồi dưỡng năng lực và khơi dậy tinh thần khởi nghiệp trong thanh niên chính là đầu tư cho sự phát triển bền vững và thịnh vượng của quốc gia”, PGS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.
Xây dựng cơ chế để hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp
Theo Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Bùi Quang Huy, Trung ương Đoàn xác định rõ vai trò then chốt của thanh niên trong phát triển kinh tế tư nhân - một trong những động lực quan trọng nhất để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, hội nhập sâu rộng và bền vững.
Ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW, Trung ương Đoàn đã chủ động ban hành kế hoạch triển khai, tập trung tuyên truyền, quán triệt sâu sắc nội dung nghị quyết trong toàn hệ thống Đoàn, Hội, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm và hành động của đoàn viên, thanh niên về vai trò, vị trí của kinh tế tư nhân trong sự nghiệp phát triển đất nước.
Trung ương Đoàn đặt mục tiêu cụ thể và thiết thực, trong đó hằng năm, 100% các tỉnh, thành đoàn và đoàn trực thuộc tổ chức ít nhất một hoạt động tôn vinh các gương thanh niên khởi nghiệp, doanh nhân trẻ tiêu biểu, những mô hình kinh doanh hiệu quả, bền vững, có trách nhiệm xã hội, tích cực đóng góp vì cộng đồng.
Cùng với đó, Trung ương Đoàn phấn đấu hỗ trợ tối thiểu 2.000 thanh niên khởi nghiệp mỗi năm, trong đó có ít nhất 150 bạn trẻ triển khai các dự án đổi mới sáng tạo gắn với sản phẩm/dịch vụ cụ thể, ưu tiên các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, thương mại điện tử, công nghệ số và kinh tế xanh.
Ngoài ra, ít nhất 10.000 doanh nghiệp do thanh niên làm chủ sẽ được kết nối tư vấn, hỗ trợ phát triển phù hợp với nhu cầu thực tiễn; thành lập tối thiểu 50 hợp tác xã thanh niên tại địa bàn nông thôn. Đồng thời đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho ít nhất 100.000 thanh niên khởi nghiệp, doanh nhân trẻ trong các nội dung về quản trị doanh nghiệp, chuyển đổi số, xây dựng thương hiệu và phát triển bền vững.
Cũng theo anh Bùi Quang Huy, thời gian tới, Trung ương Đoàn sẽ tiếp tục xây dựng cơ chế hỗ trợ chuyên sâu dành cho thanh niên khởi nghiệp sau tuyên dương, thông qua đào tạo, tư vấn quản trị, kết nối đầu tư, xúc tiến thương mại, hướng tới hình thành mạng lưới doanh nhân trẻ khởi nghiệp tiêu biểu.
"Ban Bí thư Trung ương Đoàn sẽ đổi mới hình thức tổ chức và truyền thông các giải thưởng như Sao Đỏ, Sao Vàng đất Việt, Doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc, Lương Định Của… nhằm lan tỏa hình ảnh doanh nghiệp tư nhân phát triển bền vững, có đạo đức, trách nhiệm xã hội, đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển đất nước", anh Bùi Quang Huy cho biết.