Thể chế cần bảo đảm và bảo vệ hữu hiệu quyền sở hữu, quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân
Đây là ý kiến của chuyên gia tại buổi tọa đàm "Gỡ điểm nghẽn thể chế - Khơi thông nguồn lực tư nhân" do Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh tổ chức ngày 27/5.

Doanh nghiệp tư nhân cần môi trường kinh doanh minh bạch
Tại tọa đàm TS. Nguyễn Xuân Thành - Đại học Fulbright Việt Nam nhận định, những năm gần đây, tăng trưởng kinh tế cao trong dài hạn đều được thúc đẩy bởi doanh nghiệp tư nhân trong nước. Do vậy, kinh tế tư nhân đòi hỏi một nền kinh tế thị trường hoạt động hữu hiệu, ở đó môi trường kinh doanh mang tính cạnh tranh cao.
Theo đó, Nhà nước đóng vai trò kiến tạo để xây dựng các thể chế hỗ trợ thị trường. Việc cải thiện môi trường kinh doanh và môi trường pháp lý cho doanh nghiệp tư nhân là một phần rất quan trọng.
Cần có định hướng cụ thể cho ưu tiên xử lý các vấn đề tranh chấp của doanh nghiệp, nếu xảy ra vi phạm pháp luật thì ưu tiên các biện pháp dân sự và xử phạt kinh tế, hạn chế xử lý hình sự.
Ngoài ra cần khơi thông các kênh tiếp cận nguồn lực cho doanh nghiệp. Việc ban hành của chính sách cần sớm đi vào cuộc sống và có tác động tích cực.
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Đinh Hồng Kỳ - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh cho rằng, về thể chế cần bảo đảm và bảo vệ hữu hiệu quyền sở hữu, quyền tự do kinh doanh, quyền tài sản, quyền cạnh tranh bình đẳng và bảo đảm thực thi hợp đồng của doanh nghiệp tư nhân; tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, giảm thiểu sự can thiệp và xoá bỏ các rào cản hành chính, cơ chế "xin - cho", tư duy "không quản được thì cấm”.
Đặc biệt, đối với môi trường pháp lý, cần phân định rõ ràng giữa trách nhiệm hình sự với hành chính, dân sự; giữa pháp nhân và cá nhân trong xử lý vi phạm.
Doanh nghiệp vừa và nhỏ cần được tiếp cận nguồn lực
Ông Nguyễn Bá Diệp, Đồng sáng lập Tập đoàn công nghệ tài chính MoMo (một trong những startup kỳ lân đầu tiên của Việt Nam) đánh giá cao việc Nhà nước đã bước đầu thiết lập cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) - một khung pháp lý đặc biệt dành cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.
Theo ông Diệp, đây là một bước tiến rất lớn trong tư duy quản lý, cho phép các doanh nghiệp công nghệ được thử nghiệm mô hình mới trong môi trường pháp lý linh hoạt, từ đó rút kinh nghiệm trước khi mở rộng triển khai.
Chia sẻ tại buổi Tọa đàm, bà Nguyễn Thanh Hương - Giám đốc Đầu tư Tập đoàn Nam Long mong mỏi của các doanh nghiệp tư nhân được hoạt động kinh doanh trong môi trường minh bạch, cạnh tranh công bằng và mở cửa cho doanh nghiệp tư nhân tiếp cận nguồn lực đất đai, thể chế hoá đối với việc phát triển quỹ đất. Đây là bước tiến đáng kể để các doanh nghiệp tự tin hơn khi làm việc với các đối tác quốc tế.
Trong 3-4 năm qua, việc tạm dừng nhiều dự án bất động sản khiến dòng vốn từ nhà đầu tư nước ngoài chưa thể đổ vào Việt Nam như kỳ vọng. Trong khi đó, nhiều đối tác quốc tế đặc biệt là Nhật Bản vẫn rất quan tâm đến thị trường Việt Nam và sẵn sàng đầu tư dài hạn cùng với Tập đoàn Nam Long.
“Chúng tôi rất mong chính sách sẽ sớm được cụ thể hóa. Khi các nguồn lực được khơi thông, việc tham gia vào các dự án lớn như phát triển đô thị gắn với giao thông (TOD) sẽ trở nên khả thi hơn. Tập đoàn Nam Long và các đối tác đã sẵn sàng tham gia nếu cơ chế thực thi minh bạch và kịp thời”, bà Hương nhấn mạnh.
Với nguồn lực đất đai, TS. Nguyễn Xuân Thành đề xuất tái khai thác các quỹ đất công chưa sử dụng, hỗ trợ doanh nghiệp thuê đất tại các khu công nghiệp và vườn ươm công nghệ, đặc biệt với doanh nghiệp nhỏ, công nghệ cao, startup sáng tạo.
Về vốn đầu tư, cần đa dạng hóa kênh tín dụng, khơi thông thị trường trái phiếu doanh nghiệp, và sửa đổi Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo hướng đơn giản hóa thủ tục và tuyệt đối không nên tạo thêm bộ máy giám sát rườm rà.
Đối với vấn đề khơi thông nguồn lực tài chính, ông Từ Tiến Phát - Tổng Giám đốc ACB nhận định: “Thực tế, các ngân hàng rất mong mỏi các doanh nghiệp tiếp cận vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, tuy nhiên hiện nay việc tiếp cận nguồn vốn vay vẫn còn “rào cản”, đòi hỏi phải có cơ chế chính sách cởi mở hơn. Phần lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ khó tiếp cận vốn vì không có tài sản đảm bảo và tài chính không minh bạch.
Để tháo gỡ “điểm nghẽn” này, có thể có hệ thống xếp hạng tín dụng uy tín quốc gia, bản thân các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần đảm bảo minh bạch tài chính, hình thành quyền đảm bảo tài sản. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng cần thay đổi hình thức tiếp cận khách hàng tốt hơn, thay đổi khẩu vị rủi ro để phù hợp với thực tiễn”.
"Là một ngân hàng tư nhân, chúng tôi thấu hiểu quá trình chuyển dịch của khu vực kinh tế tư nhân. Các doanh nghiệp rất sẵn sàng đầu tư, đổi mới, nhưng họ cần thấy rõ sự cụ thể, minh bạch trong chính sách", ông Phát nhấn mạnh.
Ông Phát cũng đưa ra 4 yếu tố mà doanh nghiệp mong muốn nhất từ hệ thống ngân hàng và chính sách tài chính hiện nay, đó là: Giảm chi phí tiếp cận vốn; thủ tục nhanh gọn hơn; số hóa toàn diện và hướng đến chuyển đổi xanh.