Thủ tướng yêu cầu “thần tốc” xây dựng 100 trường nội trú tại 100 xã biên giới
Chiều tối 27/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp về triển khai Kết luận của Bộ Chính trị, chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về chủ trương đầu tư xây dựng trường học cho các xã biên giới.

Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sau khi sắp xếp địa giới hành chính, cả nước hiện có 22 tỉnh, thành phố có biên giới đất liền, với tổng số 248 xã biên giới. Tại đây có 956 trường phổ thông, phục vụ hơn 625.000 học sinh. Trong đó, 332.019 học sinh có nhu cầu học tập nội trú, bán trú. Tuy nhiên, mới chỉ có gần 59.000 em được học tại 22 trường phổ thông dân tộc nội trú và 160 trường phổ thông dân tộc bán trú.
Hiện học sinh nội trú, bán trú được học tập, sinh hoạt tại trường và thụ hưởng chính sách hỗ trợ từ Nhà nước. Trung bình mỗi năm, một học sinh nội trú được hỗ trợ khoảng 23 triệu đồng; học sinh bán trú được hỗ trợ 16 triệu đồng. Như vậy, còn hơn 273.000 học sinh (chiếm 43,7%) có nhu cầu nhưng chưa được học tại các trường nội trú, bán trú, hiện phải học tại các trường phổ thông không có mô hình lưu trú.
Trước thực trạng đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất đầu tư xây dựng mới và cải tạo các trường phổ thông dân tộc nội trú tại 248 xã biên giới. Các trường sẽ được đầu tư hệ thống cơ sở vật chất đầy đủ, đồng bộ, đáp ứng nhu cầu học tập, ăn ở của học sinh và giáo viên. Thời gian thực hiện dự kiến từ năm 2025 đến 2027. Nguồn vốn đầu tư chủ yếu từ ngân sách Trung ương, phần còn lại từ ngân sách địa phương và các nguồn lực hợp pháp khác.
Bộ cũng đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách bảo đảm học sinh vùng biên được hưởng chế độ nội trú, bán trú phù hợp với điều kiện địa hình, khoảng cách địa lý; có phương án bố trí giáo viên hợp lý; bảo đảm ngân sách vận hành trường học và chế độ cho giáo viên.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh đây là một chủ trương lớn, quan trọng và cần khẩn trương triển khai. Thủ tướng yêu cầu phát động chiến dịch xây dựng 100 trường học tại 100 xã biên giới đất liền, hoàn thành chậm nhất vào ngày 30/8/2026. Sau giai đoạn này, sẽ tiến hành sơ kết, rút kinh nghiệm để tiếp tục mở rộng, với tinh thần “vừa làm, vừa điều chỉnh, không cầu toàn, không nóng vội”.
Thủ tướng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp thu ý kiến tại cuộc họp, lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về nội dung này, trình ban hành trước ngày 10/8. Nghị quyết cần quy định rõ các cơ chế như linh hoạt trong lựa chọn hình thức đấu thầu, chỉ định thầu, giao việc...
UBND các tỉnh, thành phố được yêu cầu quy hoạch, bố trí quỹ đất từ 5 đến 10 ha tại những vị trí thuận lợi về giao thông, điện, nước, viễn thông, đồng thời vận động người dân hiến đất. Bộ Xây dựng sẽ thiết kế mẫu trường lớp theo hướng mở, phù hợp điều kiện tự nhiên, văn hóa từng vùng miền; tối ưu khả năng ứng phó thiên tai, biến đổi khí hậu và bảo đảm công năng đầy đủ.
Thủ tướng nhấn mạnh: nguồn lực nhà nước là chủ đạo, Bộ Tài chính có trách nhiệm cân đối, bố trí và huy động vốn. Cùng với đó, cần phát động phong trào hiến đất, xây trường trong nhân dân; kêu gọi sự chung tay của doanh nghiệp, tổ chức xã hội, các nhà hảo tâm, với tinh thần “ai có gì giúp nấy, ai có công giúp công, ai có của giúp của, ai có nhiều giúp nhiều, ai có ít giúp ít”.