Thúc đẩy tài chính toàn diện và phát triển kinh tế hợp tác trong nền kinh tế số
Chuyển đổi số đang mở ra những cơ hội phát triển mạnh mẽ cho nền kinh tế Việt Nam, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức trong việc đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau. Ở khu vực nông thôn, nơi tập trung phần lớn dân số và lực lượng lao động yếu thế, nhu cầu tiếp cận các dịch vụ tài chính hiện đại, đặc biệt là tài chính số trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Hiện nay, với quyết tâm xây dựng nền kinh tế số toàn diện, việc tạo điều kiện để người dân, đặc biệt là khu vực nông thôn và nhóm yếu thế, tiếp cận được với các dịch vụ tài chính hiện đại đã trở thành một yêu cầu cấp bách. Tài chính toàn diện và kinh tế hợp tác chính là hai mắt xích quan trọng trong hành trình này, không chỉ giúp người dân vươn lên thoát nghèo mà còn góp phần xây dựng nền tảng bền vững cho phát triển kinh tế số ở Việt Nam.

Trong thực tế, phần lớn người dân tại vùng sâu, vùng xa, phụ nữ và hộ nghèo vẫn gặp nhiều rào cản trong việc tiếp cận các sản phẩm tài chính, đặc biệt là tài chính số. Họ thường thiếu kiến thức, thiếu hạ tầng công nghệ và bị hạn chế bởi các điều kiện tài chính truyền thống. Điều này khiến nhiều người rơi vào vòng luẩn quẩn của đói nghèo và không thể tham gia hiệu quả vào các hoạt động kinh tế thị trường.
Việc mở rộng tiếp cận tài chính thông qua các mô hình linh hoạt, hiện đại và ứng dụng công nghệ không chỉ giúp cải thiện đời sống cá nhân, mà còn tạo động lực cho phát triển kinh tế địa phương và quốc gia.
Nhằm hiện thực hóa mục tiêu trên, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội và Quỹ Châu Á tại Việt Nam tổ chức lễ ký kết triển khai Dự án Thúc đẩy tài chính toàn diện và phát triển kinh tế hợp tác trong nền kinh tế số ở Việt Nam.
Mục tiêu của Dự án là giúp các đối tượng yếu thế gồm người thu nhập thấp, phụ nữ, thành viên hợp tác xã tiếp cận hiệu quả hơn với các sản phẩm tài chính, đặc biệt là tài chính số. Qua đó, các hợp tác xã sẽ được nâng cao năng lực công nghệ, được đào tạo và hỗ trợ trong quá trình chuyển đổi số, từ đó phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Theo bà Cao Xuân Thu Vân - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, trong kỷ nguyên công nghiệp 4.0, việc hỗ trợ các hợp tác xã và nhóm yếu thế tiếp cận tài chính số không chỉ là lựa chọn mà là nhu cầu cấp bách. Dự án sẽ mang lại sự thay đổi mạnh mẽ, giúp hợp tác xã và người dân nắm bắt cơ hội để phát triển.
Biên bản ký kết dự án đã quy định rõ vai trò và trách nhiệm của từng bên, nhằm đảm bảo triển khai đồng bộ và hiệu quả. Theo đó, Liên minh hợp tác xã Việt Nam sẽ giữ vai trò kết nối với các hợp tác xã, tổ chức các chương trình tập huấn, tư vấn thành lập và vận hành hợp tác xã trên nền tảng số, đồng thời xây dựng mạng lưới truyền thông nội bộ để các hợp tác xã tiếp cận công nghệ một cách nhanh chóng và thực tế.
Về phía Ngân hàng Chính sách xã hội, sẽ ưu tiên nguồn lực, đơn giản hóa quy trình và thiết kế sản phẩm tài chính phù hợp, nhằm đảm bảo dòng vốn đến đúng đối tượng, kịp thời và hiệu quả, hỗ trợ trực tiếp cho sản xuất kinh doanh và ứng dụng công nghệ.
Trong khi đó, quỹ châu Á tại Việt Nam sẽ đóng góp kỹ thuật, cung cấp các mô hình và kinh nghiệm quốc tế về tài chính toàn diện và chuyển đổi số, giúp các bên trong nước có thể tiếp cận với chuẩn mực toàn cầu, nâng cao chất lượng triển khai Dự án.
Sự phối hợp giữa 3 bên được kỳ vọng sẽ tạo thành một hệ sinh thái hỗ trợ toàn diện từ cung ứng vốn, đào tạo kỹ thuật, đến truyền thông và công nghệ, giúp các hợp tác xã và người dân yếu thế có điều kiện phát triển toàn diện trong môi trường kinh tế số.
Khi Dự án đi vào triển khai, các hợp tác xã trên khắp cả nước sẽ có cơ hội tiếp cận các khóa đào tạo, giải pháp công nghệ phù hợp với quy mô và nhu cầu thực tế. Họ cũng có thể tiếp cận các khoản vay dễ dàng hơn từ Ngân hàng chính sách xã hội với thủ tục linh hoạt, hỗ trợ đúng mục tiêu.
Người dân, đặc biệt là phụ nữ, hộ nghèo và người lao động tự do, sẽ được cung cấp các công cụ tài chính số để quản lý tài chính cá nhân, tiết kiệm, vay vốn và thanh toán điện tử, từ đó dần dần hình thành thói quen tài chính hiện đại và bền vững.
Bên cạnh đó, các sản phẩm của hợp tác xã như nông sản, hàng thủ công, đặc sản vùng miền khi được số hóa và đưa vào các nền tảng thương mại điện tử, sẽ mở rộng được thị trường tiêu thụ, tạo ra chuỗi giá trị bền vững và nâng cao thu nhập cho thành viên hợp tác xã.
Khi các hợp tác xã được trang bị năng lực công nghệ, khả năng tiếp cận tài chính linh hoạt, và tư duy vận hành hiện đại, năng suất lao động sẽ được cải thiện, chất lượng sản phẩm được nâng cao, chuỗi cung ứng được tối ưu hóa và vị thế của kinh tế hợp tác trong nền kinh tế quốc dân sẽ được củng cố mạnh mẽ.
Tài chính toàn diện không còn đơn thuần là hỗ trợ vốn, mà trở thành đòn bẩy để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tăng cường năng lực nội sinh của cộng đồng yếu thế, giúp họ không bị bỏ lại phía sau trong tiến trình số hóa toàn cầu. Dự án hứa hẹn sẽ tạo ra một “cú hích số” mạnh mẽ cho khu vực hợp tác xã và nông thôn Việt Nam, nơi đang rất cần những động lực mới để bước vào thời kỳ tăng trưởng bền vững và bao trùm.