Vốn tín dụng chính sách ở Bến Tre: Giúp người dân thoát nghèo hiệu quả
Phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre- Trưởng ban Đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) Nguyễn Thị Bé Mười yêu cầu Ngân hàng CSXH tập trung lãnh đạo hoạt động tín dụng chính sách đảm bảo phục vụ nhân dân thông suốt, không bị gián đoạn trong quá trình thực hiện chủ trương sáp nhập tỉnh, xã, bỏ cấp huyện.

Theo lãnh đạo Ngân hàng CSXH Bến Tre, trên cơ sở chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Ban đại diện HĐQT ngân CSXH tỉnh Bến Tre, đến nay nguồn vốn tín dụng chính sách đã phủ kín 100% xã, phường, thị trấn toàn tỉnh, thông qua mạng lưới Điểm giao dịch xã và các Tổ tiết kiệm và vay vốn. Bến Tre đã thực hiện ủy thác cho vay qua 4 tổ chức chính trị- xã hội, bảo đảm nguồn vốn đến tay đúng đối tượng, người vay sử dụng vốn đúng mục đích, phát huy hiệu quả, vươn lên thoát nghèo.
Tính đến nay, tổng nguồn vốn cho vay đạt 4.786,2 tỷ đồng, tăng 308,6 tỷ đồng so với đầu năm, tỷ lệ tăng 6,89%. 4 tháng đầu năm, UBND cấp tỉnh, cấp huyện của tỉnh Bến Tre đã ủy thác sang Ngân hàng CSXH 81,5 tỷ đồng, nâng tổng nguồn vốn ủy thác địa phương đạt 379,9 tỷ đồng, chiếm 7,94% tổng nguồn vốn cho vay.
Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh phối hợp với các Hội đoàn thể nhận ủy thác ký kết kế hoạch thực hiện đợt phát động “Ngày gửi tiền tiết kiệm chung tay vì người nghèo” và triển khai rộng khắp trong Chi nhánh Ngân hàng CSXH và các Hội đoàn thể nhận ủy thác từ tỉnh đến cơ sở; kết quả, nguồn vốn huy động đạt 644,2 tỷ đồng, tăng 10,4 tỷ đồng so với đầu năm.
Phối hợp với chính quyền, đoàn thể bám sát kế hoạch giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới để cho vay đáp ứng kịp thời nhu cầu vay của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tại các địa phương. Tổng doanh số cho vay 4 tháng đầu năm đạt 804,6 tỷ đồng cho 17.486 hộ nghèo và các đối tượng chính sách.
Các khoản cho vay tập trung chủ yếu là hộ gia đình xây dựng công trình nước sạch và công trình vệ sinh môi trường đạt 329,4 tỷ đồng; cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đạt 258,1 tỷ đồng; cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo đạt 101 tỷ đồng; cho vay đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh, sinh viên đạt 62 tỷ đồng;
Cho vay hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn 36 tỷ đồng; cho vay người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài 15,3 tỷ đồng, cho vay người chấp hành xong án phạt tù 1,5 tỷ đồng và cho vay thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn 0,7 tỷ đồng.
Nguồn vốn tín dụng CSXH đã đến tận tay 430 hộ nghèo, 598 hộ cận nghèo, 860 hộ mới thoát nghèo, 407 hộ gia đình học sinh, sinh viên, 5.365 người lao động tạo việc làm tại địa phương, 180 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, 9.006 hộ gia đình vay xây dựng, sửa chữa công trình nước sạch và công trình vệ sinh ở nông thôn, 611 hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn, 7 thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn và 22 người chấp hành xong án phạt tù.
Nhiều mô hình vay vốn tiêu biểu đã xuất hiện tại các huyện như Ba Tri, Chợ Lách, Mỏ Cày Bắc, Châu Thành, Giồng Trôm... điển hình là mô hình nuôi bò sinh sản, trồng dừa xen rau màu, hay mở rộng sản xuất tại làng nghề truyền thống,...
Đặc biệt, chương trình cho vay học sinh - sinh viên có hoàn cảnh khó khăn và cho vay nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn tại Bến Tre đã cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống của người dân, nâng cao tỷ lệ tiếp cận dịch vụ giáo dục và y tế.
Công tác quản lý dư nợ, thu nợ đến hạn, nợ quá hạn cũng được Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh quan tâm đúng mức và đạt kết quả tích cực. Doanh số thu nợ đạt 502,4 tỷ đồng; tỷ lệ thu hồi nợ đến hạn đạt trên 98,5%. Tổng dư nợ đạt 4.775,6 tỷ đồng, tăng 302,1 tỷ đồng, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng đạt 6,76%. Nợ quá hạn và nợ khoanh 12,4 tỷ đồng, chiếm 0,26% tổng dư nợ. Nợ quá hạn 6,4 tỷ đồng, tỷ lệ nợ quá hạn 0,13%.
Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH cấp tỉnh thực hiện kiểm tra tại 2 Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH cấp huyện. Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH cấp huyện thực hiện kiểm tra giám sát được 13 lượt xã, kiểm tra 38 lượt tổ và 132 lượt khách hàng vay. Chủ tịch UBND cấp xã thực hiện kiểm tra được 148 ấp, 274 tổ tiết kiệm và vay vốn và 1.440 lượt hộ vay.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh- Trưởng ban Đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH Bến Tre Nguyễn Thị Bé Mười, tín dụng CSXH không chỉ là nguồn vốn ưu đãi, mà là niềm tin, là sự đồng hành của Nhà nước đối với những người dân yếu thế, là động lực, đòn bẩy để từng gia đình, người dân Bến Tre tự tin phát triển kinh tế tại quê hương, góp phần xây dựng một xã hội nông thôn tiến bộ, bình đẳng và hạnh phúc.
Vì vậy theo bà Mười, để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, thời gian tới Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Bến Tre cần tham mưu điều chỉnh kế hoạch kiểm tra, giám sát của Ban đại diện tỉnh; các thành viên Ban đại diện tập trung thực hiện kiểm tra, giám sát đảm bảo hoàn thành kế hoạch trước khi thực hiện sáp nhập; tập trung lãnh đạo hoạt động tín dụng chính sách đảm bảo phục vụ nhân dân thông suốt, không bị gián đoạn trong quá trình thực hiện chủ trương sáp nhập tỉnh, xã, bỏ cấp huyện.