"Sửa Luật Quản lý vốn nhà nước: Đòn bẩy mới cho doanh nghiệp thời kỳ chuyển mình"

Bài 3: Tăng cường quản lý, tạo động lực phát triển kinh tế trong giai đoạn mới

Bích Thuỷ

Dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp - một bước tiến thể chế quan trọng, thể hiện rõ định hướng cải cách mạnh mẽ, thúc đẩy hiệu quả đầu tư công và phát huy vai trò tiên phong của doanh nghiệp nhà nước trong giai đoạn mới.

Phát huy vai trò tiên phong của doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế thị trường hiện đại.
Phát huy vai trò tiên phong của doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế thị trường hiện đại.

Những điểm đột phá và cải cách mang tính nền tảng

Sau hơn 10 năm thực hiện, Luật 69/2014/QH13 về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp về cơ bản đã tạo nền tảng pháp lý cho việc quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, nhưng đến nay đã xuất hiện nhiều điểm không còn phù hợp. Thực tiễn đòi hỏi phải có một khung pháp lý mới, đảm bảo đồng bộ với Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư công, Luật Các tổ chức tín dụng và các văn bản pháp luật có liên quan khác…

Theo đó, Dự thảo Luật đã rà soát để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thực thi các quyết định của Luật số 69/2014/QH13/2014/QH13 đảm bảo phù hợp với thực tiễn và tuân thủ quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Dự thảo kế thừa những quy định đã áp dụng ổn định trong thực tiễn và phù hợp với Luật số 69/2014/QH13; sửa đổi, bổ sung nội dung mới để giải quyết những vướng mắc, bất cập trong thời gian qua cũng như đáp ứng yêu cầu quản lý trong thời gian tới.

Một trong những thay đổi căn bản của Luật sửa đổi lần này đó là Nhà nước thực hiện các quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm tương ứng với tỷ lệ sở hữu vốn góp tại doanh nghiệp bình đẳng với các nhà đầu tư khác, không can thiệp trực tiếp vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. 

Bên cạnh đó, Dự thảo Luật cũng đã nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh theo cơ chế thị trường bình đẳng hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật. Các vấn đề cụ thể giao cho Chính phủ quy định chi tiết đảm bảo linh hoạt phù hợp với thực tiễn và sự biến động phát triển của xã hội; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cắt giảm thủ tục đáp ứng nhu cầu quản lý và phát triển doanh nghiệp.

Về quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, Dự thảo Luật đã phân cấp mạnh mẽ. Theo đó, Hội đồng thành viên, Chủ tịch Công ty tự chịu trách nhiệm về việc huy động vốn bảo toàn và phát triển vốn nhà nước tại doanh nghiệp; được chủ động ban hành chiến lược kinh doanh 5 năm; hàng năm của doanh nghiệp; quyết định đầu tư, chính sách tiền lương, thù lao, tiền thưởng. Dự thảo cũng bổ sung quy định về việc cho vay công ty con vay vốn; xử lý lợi nhuận sau thuế đối với chi phí theo quy định của Luật chuyên ngành.

Với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% đến dưới 100% vốn điều lệ, dự thảo luật phân cấp cho người đại diện phần vốn Nhà nước chủ động quyết định nhiều nội dung theo thẩm quyền. Người đại diện chỉ báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu trước khi tham gia biểu quyết tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên đối với một số nội dung quan trọng.

Kỳ vọng vào sự thay đổi thực chất trong hoạt động của doanh nghiệp

Có thể nói, Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp được thông qua sẽ là bước ngoặt về thể chế, giúp doanh nghiệp nhà nước phát huy vai trò là lực lượng nòng cốt trong các ngành, lĩnh vực then chốt. Với cơ chế minh bạch, rõ ràng và phân quyền mạnh mẽ, doanh nghiệp sẽ có không gian phát triển, chủ động đầu tư, đổi mới công nghệ và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng sẽ là một công cụ quan trọng trong tiến trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của khu vực này. Luật sẽ đặt nền móng cho mô hình quản lý hiện đại, dựa trên các nguyên tắc thị trường, trách nhiệm giải trình, tách bạch rõ vai trò chủ sở hữu - điều hành.

Luật sẽ thúc đẩy một làn sóng đổi mới quản trị trong khối doanh nghiệp nhà nước, tạo điều kiện để các doanh nghiệp phát triển năng động, bền vững và đóng góp thiết thực vào tăng trưởng kinh tế đất nước.

Luật lần này không chỉ là sửa đổi kỹ thuật mà là một cuộc cải cách toàn diện về tư duy quản lý vốn công. Khi đi vào thực tế, sẽ tạo ra một nền tảng pháp lý ổn định và hiện đại để doanh nghiệp nhà nước thực sự là lực lượng nòng cốt trong các ngành kinh tế then chốt, đóng vai trò dẫn dắt đổi mới, sáng tạo, phát triển bền vững. Đồng thời, hiệu quả đầu tư vốn nhà nước sẽ được nâng cao thông qua các cơ chế kiểm soát rủi ro, đánh giá hiệu quả, tăng cường trách nhiệm giải trình.

Dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư công mà còn mở ra kỳ vọng lớn về một khu vực doanh nghiệp nhà nước năng động, minh bạch và có trách nhiệm, đồng hành cùng phát triển đất nước. Qua đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và thực hiện thành công các mục tiêu chiến lược của Đảng và Nhà nước.

 

Làm rõ các ý kiến thảo luận của đại biểu Quốc hội về Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp tại Hội trường sáng 13/5/2025, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, cơ quan soạn thảo đã hết sức cố gắng tiếp thu tối đa, cập nhật kịp thời, đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội và thể chế hóa đầy đủ các định hướng quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Làm rõ một số băn khoăn của đại biểu về giám sát, kiểm tra, thanh tra, đánh giá hiệu quả hoạt động đầu tư và quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, cùng với việc phân cấp, trao quyền tự chủ cho doanh nghiệp, Dự thảo Luật bổ sung quy định Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn chỉ đạo, tổ chức giám sát, kiểm tra, thanh tra các nội dung về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.