Xu hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các nước trên thế giới

Nguyễn Thị Hương - Cục trưởng Cục Thống kê (Bộ Tài chính)

Đối với mỗi quốc gia, chuyển dịch cơ cấu kinh tế là quá trình diễn ra thường xuyên và là động lực quan trọng để định hình sự phát triển của các quốc gia đó. Các nước thu nhập cao có cơ cấu kinh tế hiện đại, khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng rất cao trong GDP. Ngược lại, ở các quốc gia thu nhập thấp, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản thường chiếm tỷ trọng cao trong GDP.

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế là sự vận động và chuyển đổi của các ngành, các hoạt động, các loại hình kinh tế phù hợp với năng lực, trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, tương ứng với điều kiện kinh tế - xã hội trong các giai đoạn khác nhau. Trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, những nhóm ngành phát triển mạnh hơn, tỷ trọng sẽ tăng lên, ngược lại, những nhóm ngành kém phát triển hơn, tỷ trọng sẽ giảm.

Dưới các góc độ khác nhau, sự dịch chuyển cơ cấu kinh tế được phân thành nhiều loại: (1) Cơ cấu kinh tế theo ngành kinh tế dựa trên hoạt động sản xuất; (2) Cơ cấu kinh tế theo loại hình kinh tế dựa trên loại hình sở hữu; (3) Cơ cấu kinh tế theo vùng lãnh thổ; (4) Cơ cấu kinh tế dựa vào hoạt động đối ngoại xét theo hoạt động mở cửa và hội nhập của nền kinh tế…

Đối với mỗi quốc gia, chuyển dịch cơ cấu kinh tế là quá trình diễn ra thường xuyên và là động lực quan trọng để định hình sự phát triển của các quốc gia đó.

Ngân hàng Thế giới (WB) phân chia các quốc gia thành nhóm nước thu nhập cao, nhóm nước thu nhập trung bình và nhóm nước thu nhập thấp. Hình thái cấu trúc kinh tế đại diện cho trình độ phát triển của một quốc gia, là cơ sở để đánh giá một quốc gia thuộc nhóm thu nhập tương ứng.

Các nước thu nhập cao có cơ cấu kinh tế hiện đại, khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng rất cao trong GDP

Ở các nước thu nhập cao, nhóm ngành công nghiệp và dịch vụ đem lại nguồn thu lớn cho nền kinh tế, lao động có trình độ cao, cơ sở hạ tầng đầy đủ và hiện đại, nguồn vốn lớn đáp ứng được yêu cầu của quá trình phát triển. Đây là những quốc gia dẫn đầu trong các cuộc cách mạng công nghiệp trên thế giới và đang chuyển dần sang nền kinh tế tri thức. Nhóm quốc gia này có quy mô nền kinh tế lớn và tăng trưởng khá ổn định; cơ cấu kinh tế hiện đại, trong đó khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng rất cao trong GDP, thường chiếm từ 65% trở lên; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm từ 22-27%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng rất thấp, từ 1-2%.

Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, năm 2021, tỷ trọng khu vực dịch vụ của nhóm nước thu nhập cao chiếm 69,1%, tăng 3,7 điểm phần trăm so với năm 1997; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 22,5%, giảm 4,8 điểm phần trăm; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 1,4%, giảm 0,6 điểm phần trăm.

Điển hình về cơ cấu kinh tế của một số quốc gia thuộc nhóm thu nhập cao như: Mỹ (81,3%; 17,7%; 1%), Singapore (72%; 22%; 0,6%), Nhật Bản (71%; 27%; 1%), khu vực châu Âu (66%; 22%; 2%). 

Hình 1: Xu hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các quốc gia có thu nhập cao (%)

Nguồn: Cơ sở dữ liệu các chỉ tiêu phát triển – Ngân hàng Thế giới.
Nguồn: Cơ sở dữ liệu các chỉ tiêu phát triển – Ngân hàng Thế giới.

Tỷ trọng khu vực công nghiệp và xây dựng, khu vực dịch vụ có xu hướng tăng nhưng còn ở mức thấp tại các quốc gia thu nhập trung bình

Ở các quốc gia có mức thu nhập trung bình, nền kinh tế tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp, nền tảng công nghiệp và dịch vụ chưa phát triển mạnh mẽ, sử dụng nhiều lao động, nhiều nguyên liệu, vốn đầu tư… để sản xuất hàng hóa và dịch vụ.

Trong cơ cấu kinh tế của các nước thu nhập trung bình giai đoạn 1975-2023, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng từ 9-24%; tỷ trọng khu vực công nghiệp và xây dựng, khu vực dịch vụ có xu hướng tăng nhưng còn ở mức thấp, trong đó tỷ trọng khu vực công nghiệp trung bình từ 32-37%, tỷ trọng khu vực dịch vụ từ 42-54%.

Năm 2023, tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản của nhóm nước có thu nhập trung bình chiếm 8,8%, giảm 15,5 điểm phần trăm so với năm 1975; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 33,6%, giảm 7,4 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ chiếm 53,6%, tăng 5,3 điểm phần trăm. Điển hình về cơ cấu kinh tế của một số quốc gia thuộc nhóm thu nhập trung bình như: Thái Lan (8,6%; 33%; 58%), Kê-ny-a (21%; 17%; 55%), Mông Cổ (9,9%; 40%; 41%)…

Hình 2: Xu hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các quốc gia có thu nhập trung bình (%)

Nguồn: Cơ sở dữ liệu các chỉ tiêu phát triển – Ngân hàng Thế giới
Nguồn: Cơ sở dữ liệu các chỉ tiêu phát triển – Ngân hàng Thế giới

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản thường chiếm tỷ trọng cao trong GDP các quốc gia thu nhập thấp

Ở các quốc gia thu nhập thấp, nền kinh tế chưa phát triển, phụ thuộc nhiều vào sản xuất nông nghiệp. Do đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản thường chiếm tỷ trọng cao trong GDP, không chênh lệch nhiều so với tỷ trọng của khu vực công nghiệp và xây dựng, ở mức 24-34%; trong khi đó khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm từ 21-30% và khu vực dịch vụ chiếm từ 33-43%.

Năm 2023, tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 24,8%, giảm 9,2 điểm phần trăm so với năm 1997; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 23,1%, tăng 1,1 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ chiếm 32,7%, giảm 4,7 điểm phần trăm.

Điển hình về cơ cấu kinh tế của một số quốc gia/khu vực thuộc nhóm thu nhập thấp như: Ap-ga-nix-tan (35%; 23%; 43%); My-an-ma (23%; 38%; 39%); Ma-đa-gatx-ca (23%; 24%; 44%); khu vực Trung và Tây Phi (21%; 30%; 44%) …

Hình 3: Xu hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các quốc gia có thu nhập thấp (%)

Nguồn: Cơ sở dữ liệu các chỉ tiêu phát triển – Ngân hàng Thế giới
Nguồn: Cơ sở dữ liệu các chỉ tiêu phát triển – Ngân hàng Thế giới

Như vậy, ở các quốc gia thu nhập cao, cơ cấu kinh tế nhìn chung ổn định, không có sự dịch chuyển mạnh mẽ. Trong khi đó ở các quốc gia có thu nhập trung bình và thu nhập thấp, quá trình chuyển dịch kinh tế diễn ra theo từng giai đoạn phù hợp với đặc điểm kinh tế của mỗi quốc gia. Để gia nhập vào nhóm các nước có mức thu nhập cao hơn theo tiêu chí phân loại của Ngân hàng Thế giới, các nước cần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng đóng góp của ngành công nghiệp và dịch vụ, giảm tỷ trọng đóng góp của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản trong GDP. 

Tài liệu tham khảo:

  1. C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.26, phần 1, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1995, tr.179.
  2. Rostow, W.W. (1960), Các giai đoạn của mô hình tăng trưởng, Nhà Xuất bản Đại học Cambridge.
  3. Nurkse R., (1961), "Lý thuyết phát triển cân đối", Nhà Xuất bản Đại học Oxford.
  4. Phan Công Nghĩa (2007), "Cơ cấu kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế", Nghiên cứu thống kê cơ cấu kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, Nhà xuất bản Đại học Kinh tế Quốc dân.
  5. Ngân hàng Thế giới, “Cơ sở dữ liệu các chỉ tiêu phát triển chủ yếu”, https://databank.worldbank.org/source/world-development-indicators, truy cập ngày 28/4/2025.
  6. Cục Kinh tế Mỹ, https://www.bea.gov/data/gdp/gdp-industry, truy cập ngày 28/4/2025.