Mở rộng đầu ra cho gạo Việt sang thị trường Senegal

Bích Hà

Bản ghi nhớ về thương mại gạo không chỉ tăng cường quan hệ kinh tế, thương mại giữa Việt Nam - Senegal, mà còn góp phần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu cho gạo Việt.

Theo Bản ghi nhớ, phía Việt Nam nhất trí thúc đẩy xuất khẩu sang Senegal một lượng gạo là 100.000 tấn mỗi năm.
Theo Bản ghi nhớ, phía Việt Nam nhất trí thúc đẩy xuất khẩu sang Senegal một lượng gạo là 100.000 tấn mỗi năm.

Trong khuôn khổ chương trình chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Quốc hội và Phu nhân tới Senegal từ ngày 22 - 24/7/2025, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân đã tháp tùng Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trong một số hoạt động chính thức, ký Bản ghi nhớ về thương mại gạo với Senegal và có hoạt động tiếp xúc song phương với Bộ trưởng Bộ Công Thương Senegal.

Được sự ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam, ngày 23/7/2025, tại Lễ ký kết/trao đổi các văn kiện hợp tác giữa hai bên tại Phủ Thủ tướng Senegal, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân đã ký và trao đổi Bản ghi nhớ (MOU) về thương mại gạo với Bộ trưởng Bộ Công Thương Senegal Serigne Gueye Diop trước sự chứng kiến của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Thủ tướng Senegal Ousmane Sonko.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân đã ký và trao đổi MOU về thương mại gạo với Bộ trưởng Bộ Công Thương Senegal Serigne Gueye Diop trước sự chứng kiến của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Thủ tướng Senegal Ousmane Sonko.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân đã ký và trao đổi MOU về thương mại gạo với Bộ trưởng Bộ Công Thương Senegal Serigne Gueye Diop trước sự chứng kiến của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Thủ tướng Senegal Ousmane Sonko.

Việc ký kết MOU về thương mại gạo với Senegal có ý nghĩa quan trọng đối với 2 nước, nhằm đảm bảo an ninh lương thực, ổn định thị trường gạo, giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, các thảm họa thiên nhiên cho Senegal.

Cùng đó, thỏa thuận hợp tác này cũng nhằm tăng cường mối quan hệ kinh tế và thương mại tốt đẹp giữa 2 nước; góp phần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu gạo; tìm thêm đầu ra cho ngành hàng lúa gạo và người nông dân Việt Nam.

Theo Bản ghi nhớ, tùy thuộc vào điều kiện sản xuất và thị trường, cũng như giá cả quốc tế tại thời điểm giao dịch, phía Việt Nam nhất trí thúc đẩy xuất khẩu sang Senegal một lượng gạo là 100.000 tấn mỗi năm.

Các giao dịch mua/bán theo Bản ghi nhớ này được thực hiện thông qua các hợp đồng bằng văn bản được thỏa thuận và ký kết giữa đơn vị bán hàng và các nhà nhập khẩu Senegal, phù hợp với thông lệ, quy định thương mại quốc tế.

Cũng trong chương trình, chiều ngày 23/7, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân đã có buổi làm việc song phương với Bộ trưởng Bộ Công Thương Senegal Serigne Gueye Diop. Trong buổi bặp gỡ song phương, hai bên cho rằng kết quả hợp tác thương mại chưa tương xứng với tiềm năng và thống nhất sẽ tích cực phối hợp để thúc đẩy thương mại, đa dạng hóa các mặt hàng trao đổi, phối hợp trong các hoạt động xúc tiến thương mại.

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân và Bộ trưởng Serigne Gueye Diop.
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân và Bộ trưởng Serigne Gueye Diop.

Hai bên cũng nhất trí nghiên cứu, thúc đẩy các cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo mà Việt Nam có thế mạnh và Senegal đang có nhu cầu phát triển.

Bộ trưởng Serigne Gueye Diop cho biết, Senegal rất muốn học tập kinh nghiệm của Việt Nam. Việt Nam đã làm rất tốt việc hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ.

"Đề nghị phía Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp Senegal, đặc biệt là kinh nghiệm phát triển khu vực tư nhân", Bộ trưởng Serigne Gueye Diop đề nghị.

Cũng theo Bộ trưởng Serigne Gueye Diop, Senegal hiện đang trong giai đoạn chuyển đổi, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, nên rất cần học tập kinh nghiệm xây dựng chính sách phát triển kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài.

Chính vì vậy, đề nghị phía Việt Nam động viên, khuyến khích các doanh nghiệp, nhà đầu tư Việt Nam sang tìm hiểu thị trường Senegal, đầu tư vào các lĩnh vực Senegal đang cần như sản xuất nông nghiệp, chế biến nông sản, thực phẩm, thủy sản, dệt may, sản xuất hàng tiêu dùng, phát triển hạ tầng công nghiệp...

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cảm ơn Bộ trưởng Serigne Gueye Diop đã quan tâm, chỉ đạo việc ký kết MOU về thương mại gạo với Việt Nam. Thứ trưởng đề nghị Bộ Công Thương Senegal tích cực phối hợp với phía Việt Nam để triển khai hiệu quả Bản ghi nhớ.

Để thúc đẩy thương mại, Thứ trưởng đề nghị phía Senegal dành nhiều hơn sự quan tâm đối với thị trường Việt Nam, khuyến khích các doanh nghiệp Senegal tăng cường giao lưu với đối tác Việt Nam.

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân đề nghị Senegal cử đoàn doanh nghiệp sang Việt Nam để chứng kiến năng lực sản xuất, chế biến, chế tạo của Việt Nam, làm việc trực tiếp với các đối tác Việt Nam.

"Bộ Công Thương Việt Nam sẵn sàng phối hợp tổ chức các hoạt động kết nối giao thương, hội thảo xúc tiến đầu tư và chia sẻ thông tin về thị trường", Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh.