15 chi cục Dự trữ Nhà nước khu vực hoạt động hiệu lực, hiệu quả

Minh Đức

Từ ngày 1/7, cùng với việc mô hình chính quyền địa phương 2 cấp chính thức đi vào hoạt động, 15 chi cục Dự Nhà nước khu vực cũng được đảm bảo kiện toàn về mặt nhân sự và ổn định hoạt động theo sự phân cấp địa bàn quản lý mới.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận, Lãnh đạo Cục Dự trữ Nhà nước trao Quyết định bổ nhiệm, tặng hoa chúc mừng các đồng chí Chi Cục trưởng.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận, Lãnh đạo Cục Dự trữ Nhà nước trao Quyết định bổ nhiệm, tặng hoa chúc mừng các đồng chí Chi Cục trưởng.

Thực hiện chủ trương của Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả; Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12/4/2025 Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Tổng cục Dự trữ Nhà nước (nay là Cục Dự trữ Nhà nước) đã khẩn trương triển khai sắp xếp, điều chỉnh phạm vi quản lý các chi cục khu vực phù hợp với định hướng sáp nhập, hợp nhất các đơn vị hành chính cấp tỉnh.

Trước thời điểm ngày 1/3/2025, Tổng cục Dự trữ Nhà nước có 22 cục Dự trữ Nhà nước khu vực tại địa phương. Thực hiện chủ trương đổi mới, tinh gọn tổ chức bộ máy, kể từ ngày 1/3/2025, khi chuyển đổi mô hình tổ chức từ Tổng cục Dự trữ Nhà nước thành Cục Dự trữ Nhà nước theo mô hình hai cấp, các đơn vị đã được sắp xếp lại thành 15 Chi cục Dự trữ Nhà nước khu vực. 

 

Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, Cục Dự trữ Nhà nước đã kịp thời tham mưu cho Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành Nghị định số 126/2025/NĐ-CP ngày 11/6/2025.

Nghị định này có ý nghĩa quan trọng, tạo cơ sở pháp lý rõ ràng, đầy đủ cho việc phân cấp, phân quyền giữa Thủ tướng Chính phủ với Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan trong lĩnh vực dự trữ quốc gia, góp phần nâng cao tính chủ động, giảm thiểu thủ tục hành chính; đồng thời bảo đảm công tác dự trữ quốc gia được triển khai linh hoạt, kịp thời, hiệu quả trong mọi tình huống đột xuất, cấp bách.

Trên tinh thần chủ trương sáp nhập, hợp nhất các đơn vị hành chính cấp tỉnh của Đảng và Nhà nước, ngày 26/2/2025, Bộ trưởng Bộ Tài chính ký ban hành Quyết định số 383/QĐ-BTC quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Dự trữ Nhà nước.

Đáp ứng các yêu cầu trong tình hình mới, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 1892/QĐ-BTC ngày 30/5/2025 sửa đổi, bổ sung các quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của đơn vị thuộc Bộ Tài chính; Quyết định số 2018/QĐ-BTC ngày 11/6/2025 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 383/QĐ-BTC ngày 26/2/2025 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Dự trữ Nhà nước.

Theo đó, điều chỉnh về phạm vi địa bàn quản lý các chi cục Dự trữ Nhà nước đảm bảo phù hợp hơn. Cục Dự trữ Nhà nước có Công văn số 607/DTNN-TCCB ngày 13/6/2025 hướng dẫn về việc bố trí, sắp xếp, tổ chức bộ máy tại các đơn vị thuộc Chi cục Dự trữ Nhà nước khu vực theo Quyết định số 2018/QĐ-BTC.

Thời gian qua, Cục Dự trữ Nhà nước đã khẩn trương triển khai về sắp xếp về tổ chức bộ máy, nhiệm vụ, tài chính, tài sản và công tác nhân sự tại các Chi cục, đảm bảo hoàn thành trước ngày 1/7/2025.

Ngày 27/6/2025, tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ trọng tâm trong các tháng cuối năm, Cục Dự trữ Nhà nước đã trao quyết định cho 15 Chi cục trưởng, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2025. Theo báo cáo tại Hội nghị, thời gian qua, cùng với các nhiệm vụ sắp xếp tổ chức bộ máy, hoạt động của các chi cục vẫn được đảm bảo duy trì thường xuyên, hiệu quả.

Theo đó, đến hết ngày 25/6/2025, các chi cục Dự trữ Nhà nước khu vực đã nhập kho dự trữ quốc gia 215.343,1 tấn/220.000 tấn gạo, tương ứng 98% chỉ tiêu kế hoạch; trong đó, có 10 chi cục Dự trữ Nhà nước khu vực đã hoàn thành nhập kho 100% chỉ tiêu kế hoạch được giao.

Ông Bùi Tuấn Minh - Cục trưởng Cục Dự trữ Nhà nước nhấn mạnh: Sau thời gian tích cực triển khai, đến nay, việc chuyển đổi mô hình từ Tổng cục Dự trữ Nhà nước sang Cục Dự trữ Nhà nước theo mô hình hai cấp đã hoàn thành đúng tiến độ, bảo đảm tinh gọn, thông suốt, không gây xáo trộn trong công tác chuyên môn. Các quy trình nghiệp vụ, hạ tầng kỹ thuật, cơ sở vật chất, hệ thống công nghệ thông tin đã được điều chỉnh thống nhất, đồng bộ, tạo nền tảng vững chắc cho bộ máy mới đi vào hoạt động.