Siết chặt quản lý, thống nhất mức thu phí sử dụng mã, số viễn thông


Các tổ chức, doanh nghiệp được phân bổ mã, số viễn thông sẽ phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo khung phí, lệ phí mới do Bộ Tài chính quy định tại Thông tư số 55/2025/TT-BTC.

Quy định này nhằm minh bạch hóa quy trình quản lý, sử dụng kho số viễn thông; đồng thời tạo cơ sở pháp lý cho việc nộp phí, lệ phí theo quý từ 20/7 tới.

Thông tư số 55/2025/TT-BTC do Bộ Tài chính vừa ban hành, quy định mức thu, miễn, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí phân bổ và phí sử dụng mã, số viễn thông. 

Theo quy định tại Thông tư, người nộp lệ phí và phí sử dụng mã, số viễn thông là các tổ chức, cá nhân được cấp quyền sử dụng. Trong trường hợp có hoạt động chuyển nhượng quyền sử dụng mã, số viễn thông, bên nhận chuyển nhượng sẽ là người có nghĩa vụ nộp phí và lệ phí.

Cơ quan nhà nước có thẩm quyền phân bổ mã, số viễn thông đồng thời là tổ chức thu phí, lệ phí theo quy định. Mỗi lần được cấp mã, số viễn thông, tổ chức, cá nhân phải nộp lệ phí ở mức 350.000 đồng/lần. Phí sử dụng mã, số viễn thông được tính theo năm và phân loại cụ thể theo hình thức sử dụng.

Cụ thể, thuê bao cố định mặt đất nộp 300 đồng/số/tỉnh, thuê bao di động H2H dao động từ 1.000 - 4.000 đồng/số tùy theo tổng số lượng được phân bổ. Thuê bao vệ tinh, điện thoại Internet nộp 1.000 đồng/số và thuê bao M2M nộp 800 đồng/số. Mức phí cho mã nhà khai thác dao động từ 25 đến 100 triệu đồng/năm tùy theo số lượng chữ số, trong khi mã mạng di động có thể lên tới 500 triệu đồng/năm. Đáng chú ý, mã dịch vụ có mức phí cao nhất là 1 tỷ đồng/năm với mã 3 chữ số.

Đối với số dịch vụ nội vùng, mức phí dao động từ 5 đến 50 triệu đồng/năm; số dịch vụ toàn quốc từ 500 nghìn đồng đến 200 triệu đồng/năm; số dùng cho nhắn tin SMS từ 5 đến 500 triệu đồng/năm tùy độ dài. Ngoài ra, phí sử dụng mã DNIC là 50 triệu đồng/năm; mã báo hiệu quốc tế là 40 triệu đồng/năm, mã quốc gia là 20.000 đồng; mã nhận dạng mạng di động (MNC) là 50 triệu đồng/năm.

Thông tư cũng quy định rõ các trường hợp được miễn phí, lệ phí, bao gồm: mạng viễn thông dùng riêng phục vụ quốc phòng, an ninh, cơ yếu; phục vụ cứu hộ, phòng chống thiên tai, hỏa hoạn; mạng của cơ quan Đảng, Nhà nước; mạng của các cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế; các số dịch vụ khẩn cấp, đo thử, hỗ trợ khách hàng bắt buộc, số 1022 và các mã, số dùng chung theo quy hoạch kho số. Ngoài ra, số thuê bao di động H2H trúng đấu giá cũng được miễn phí sử dụng.

Về thời gian và phương thức nộp, người nộp lệ phí phải thực hiện nghĩa vụ tài chính tại thời điểm được phân bổ mã, số. Phí sử dụng được nộp theo quý, trước ngày đầu tiên của quý phải nộp. Trường hợp được phân bổ mới hoặc bổ sung, phí sẽ được tính từ quý phát sinh. Trường hợp hoàn trả mã, số thì vẫn phải nộp phí hết quý đó. Riêng quý II/2025 tiếp tục áp dụng theo Thông tư số 268/2016/TT-BTC; còn quý III/2025, hạn cuối nộp là ngày 30/9/2025.

Tổ chức thu phí có trách nhiệm nộp toàn bộ số tiền thu được vào tài khoản tạm giữ tại Kho bạc Nhà nước trước ngày 5 hằng tháng và thực hiện kê khai, quyết toán theo Thông tư số 74/2022/TT-BTC. Về quản lý, tổ chức thu phí được để lại 5% để trang trải chi phí hoạt động, 95% còn lại nộp vào ngân sách nhà nước. Trường hợp cơ quan thu không được khoán chi thì toàn bộ số thu sẽ nộp vào ngân sách, chi phí hoạt động do ngân sách đảm bảo theo dự toán được giao.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 20/7/2025. Đây là căn cứ quan trọng nhằm tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên viễn thông, đồng thời đảm bảo công bằng, minh bạch trong thu - nộp phí và lệ phí theo đúng quy định của pháp luật.