Thu hút FDI và mục tiêu tăng trưởng GDP hai con số:
Bài 1: Nhiều cơ hội sáng từ bối cảnh phát triển mới
Hoạt động thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang đứng trước nhiều cơ hội chuyển biến cả về chất và lượng, góp phần đẩy nhanh bứt phá tốc độ tăng trưởng và gia tăng hàm lượng giá trị cao cho nền kinh tế trong kỷ nguyên phát triển mới.

Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới với khát vọng tăng tốc để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 8% vào năm 2025 và phấn đấu đạt mức hai con số ở giai đoạn tiếp theo.
Trong bối cảnh này, hoạt động thu hút FDI đang đứng trước nhiều cơ hội chuyển biến cả về chất và lượng, góp phần đẩy nhanh bứt phá tốc độ tăng trưởng và gia tăng hàm lượng giá trị cao cho nền kinh tế trong kỷ nguyên phát triển mới.
Bức tranh thu hút FDI khả quan
Kết thúc năm 2024, nền kinh tế nước ta đã thu được thành quả đáng khích lệ, tăng trưởng GDP ước đạt trên 7%, mức tăng cao nhất so với các nước ASEAN; kim ngạch xuất - nhập khẩu hàng hóa ước đạt 800 tỷ USD, xuất siêu khoảng 24-25 tỷ USD.
Đặc biệt, hoạt động thu hút FDI đạt kỷ lục với tổng vốn đăng ký đạt 35 tỷ USD, vốn thực hiện đạt 25 tỷ USD. Bức tranh đầu tư FDI năm 2024 là điểm sáng rất tích cực, tạo đà cho tăng trưởng kinh tế và triển vọng rộng mở cơ hội thu hút FDI thế hệ mới trong năm 2025.
Tiếp đà tăng trưởng mạnh mẽ này, bước sang năm 2025, thu hút FDI tiếp tục ghi nhận xu hướng tăng khả quan. Tính đến hết tháng 5/2025, tổng vốn đầu tư đăng ký mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đạt gần 18,4 tỷ USD, tăng 51,2% so với cùng kỳ.
Vốn thực hiện của dự án ĐTNN ước đạt khoảng 8,9 tỷ USD, tăng 7,9% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn giữ vững vị thế dẫn đầu với 9,33 tỷ USD (tính cả vốn cấp mới và điều chỉnh), chiếm 60,1% tổng vốn đăng ký.
Theo đánh giá của Cục ĐTNN (Bộ Tài chính), dòng vốn FDI vào Việt Nam tiếp tục tăng trưởng tích cực trong bối cảnh có nhiều biến động của kinh tế toàn cầu là tín hiệu rất đáng mừng.
Đặc biệt, vốn đầu tư điều chỉnh tăng gấp 3,4 lần và vốn góp mua cổ phần tăng gấp 1,8 lần so với cùng kỳ, cùng số lượng dự án đầu tư mới, số lượt dự án điều chỉnh vốn, các giao dịch góp vốn mua cổ phần cũng đều tăng lên cho thấy niềm tin của nhà ĐTNN với môi trường đầu tư trong nước tiếp tục được củng cố và tăng cường, thể hiện ở việc gia tăng không chỉ nhà đầu tư đến đầu tư mới mà còn mở rộng quy mô hoạt động hiện hữu.
Cơ hội sáng từ bối cảnh mới
Theo GS. TSKH. Nguyễn Mại - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ĐTNN (VAFIE), năm 2025, có những tín hiệu tích cực đối với kinh tế nước ta. Theo đó, thu hút FDI cũng sẽ đứng trước nhiều cơ hội mới với những bước chuyển mới cả về chất và lượng, cụ thể như sau:
Thứ nhất, cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy và con người tạo tiền đề nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy thể chế. Đây là chủ trương của Đảng hợp với lòng dân, với kế hoạch hành động khoa học, nhanh và mạnh, tạo tiền đề nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy chính quyền, tổ chức xã hội.
Qua đó, góp phần đẩy nhanh, mạnh việc hoàn thiện thể chế, pháp luật và thực thi pháp luật, cải thiện hiệu quả môi trường đầu tư kinh doanh, khơi thông và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực trong nước và nước ngoài để gia tăng tốc độ tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, doanh nghiệp số, xã hội số.
Thứ hai, lợi thế về kinh tế, thương mại và đầu tư giúp gia tăng vị thế cho nền kinh tế, tăng sức hấp dẫn và năng lực cạnh tranh của Việt Nam.
Những diễn biến phức tạp, khó lường của thế giới trong thời gian gần đây như: căng thẳng thương mại giữa Mỹ với nhiều quốc gia, trong đó có Trung Quốc, EU do việc Mỹ công bố áp thuế đối ứng, các biện pháp trả đũa giữa Mỹ, EU và một số nước phương Tây với Nga, xung đột leo thang tại Trung Đông… ảnh hưởng lớn đến dòng lưu chuyển thương mại và vốn đầu tư quốc tế, buộc nhiều nước lớn phải điều chỉnh chiến lược đối ngoại về chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại và đầu tư.
Với các điều kiện thuận lợi và thế mạnh về môi trường đầu tư ổn định, có nhiều cải thiện tích cực, vai trò và vị thế chính trị - kinh tế trên trường quốc tế ngày càng gia tăng, điều này sẽ giúp mang lại các lợi thế lớn về quan hệ chính trị, ngoại giao, kinh tế của Việt Nam với nhiều nước lớn.
Vị thế của nước ta trong ASEAN, châu Á và thế giới nâng lên rõ rệt, 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước đã nâng quan hệ với Việt Nam lên Đối tác Chiến lược toàn diện.
Thêm vào đó, năm 2024, nước ta đã thu hút được nhiều dự án FDI trong lĩnh vực bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI), đồng thời nhận được sự quan tâm của nhiều tập đoàn nước ngoài đối với các dự án năng lượng tái tạo. Đây là những tiền đề khả quan để năm 2025 tiếp tục gia tăng triển vọng thu hút FDI lên mức cao hơn, tinh hơn và xanh hơn.
Thứ ba, 2025 là năm tiến hành đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng lần thứ XIV vào đầu năm 2026, tạo thế và lực cho đất nước cất cánh trong kỷ nguyên mới.
Trên cơ sở những yếu tố này, Chính phủ quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng GDP từ 8% trở lên năm 2025, tạo đà tăng tốc kinh tế trong Kế hoạch 5 năm 2026-2030 ở mức 2 con số/năm. Đây sẽ là những tiền đề và cơ hội tích cực để đẩy mạnh thu hút FDI trong năm 2025, mở đầu cho kỷ nguyên mới phát triển của Đất nước.