Chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ: Thích ứng để tìm cơ hội trong biến động

Bài 2: Tái cấu trúc chiến lược, không thể chỉ dựa vào một thị trường


Trong bối cảnh thương mại quốc tế đầy biến động, việc doanh nghiệp Việt Nam thay đổi tư duy kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và xây dựng nội lực đang trở thành yếu tố sống còn. Chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ là rào cản trước mắt, đồng thời cũng là phép thử quan trọng cho sức bền của doanh nghiệp trong tiến trình hội nhập toàn cầu.

cơ quan chức năng đang tích cực đề xuất các phương án đàm phán nhằm tìm ra giải pháp “win-win”, duy trì thị trường xuất khẩu và ổn định quan hệ thương mại hai bên. Ảnh: Internet.
cơ quan chức năng đang tích cực đề xuất các phương án đàm phán nhằm tìm ra giải pháp “win-win”, duy trì thị trường xuất khẩu và ổn định quan hệ thương mại hai bên. Ảnh: Internet.

Còn nhiều khó khăn

Trước sắc lệnh áp thuế đối ứng của Hoa Kỳ đối với hàng hóa nhập khẩu từ tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ có quan hệ thương mại, Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức. Với mức thuế cao được áp dụng cho một số mặt hàng chủ lực - đặc biệt là đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ, dệt may và linh kiện điện tử - bức tranh thương mại giữa Việt Nam và Mỹ đang đứng trước nhiều biến động.

Theo rà soát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), năm 2024, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ chiếm hơn 29% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, với các mặt hàng chủ lực như: Điện tử, dệt may, da giày, gỗ và sản phẩm gỗ, thủy sản, máy móc, thiết bị… Trong đó, nhiều ngành như gỗ, dệt may, thiết bị điện tử… có tỷ trọng xuất khẩu sang Hoa Kỳ lên tới trên 40%, thậm chí vượt 50%. Việc áp thuế ở mức cao đẩy giá thành sản phẩm tăng mạnh, khiến nhiều mặt hàng mất lợi thế cạnh tranh.

Ông Ngô Sỹ Hoài - Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam chia sẻ: Năm 2024, ngành Công nghiệp gỗ đã xuất khẩu vào thị trường Mỹ đạt kim ngạch trên 9 tỷ USD, chiếm khoảng 38–40% tổng kim ngạch nhập khẩu đồ gỗ của Hoa Kỳ.

Thời gian tới, ngành Gỗ xác định sẽ gặp nhiều khó khăn bởi ngoài mức thuế đối ứng còn chịu áp lực từ cuộc điều tra thương mại theo Mục 232 của Đạo luật Mở rộng Thương mại năm 1962, với lý do hàng nhập khẩu có thể đe dọa đến an ninh kinh tế quốc gia của Hoa Kỳ. Trong khi đó, nguyên liệu và bán thành phẩm vẫn tiếp tục bị điều tra, khiến các doanh nghiệp Việt Nam đứng trước tình thế bị động.

“Chúng tôi đang chuẩn bị tinh thần cho nhiều kịch bản có thể xảy ra, kể cả khả năng phía Hoa Kỳ tạm hoãn điều tra để mở ra cơ hội đàm phán,” ông Ngô Sỹ Hoài cho biết.

Không chỉ ngành Gỗ, nhiều ngành sản xuất khác như dệt may, da giày - vốn có biên lợi nhuận mỏng - cũng chịu ảnh hưởng nặng nề. Theo các chuyên gia, chỉ cần mức thuế tăng thêm 1-2% cũng đủ để nhiều doanh nghiệp phải hoạt động không lợi nhuận chỉ để duy trì dòng tiền và giữ việc làm cho người lao động. Trong khi đó, người tiêu dùng và các nhà phân phối tại Hoa Kỳ cũng không thể gánh toàn bộ phần thuế này, khiến nhiều đơn hàng có nguy cơ bị đình trệ để “nghe ngóng” tình hình.

Hiện tại, Việt Nam còn khoảng 90 ngày để thương lượng với phía Hoa Kỳ trước khi sắc lệnh thuế được chính thức áp dụng. Trong thời gian này, các hiệp hội ngành hàng và cơ quan chức năng đang tích cực đề xuất các phương án đàm phán nhằm tìm ra giải pháp “win-win”, duy trì thị trường xuất khẩu và ổn định quan hệ thương mại hai bên.

Biến thách thức thành cơ hội

Các chuyên gia kinh tế nhận định, sự kiện này là hồi chuông cảnh báo rõ ràng về xu hướng bảo hộ và rủi ro chính sách ngày càng tăng trong thương mại toàn cầu. Các thị trường xuất khẩu truyền thống, vốn từng được xem là “điểm tựa vàng”, giờ đây tiềm ẩn nhiều bất ổn.

Trong bối cảnh phải đối mặt với nhiều khó khăn, đây cũng có thể xem là thời điểm để các doanh nghiệp Việt Nam nhìn lại mô hình kinh doanh, đẩy mạnh đầu tư vào thiết kế, xây dựng thương hiệu, tiêu chuẩn hóa sản phẩm và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Các doanh nghiệp cũng cần có những chiến lược dài hạn như: Chuyển dịch một phần chuỗi cung ứng sang các thị trường tiềm năng như EU, Hàn Quốc, Trung Đông, Australia… Đây được đánh giá là bước đi cần thiết để gia tăng khả năng chống chịu và hướng tới sự phát triển bền vững.

Chính vì vậy, doanh nghiệp cần chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm theo chuẩn quốc tế, xây dựng năng lực phản ứng linh hoạt trước các thay đổi chính sách, đồng thời đa dạng hóa thị trường để giảm mức độ phụ thuộc. Đây là con đường không dễ đi, nhưng lại là lựa chọn duy nhất nếu muốn duy trì và phát triển lâu dài trong môi trường kinh tế toàn cầu đầy biến động.

Nhiều ý kiến cũng nhận định rằng, chính sách thuế đối ứng sẽ còn tiếp tục thay đổi theo chu kỳ chính trị và làn sóng bảo hộ nội địa tại các nền kinh tế lớn, đặc biệt là Hoa Kỳ. Do đó, các doanh nghiệp không thể chỉ tập trung vào giải pháp ngắn hạn mà cần xây dựng chiến lược tái cấu trúc toàn diện, bao gồm cả thị trường, sản phẩm và mô hình vận hành.

Ông Phạm Tấn Công – Chủ tịch VCCI khuyến nghị, doanh nghiệp cần tập trung vào bốn định hướng lớn sau:

Thứ nhất, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và chuỗi cung ứng thông qua việc tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như EVFTA, CPTPP, RCEP để thâm nhập sâu vào các thị trường tiềm năng như EU, Canada, Australia, đồng thời khai thác cơ hội tại Tây Nam Trung Quốc, Trung Đông, Mỹ Latinh và đẩy mạnh thị trường nội địa.

Thứ hai, tái cấu trúc chuỗi cung ứng và ngành công nghiệp hỗ trợ nhằm nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, kiểm soát chặt chẽ xuất xứ hàng hóa và phát triển các ngành công nghiệp nền tảng như hóa chất, vật liệu mới, logistics và công nghệ cao - từ đó giảm thiểu sự phụ thuộc vào nhập khẩu và hạn chế rủi ro thương mại.

Thứ ba, chủ động tham gia vào các chuỗi cung ứng chiến lược của Hoa Kỳ, đầu tư vào các lĩnh vực có tiềm năng lớn như công nghiệp bán dẫn, công nghiệp xanh và năng lượng tái tạo, với mục tiêu trở thành đối tác tin cậy thay thế Trung Quốc trong chuỗi giá trị toàn cầu - đây là cơ hội vàng mà Việt Nam cần nhanh chóng nắm bắt.

Cuối cùng, nâng cao năng lực thể chế và hạ tầng, cải thiện môi trường đầu tư, minh bạch hóa chính sách, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và hiện đại hóa hệ thống logistics - từ đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển một cách bền vững trong tương lai.

Dù phía trước còn nhiều bất ổn, nhưng nếu doanh nghiệp Việt Nam chủ động thích nghi và chuyển mình đúng hướng, thì “sau cơn giông sẽ là bầu trời mới” - nơi cơ hội vẫn luôn hiện hữu cho những ai chuẩn bị sẵn sàng./.