Loạt bài: Quốc hội với những quyết sách đột phá, "mở đường" cho giai đoạn phát triển mới

Bài 2: Từ tư duy quản lý đến kiến tạo phát triển

Trần Huyền

Giữa giai đoạn đất nước "bừng cháy" quyết tâm phát triển, cải cách thể chế, pháp luật không còn là lựa chọn mà đã trở thành mệnh lệnh từ thực tiễn. Với vai trò trung tâm lập pháp, Quốc hội đã đồng hành cùng Chính phủ chuyển đổi mạnh mẽ trong tư duy – từ quản lý đơn thuần sang kiến tạo phát triển. Sự đổi mới ấy được cụ thể hóa bằng loạt cơ chế, chính sách đột phá, kiến tạo nền tảng vững chắc, đưa Việt Nam chinh phục mục tiêu tăng trưởng kinh tế.

Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV thông qua 34 luật, 13 nghị quyết.
Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV thông qua 34 luật, 13 nghị quyết.

Cải cách mạnh mẽ, thực chất

Hiến pháp năm 2013, tại Điều 69, quy định rõ Quốc hội là cơ quan có quyền lập hiến, lập pháp – một vị trí trung tâm trong thiết chế quyền lực nhà nước. Với trọng trách cao cả ấy, Quốc hội đã không ngừng đổi mới công tác lập pháp, đặt nền móng vững chắc cho một hệ thống pháp luật chất lượng cao, tinh gọn, hiện đại, đủ sức phục vụ hiệu quả cho sự nghiệp quản lý quốc gia, đồng thời mở ra những cánh cửa rộng lớn để kiến tạo phát triển, thúc đẩy sự thịnh vượng bền vững của dân tộc trong kỷ nguyên mới – kỷ nguyên hội nhập và bứt phá.

Qua từng nhiệm kỳ, Quốc hội đã không ngừng đáp ứng yêu cầu phát triển, từng bước hoàn thiện thể chế quản lý kinh tế - xã hội. Từ Quốc hội khóa XI (2002–2007) với 84 Luật, Bộ luật được ban hành, đến khóa XII, XIII, XIV và hiện nay là khóa XV, số lượng và chất lượng văn bản pháp luật không ngừng gia tăng. Đó không chỉ là những con số, mà là minh chứng cho một hành trình bền bỉ kiến tạo thể chế, khơi thông điểm nghẽn, gỡ bỏ rào cản, đồng hành cùng nhân dân và doanh nghiệp trên con đường phát triển.

Đặc biệt, dưới sự lãnh đạo sáng suốt, đúng đắn, sát sao, kịp thời của Đảng mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm, Quốc hội, Chính phủ đã quán triệt sâu sắc và chỉ đạo phối hợp chặt chẽ, áp dụng triệt để đổi mới tư duy và phương thức tiến hành trong công tác xây dựng pháp luật.

Theo đó, các quy định được hoàn thiện theo hướng tăng cường phân cấp, phân quyền trên nguyên tắc “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, trong khi Trung ương – bao gồm Đảng, Quốc hội, Chính phủ giữ vai trò kiến tạo, hoàn thiện thể chế, kiểm tra và giám sát.

Cách làm trên bảo đảm rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ kết quả; loại bỏ cơ chế “xin - cho” vốn kìm hãm sự sáng tạo và làm chậm "dòng chảy" phát triển, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, làm chủ thể phát triển. Từ đó, chuyển đổi tư duy từ pháp luật thiên về quản lý sang kết hợp hài hòa giữa quản lý hiệu quả với kiến tạo phát triển, khuyến khích đổi mới sáng tạo, xóa bỏ hoàn toàn tư tưởng “không quản được thì cấm”. Tinh thần đó được thể hiện sâu sắc trong các đạo luật quan trọng như Luật Đầu tư công (sửa đổi), Luật Ngân sách nhà nước…

Quốc hội, Chính phủ cũng đã phối hợp hiệu quả tháo gỡ những điểm nghẽn về thể chế, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, giải phóng nguồn lực xã hội. Đặc biệt, việc kịp thời áp dụng kỹ thuật lập pháp mới – “một luật sửa nhiều luật” đã cho thấy tư duy cải cách quyết liệt, linh hoạt và hiệu quả, giúp giải quyết hàng loạt vướng mắc, khó khăn trong đầu tư, sản xuất, kinh doanh, rút ngắn tiến độ triển khai dự án, thúc đẩy tăng trưởng.

Điển hình như Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng cùng các Luật sửa 4, sửa 8, sửa 9 Luật trong các lĩnh vực đầu tư, tài chính – ngân sách... đã phản ánh tinh thần cải cách thực chất, phục vụ sát sườn lợi ích người dân và doanh nghiệp.

Kiến tạo "hành lang" phát triển

Trong các kỳ họp của Quốc hội, Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV đã đi vào lịch sử như một dấu ấn đặc biệt trong tiến trình lập pháp của đất nước. Với 34 Luật, 13 Nghị quyết được thông qua và 6 dự án Luật được cho ý kiến – đây là kỳ họp có khối lượng lập pháp lớn nhất từ trước đến nay. Trong thời gian ngắn nhưng khẩn trương, bài bản, Quốc hội đã chứng minh một tinh thần làm việc đầy trách nhiệm, hiệu quả, thể hiện rõ quyết tâm đổi mới tư duy và phương thức làm luật.

Công tác xây dựng pháp luật tại kỳ họp này được triển khai với tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng” nhưng vẫn bảo đảm cẩn trọng, kỷ cương, đúng quy định pháp luật, đặc biệt là giữ vững yêu cầu đổi mới mạnh mẽ trong tư duy và phương thức lập pháp. Trách nhiệm của từng cơ quan chủ trì được đề cao ở tất cả các khâu trong quy trình lập pháp, bảo đảm tính hiệu lực và hiệu quả.

Trước bối cảnh đất nước chuyển đổi mô hình tăng trưởng, dựa vào tri thức, công nghệ và đổi mới sáng tạo, Quốc hội dành sự quan tâm đặc biệt đến việc hoàn thiện thể chế cho các lĩnh vực này. Tại Kỳ họp thứ 9, nhiều đạo luật then chốt đã được thông qua, đặt nền móng cho khoa học, công nghệ trở thành động lực cốt lõi của phát triển đất nước, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong kỷ nguyên số như: Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt; Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp; Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp…

Không dừng lại ở đó, Quốc hội cũng xem xét thông qua các luật, nghị quyết nhằm hoàn thiện thể chế, pháp luật "mở đường" cho kiến tạo phát triển, khơi thông các nguồn lực, tạo đà để đất nước phát triển bứt phá, bước vào kỷ nguyên mới. 

Trong đó, phải nhắc đến Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân được Quốc hội thông qua ngay tại đợt 1 của kỳ họp. Đây là quyết sách đột phá với loạt cơ chế, chính sách đặc biệt nhằm cải thiện môi trường kinh doanh; hỗ trợ tiếp cận mặt bằng, tài chính, tín dụng, khoa học – công nghệ; thúc đẩy hình thành các doanh nghiệp vừa và lớn, doanh nghiệp tiên phong trong đổi mới sáng tạo... Nghị quyết này đã nhận được sự đồng tình cao của các đại biểu Quốc hội, được đánh giá là “cú hích” lớn cho khu vực kinh tế tư nhân – khu vực năng động và đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng.

Không chỉ dừng lại ở cải cách nội tại, Quốc hội còn thể hiện tầm nhìn chiến lược khi thông qua Nghị quyết về thành lập Trung tâm Tài chính quốc tế tại Việt Nam. Đây là quyết định có ý nghĩa đặc biệt, khẳng định vị thế và khát vọng hội nhập toàn diện của đất nước trên bản đồ tài chính toàn cầu. Trung tâm này kỳ vọng sẽ trở thành “cú hích” thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và đổi mới sáng tạo.

Bên cạnh đó, Quốc hội cũng quyết định đầu tư và điều chỉnh đầu tư vào các dự án trọng điểm về hạ tầng – từ cảng biển, sân bay, khu công nghiệp đến giao thông vùng – nhằm mở ra không gian phát triển mới, tạo liên kết vùng, nâng cao năng lực cạnh tranh kinh tế quốc gia. Các chính sách tài chính – ngân sách cũng được điều chỉnh linh hoạt, kịp thời, phục vụ hiệu quả cho công cuộc sắp xếp tổ chức bộ máy, miễn học phí, chi trả chế độ cho cán bộ, công chức…

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã nhấn mạnh rằng, Kỳ họp thứ 9 là dấu mốc quan trọng trong lịch sử lập Hiến, lập pháp của Quốc hội khóa XV. Tinh thần của Hội nghị Diên Hồng năm xưa đã thể hiện tại Hội trường Diên Hồng hôm nay. "Các quyết sách, đạo luật được thông qua tại Kỳ họp này có tính cách mạng, khởi đầu cho những cải cách thể chế một cách căn cơ, định hướng những nhiệm vụ cho giai đoạn phát triển mới của đất nước.", Chủ tịch Quốc hội đánh giá.

Có thể nói, trong kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, hệ thống pháp luật Việt Nam đã và đang trở thành “trụ cột” kiến tạo, nền tảng vững chắc đưa Việt Nam chinh phục những mục tiêu tăng trưởng kinh tế, tiến nhanh, tiến mạnh và bền vững trên hành trình hội nhập và phát triển.