Biến động Mỹ - Trung mở đường xuất khẩu cho cá rô phi Việt Nam
Hiện nay, Mỹ nằm trong top 5 thị trường nhập khẩu cá rô phi trên thế giới. Nếu thuế đối ứng của Mỹ đối với mặt hàng thủy sản của Trung Quốc tăng lên 245%, cá rô phi sẽ được Trung Quốc tiêu thụ nội địa, hoặc đưa sang các thị trường khác. Điều đó có thể sẽ là cơ hội để mở rộng thị trường xuất khẩu cá rô phi Việt Nam.

Tiềm năng vẫn còn bỏ ngỏ
Tính đến năm 2024, top 5 nước và vùng lãnh thổ xuất khẩu cá rô phi hàng đầu thế giới là Indonesia, Colombia, Trung Quốc, Brazil và Đài Loan (Trung Quốc).
Theo Cục trưởng Cục Thủy sản và Kiểm ngư (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) Trần Đình Luân, cá rô phi được nuôi ở khoảng 80 quốc gia, là một trong những loài cá thịt trắng thơm ngon, dinh dưỡng được nhiều thị trường trên thế giới ưa thích. Xu hướng thương mại của loài cá này đang tăng trưởng khi người tiêu dùng các quốc gia trên thế giới ngày càng ưa chuộng.
Trong gần 15 năm qua, kể từ năm 2010 đến nay, sức tiêu thụ cá rô phi thế giới tăng trưởng 5,4% sản lượng cá rô phi trên toàn thế giới, năm 2024 đạt khoảng 7 triệu tấn tăng 5% so với năm 2023. Trong đó, Trung Quốc là quốc gia đứng đầu về sản xuất cá rô phi sau đó đến các nước khác như Indonesia, Ai câp.
Diện tích nuôi cá rô phi ở nước ta cũng tăng nhanh. Nếu như năm 2012 chỉ đạt 19.219 ha thì đến năm 2024 diện tích nuôi cá rô phi trên cả nước đã đạt khoảng 42 nghìn ha với sản lượng 316 nghìn tấn. Đáng chú ý, xuất khẩu cá rô phi Việt Nam năm 2024 đã đạt hơn 30,9 triệu USD sang các thị trường.
Đánh giá về tiềm năng của ngành hàng cá rô phi xuất khẩu, ông Nguyễn Hoài Nam, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết: Dù Việt Nam không nằm trong số các quốc gia cung ứng nhiều cá rô phi sang Mỹ, song Mỹ vẫn đánh giá Việt Nam có nhiều tiềm năng xuất khẩu mặt hàng cá rô phi.
Tính đến năm 2024, top 5 nước và vùng lãnh thổ xuất khẩu cá rô phi hàng đầu thế giới là Indonesia, Colombia, Trung Quốc, Brazil và Đài Loan (Trung Quốc).
Ở chiều ngược lại, hiện Mỹ nằm trong top 5 thị trường nhập khẩu cá rô phi trên thế giới. Nếu thuế đối ứng của Mỹ đối với mặt hàng thủy sản của Trung Quốc tăng lên 245%, cá rô phi sẽ được Trung Quốc tiêu thụ nội địa, hoặc đưa sang các thị trường khác.
"Với diễn biến này, giá cá rô phi dự báo sẽ giảm trong ngắn hạn và doanh nghiệp Trung Quốc sẽ chuyển hướng sang các thị trường khác, gây áp lực đối với các nguồn cung khác, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, áp lực từ nguồn cung ở Trung Quốc cũng là cơ hội để Việt Nam mở rộng thị trường. Cơ hội để mở rộng thị trường xuất khẩu cá rô phi Việt Nam còn khá nhiều”, ông Nguyễn Hoài Nam nhận định.
Nâng tầm thành sản phẩm chủ lực
Cũng theo Cục trưởng Cục Thủy sản và Kiểm ngư, hiện nay các ngành hàng từ nuôi trồng thủy sản mặc dù có sản lượng lớn nhưng hiệu quả kinh tế chưa cao do giá bán còn thấp, rủi do dịch bệnh tăng…
Để tăng tính cạnh tranh và hiệu quả thì việc đa dạng hóa đối tượng, phương thức nuôi mà Việt Nam có lợi thế, góp phần chuyển đổi cơ cấu, tăng giá trị và hiệu quả sản xuất là phù hợp với định hướng chiến lượng phát triển ngành và mục tiêu của Chiến lược phát triển thuỷ sản Việt Nam đến năm 2030.
Trong các đối tượng thủy sản có tiềm năng thì cá rô phi hội tụ các điều kiện phát triển như: Có tiềm năng lớn để tăng sản lượng, nhu cầu thị trường trong và ngoài nước tăng nhanh, nuôi cá rô phi kết hợp hoặc luân canh với tôm nước lợ không những tạo sản phẩm cá rô phi chất lượng cao mà còn góp phần kiểm soát dịch bệnh trên tôm nuôi và phù hợp trong bối cảnh Việt Nam chịu tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng kéo theo gia tăng xâm nhập mặn…
Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong nghiên cứu, tổ chức sản xuất cá rô phi trong thời gian qua. Nhờ vậy, đã có sự tăng trưởng nhanh về diện tích nuôi, năng suất và sản lượng cá rô phi. Tuy vậy, còn bộc lộ nhiều bất cập trong tổ chức sản xuất, hạ tầng vùng nuôi, chất lượng sản phẩm và khó khăn về số lượng, chất lượng cá giống nên chưa tạo được sản lượng cá rô phi hàng hóa chất lượng cao, phần lớn sản phẩm cá rô phi chỉ được tiêu dùng trong nước.
“Gần đây, đã có một số doanh nghiệp tiên phong trong phát triển nuôi cá rô phi xuất khẩu. Tuy sản lượng xuất khẩu còn thấp nhưng đã bước đầu phát triển mở rộng thị trường, tạo động lực tăng sản lượng cá rô phi trong nước”, Cục trưởng Trần Đình Luân cho biết thêm.
Tuy nhiên, theo VASEP, hiện nay, việc tổ chức sản xuất cá rô phi còn manh mún, thiếu liên kết chặt chẽ giữa các khâu từ sản xuất giống, nuôi trồng đến chế biến và tiêu thụ. Điều này dẫn đến khó khăn trong việc kiểm soát chất lượng và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cá rô phi Việt Nam.
Việc áp dụng các tiêu chuẩn như VietGAP trong nuôi cá rô phi còn hạn chế, dẫn đến khó khăn trong việc đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
“Các doanh nghiệp Việt Nam cần đầu tư vào công nghệ, quản lý chất lượng và tuân thủ các quy định để đáp ứng yêu cầu này. Bên cạnh đó, việc đối mặt với các biện pháp phòng vệ thương mại, thuế chống bán phá giá hoặc các rào cản kỹ thuật khác có thể ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của cá rô phi Việt Nam tại Mỹ. Các doanh nghiệp cần theo dõi sát sao chính sách thương mại và có chiến lược ứng phó phù hợp", VASEP khuyến cáo.