Bình Thuận chủ động và quyết liệt chuyển đổi số đạt nhiều kết quả tích cực

Trang Nguyễn

Thực hiện Nghị quyết số 57- NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, đến nay, công tác chuyển đổi số tại tỉnh Bình Thuận đã đạt được một số kết quả tích cực, tạo tiền đề quan trọng để xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số và xã hội số. Bình Thuận phấn đấu đến năm 2030 nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số.

Chuyển đổi số tỉnh Bình Thuận đạt nhiều kết quả tích cực
Chuyển đổi số tỉnh Bình Thuận đạt nhiều kết quả tích cực

Tỉnh Bình Thuận đang chủ động, quyết liệt triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số theo Nghị quyết số 57- NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 18/3/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh (Khóa XIV) về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Theo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Thuận, tỉnh Bình Thuận đã ban hành chương trình hành động và kế hoạch triển khai thực hiện các nội dung cụ thể, phù hợp với điều kiện, đặc điểm của địa phương. Đến nay, toàn tỉnh Bình Thuận có 4.285 trạm thu phát sóng di động (BTS). Trong đó, có 1.002 trạm BTS 2G; 1.255 trạm BTS 3G; 1.944 trạm BTS 4G; 84 trạm BTS 5G.

Tỷ lệ dân số được phủ sóng mạng di động 3G, 4G đạt 99,9%. Tỷ lệ hộ gia đình có kết nối băng rộng cố định (internet cáp quang) đạt trên 97% với hơn 1,46 triệu số thuê bao điện thoại di động.

Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính đáp ứng tốt yêu cầu cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp với 100% văn bản được xử lý trên môi trường mạng ở cả 3 cấp (trừ văn bản mật); Hệ thống GIS phục vụ công tác quy hoạch Tỉnh; thành lập 697 tổ Công nghệ số cộng đồng (đạt tỷ lệ 100% thôn, khu phố) với 3.418 thành viên. Đưa sản phẩm thương mại điện tử 3 tỉnh Bình Thuận – Ninh Thuận – Lâm Đồng kết nối giao thương.

Đồng thời, tỉnh Bình Thuận đã triển khai thử nghiệm một số nền tảng phục vụ hoạt động của chính quyền, cũng như cung cấp tiện ích số cho người dân như: Hệ thống thông tin Điều hành chính quyền điện tử tỉnh (BinhThuan Egov); Trung tâm Điều hành đô thị thông minh (IOC) tỉnh, IOC La Gi; nền tảng trợ lý ảo phục vụ người dân, doanh nghiệp giải đáp TTHC; nền tảng họp trực tuyến; nền tảng tổng hợp, phân tích dữ liệu bằng công nghệ AI; nền tảng xây dựng CSDL dùng chung và Kho dữ liệu dùng chung của tỉnh; Cổng dữ liệu mở; Ứng dụng Công dân số Bình Thuận.

Ngoài ra, thương mại điện tử cũng đã từng bước được hình thành và phát triển tại Bình Thuận. Thanh toán không dùng tiền mặt được triển khai trong nhiều lĩnh vực, với nhiều hình thức đa dạng; dữ liệu công dân số được quan tâm phát triển. Công tác an toàn, an ninh thông tin mạng được tăng cường triển khai đảm bảo theo yêu cầu.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng về chuyển đổi số được quan tâm thực hiện thường xuyên, qua đó từng bước hoàn thiện nguồn nhân lực địa phương được trang bị kiến thức và kỹ năng cần thiết để tham gia vào quá trình chuyển đổi số.

Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 18/3/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (Khóa XIV) về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đặt mục tiêu: Đến năm 2030, kinh tế số chiếm 30% GRDP của tỉnh; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%; năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 8%; tỷ lệ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh sử dụng nền tảng chuyển đổi số đạt 90%; tỷ lệ dữ liệu số trong từng ngành, lĩnh vực đạt 90%; hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ tới 100% hộ gia đình, trường học, bệnh viện; tỷ lệ phổ cập dịch vụ mạng băng rộng di động 4G/5G đạt 100%...

Phát huy kết quả đã đạt được và thực hiện tốt mục tiêu Nghị quyết số 10-NQ/TU trong thời gian tới, tỉnh Bình Thuận sẽ tiếp tục tập trung vào các giải pháp như: Tập trung nguồn lực xây dựng cơ sở dữ liệu tỉnh và phát triển Trung tâm Điều hành đô thị thông minh trong năm 2025 làm nền tảng và thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số cho các năm tiếp theo, song song với việc tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức và người dân về chuyển đổi số.

Đồng thời, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ hạ tầng về công nghệ thông tin; xây dựng bộ chỉ số đánh giá hiệu quả ứng dụng chuyển đổi số phù hợp với đặc điểm và điều kiện thực tế của tỉnh. Về nguồn nhân lực, tỉnh sẽ tăng cường sử dụng đội ngũ cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin tại các cơ quan, tổ chức để vận hành và quản lý hệ thống chuyển đổi số song song với việc huy động nguồn lực từ ngân sách nhà nước, nguồn xã hội hóa và tài trợ hợp pháp để phát triển hệ thống phần mềm và triển khai các dịch vụ chuyển đổi số.

Có thể thấy, với tinh thần chủ động và quyết liệt, chuyển đổi số tại tỉnh Bình Thuận đã đạt được những kết quả khả quan, đem lại nhiều kỳ vọng trong việc tạo bước đột phá góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững.