Cải thiện chất lượng và năng suất lao động từ nguồn nhân lực chất lượng cao bên ngoài
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP), trong đó có năng suất lao động (NSLĐ) vào tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2024 đã được cải thiện đáng kể. Dù vậy, năm 2025, trong bối cảnh nền kinh tế cần thêm những mô hình động lực tăng trưởng mới thì bài toán cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao NSLĐ, tăng hàm lượng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo cần phải được chú trọng đẩy mạnh hơn nữa.

Đánh giá tổng quan về thị trường lao động việc làm và NSLĐ trong Báo cáo Kinh tế Việt Nam thường niên 2024 do Đại học Kinh tế quốc dân công bố trung tuần tháng 4 vừa qua nhận định, NSLĐ của toàn nền kinh tế năm 2024 theo giá hiện hành ước đạt 221,9 triệu đồng/lao động (tương đương 9.182 USD/lao động, tăng 726 USD so với năm 2023).
Tính trung bình giai đoạn 2022 - 2024, Việt Nam là nền kinh tế có NSLĐ tăng trưởng đạt 4,36%/năm và đã dần rút ngắn khoảng cách về NSLĐ so với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, mặc dù khoảng cách này vẫn còn khá xa. Cụ thể, trong năm 2024, NSLĐ của Việt Nam chỉ hơn Lào, Myanmar và Campuchia, nhưng vẫn thấp hơn so với Philippines và Indonesia; chỉ bằng 2/3 so với Thái Lan, 1/3 so với Malaysia và 1/7 so với Singapore.
Cũng theo báo cáo này, trong các ngành kinh tế nói chung, ngành công nghiệp - xây dựng luôn có NSLĐ cao nhất, đạt khoảng 250 triệu đồng/lao động, tiếp đến là ngành dịch vụ đạt khoảng 235 triệu đồng/lao động và thấp nhất là NSLĐ trong ngành nông nghiệp, chỉ đạt gần 100 triệu đồng/lao động.
Theo đánh giá, thị trường lao động cả nước nhìn chung vẫn tiếp tục xu hướng phục hồi. Tuy nhiên, chất lượng cung lao động còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng cho cầu lao động của một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập. Cả nước mới chỉ có 28,8% lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ; thiếu cả về số lượng và trình độ chuyên môn kỹ thuật, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Chưa kể, việc chuyển dịch cơ cấu lao động từ khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản sang khu vực công nghiệp và xây dựng, khu vực dịch vụ ngày càng tăng, nhưng nhìn chung mô hình tăng trưởng kinh tế vẫn chủ yếu dựa vào nguồn lực vốn; chất lượng và NSLĐ chưa cao, vẫn thiếu vắng vai trò của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và kinh tế số.
Trong bối cảnh chuyển dịch lao động, nhất là xu hướng chuyển đổi số nền kinh tế đã và đang diễn ra mạnh mẽ với lực lượng lao động tham gia nhiều hơn vào các hoạt động thương mại điện tử, du lịch trực tuyến, truyền thông trực tuyến và vận tải trực tuyến…, nhóm chuyên gia của Đại học Kinh tế quốc dân khuyến nghị về việc cải thiện NSLĐ. Theo đó, Việt Nam cần chú trọng hơn công tác đào tạo nguồn nhân lực, có chiến lược và kế hoạch cung cấp về giáo dục, đào tạo theo hướng đổi mới, hiện đại hóa chương trình, chuyển mạnh sang đào tạo theo nhu cầu xã hội. Có như vậy mới trang bị để mọi người dân đều có được những kỹ năng và kiến thức cần thiết tham gia vào nền kinh tế số.
Ngoài ra, cần có những cơ chế chính sách đột phá để thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao từ bên ngoài làm “đòn bẩy” cải thiện chất lượng nguồn nhân lực và NSLĐ trong nước. Theo đó, khuyến khích các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI đầu tư mạnh vào các lĩnh vực thâm dụng công nghệ, chủ động thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao từ bên ngoài. Điều này là đặc biệt cần thiết khi Việt Nam mở cửa thị trường vốn và nhà đầu tư nước ngoài sẽ chỉ yên tâm khi họ có những lao động chất lượng, đáng tin cậy tham gia vào các hoạt động quản lý, vận hành doanh nghiệp.
“Việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao bên ngoài không chỉ tập trung vào trong khu vực doanh nghiệp, mà còn phải mở rộng sang cả khu vực giáo dục, đào tạo và nghiên cứu. Nguồn nhân lực chất lượng cao từ bên ngoài sẽ góp phần thúc đẩy cải thiện chất lượng nguồn nhân lực trong nước một cách nhanh chóng hơn thay vì chỉ trông đợi vào nguồn nhân lực trong nước” - báo cáo nhận định và gợi mở khuyến nghị./.