Cần mạnh tay xử lý nạn giả mạo cơ quan nhà nước để lừa đảo
Thời gian vừa qua, liên tiếp xảy ra tình trạng giả mạo văn bản, Website, Fanpage hay thậm chí là con dấu chữ ký của Lãnh đạo cơ quan nhà nước để lừa đảo. Có thể thấy, loại tội phạm này đang có xu hướng gia tăng, làm ảnh hưởng lớn đến uy tín các cơ quan, tổ chức cũng như an ninh trật tự, an toàn xã hội, vì vậy rất cần các cơ quan chức năng có giải pháp hữu hiệu xử lý triệt để hành vi này.
Mới đây, Bộ Tài chính đã lên tiếng cảnh báo về tình trạng giả mạo văn bản, con dấu chữ ký Lãnh đạo, Website, Fanpage của Bộ Tài chính để các đối tượng lừa đảo, yêu cầu người dân chuyển tiền thông qua các website, fanpage giả mạo này.

Đáng nói, đây không phải lần đầu tiên. Trước đó, ngày 31/3/2025, Bộ Tài chính đã cảnh báo về trang Facebook có tên "Tiếp nhận Xử lý Thu hồi và Hoàn Trả Vốn Treo" sử dụng hình ảnh, thông tin của Bộ Tài chính, tự nhận là đại diện Bộ Tài chính "thu hồi tiền" cho các nạn nhân bị lừa đảo qua mạng.
Trang mạo danh này dùng thủ đoạn yêu cầu người dân nhắn tin cung cấp thông tin cá nhân và chuyển một khoản tiền “lệ phí” hoặc “chi phí xử lý” để nhận lại số tiền đã bị mất. Tuy nhiên, sau khi nhận được tiền, trang này không thực hiện bất kỳ thao tác hỗ trợ hay liên hệ giải quyết nào.
Bộ Tài chính khẳng định, trang Facebook “Tiếp nhận Xử lý Thu hồi và Hoàn Trả Vốn Treo” (hoặc tương tự) là trang giả mạo.
Bộ Tài chính khuyến cáo người dân, doanh nghiệp cảnh giác cao, tránh bị các đối tượng xấu lừa đảo. Tuyệt đối không làm theo hướng dẫn từ các thông tin, bài đăng tải trên trang Facebook nêu trên. Đồng thời, khi phát hiện có dấu hiệu lừa đảo cần tố giác với cơ quan chức năng để tránh thiệt hại đáng tiếc xảy ra.

Là đơn vị báo chí thuộc Bộ Tài chính, mới đây, Tạp chí Kinh tế - Tài chính cũng đã đăng tải thông tin cảnh báo về việc xuất hiện các fanpage giả mạo Tạp chí trên nền tảng mạng xã hội, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho người dùng. Mặc dù đã có những cảnh báo, song các đối tượng đứng sau các trang giả mạo vẫn ngang nhiên hoạt động với thủ đoạn ngày càng tinh vi.
Các trang giả mạo sử dụng tên gọi gần giống, logo, hình ảnh và giao diện tương tự Fanpage chính thức, khiến nhiều độc giả nhầm tưởng đây là kênh thông tin đáng tin cậy của Tạp chí. Hành vi giả mạo fanpage không chỉ vi phạm nghiêm trọng quyền sở hữu trí tuệ mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến hình ảnh, uy tín và chức năng của Tạp chí Kinh tế - Tài chính.
Không chỉ riêng Bộ Tài chính, nhiều bộ, ngành khác, trong đó có Bộ Công Thương, Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân, Bộ Giáo dục và Đào tạo, cơ quan Bảo hiểm xã hội, Thuế, Kho bạc Nhà nước... cũng đã lên tiếng và cảnh báo về việc bị các đối tượng làm giả thông tin, văn bản, website nhằm mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân.
Từ các vụ việc giả mạo trên cho thấy, hiện nay tin giả đã không chừa một tổ chức, cá nhân nào với mục đích củng cố niềm tin, dụ dỗ người dân, doanh nghiệp nhằm chiếm đoạt tài sản, đồng thời, làm giảm uy tín của các bộ, ngành.
Thời gian qua, lực lượng công an đã và đang tập trung triệt phá các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Mặc dù nhiều biện pháp giữ an toàn, lành mạnh trên hệ thống mạng tại Việt Nam đã được triển khai đồng bộ nhưng các đối tượng phạm tội vẫn có thể dễ dàng lừa đảo chiếm đoạt tài sản của một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân do sự chủ quan, thiếu cảnh giác, thiếu đề phòng.
Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ số như hiện nay, loại tội phạm này chắc chắn sẽ tiếp tục tìm những “kẽ hở” để sinh sôi, nảy nở, làm ảnh hưởng lớn đến uy tín các cơ quan, tổ chức cũng như an ninh trật tự, an toàn xã hội, ảnh hưởng đến chiến lược chuyển đổi số toàn diện của nước ta. Vì vậy, rất cần các cơ quan chức năng có giải pháp ngăn chặn hữu hiệu, xử lý triệt để hành vi này.
Theo Khoản 126 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ Luật Hình sự 2017 quy định tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức. Người làm giả con dấu, tài liệu của của cơ quan nhà có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức cao nhất là 7 năm tù, ngoài ra còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.