Cần thiết bỏ quy định cơ chế quản lý tài chính đào tạo lái xe cơ giới đường bộ

Trần Huyền

Do thực tiễn áp dụng không còn phù hợp hoặc đã được quy định tại văn bản quy phạm pháp luật khác, Bộ Tài chính đề xuất bãi bỏ toàn bộ Thông tư liên tịch số 72/2011/TTLT-BTC-BGTVT ngày 27/5/2011 của Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính đào tạo lái xe cơ giới đường bộ.

Bộ Tài chính đề xuất bãi bỏ toàn bộ Thông tư liên tịch số 72/2011/TTLT-BTC-BGTVT hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính đào tạo lái xe cơ giới đường bộ. Ảnh: internet
Bộ Tài chính đề xuất bãi bỏ toàn bộ Thông tư liên tịch số 72/2011/TTLT-BTC-BGTVT hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính đào tạo lái xe cơ giới đường bộ. Ảnh: internet

Qua rà soát, Bộ Tài chính nhận thấy nội dung quy định tại Thông tư liên tịch số 72/2011/TTLT-BTC-BGTVT không còn phù hợp, đã được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật có pháp lý cao hơn hoặc văn bản hướng dẫn của Bộ quản lý ngành đang có hiệu lực thi hành như: Luật Giá; Nghị định số 160/2024/NĐ-CP ngày 18/12/2024 của Chính phủ; Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ…

Điển hình như quy định về xây dựng mức thu học phí các hạng giấy phép lái xe tại Thông tư trích dẫn theo quy định tại điều 59, điều 62 Luật Giao thông đường bộ số 23/2008/QH12 nay đã bị bãi bỏ tại Luật Trật tự an toàn giao thông.

Các học phần học (lý thuyết, thực hành) quy định tại Thông tư này cũng đã được quy định tại Thông tư số 35/2024/TT-BGTVT ngày 15/11/2024 của Bộ Giao thông vận tải quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; cấp, sử dụng giấy phép lái xe quốc tế; đào tạo, kiểm tra, cấp chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ.

Đối với học phí đào tạo lái xe, Thông tư quy định thực hiện theo quy định của pháp luật về giá và pháp luật về giáo dục, giáo dục nghề nghiệp. Luật Giá quy định việc định giá của Nhà nước đối với học phí, giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo, giáo dục nghề nghiệp được thực hiện theo quy định của pháp luật về giáo dục, giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp.

Trong khi đó, Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ quy định, mức học phí đối với các chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo thường xuyên, đào tạo kỹ năng và các chương trình đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn khác do các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ động xây dựng và quy định mức thu theo sự đồng thuận giữa người học và cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình với người học, xã hội.

Do đó, học phí đào tạo lái xe thực hiện theo cơ chế giá theo quy định pháp luật về giá và pháp luật về giáo dục, giáo dục nghề nghiệp.

Về phương thức thu học phí, Bộ Tài chính cho biết, căn cứ Luật Trật tự an toàn giao thông, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Thông tư số 35/2024/TT-BGTVT ngày 15/11/2024. Thông tư này quy định, cơ sở đào tạo ký hợp đồng đào tạo với người học lái xe ô tô gồm các nội dung chính sau: Hạng giấy phép lái xe đào tạo; địa điểm đào tạo; thời gian hoàn thành khóa học; mức học phí và phương thức thanh toán học phí; trách nhiệm bồi thường thiệt hại của mỗi bên khi vi phạm hợp đồng; thanh lý hợp đồng; các thỏa thuận khác không trái pháp luật và đạo đức xã hội.

Do vậy, căn cứ loại hình hoạt động của cơ sở đào tạo lái xe, căn cứ quy chế hoạt động hoạt động của đơn vị, các cơ sở đào tạo lái xe xác định mức thu học phí và phương thức thanh toán học phí đúng quy định. Trường hợp dịch vụ đào tạo lái xe thuộc danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thực hiện theo hình thức đặt hàng, giá dịch vụ thực hiện quy định pháp luật về giá, theo đó pháp luật về giá đã quy định về thẩm quyền, phương pháp, trình tự định giá.

Đối với nội dung chi, Bộ Tài chính cho hay, việc quy định cụ thể nội dung chi của cơ sở đào tạo lái xe thực hiện theo quy định tại pháp luật về doanh nghiệp, pháp luật hợp tác xã và pháp luật đơn vị sự nghiệp (Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ).

Ngoài các nội dung trên, hiện nay, cơ chế tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện theo quy định của Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn. Cơ chế tài chính của doanh nghiệp thực hiện theo quy định của pháp luật doanh nghiệp. Cơ chế tài chính của hợp tác xã thực hiện theo quy định của pháp luật về hợp tác xã.

Nghị định số 160/2024/NĐ-CP của Chính phủ cũng đã quy định, cơ sở đào tạo lái xe là loại hình doanh nghiệp hoặc hợp tác xã hoặc cơ sở giáo dục. Như vậy, quy định về cơ chế quản lý tài chính đối với cơ sở đào tạo lái xe công lập và ngoài công lập tại Thông tư đã được quy định tại Nghị định số 160/2024/NĐ-CP của Chính phủ, pháp luật về đơn vị sự nghiệp, pháp luật hợp tác xã, pháp luật doanh nghiệp.

Từ thực tiễn nêu trên, Bộ Tài chính đã hoàn thiện và đang lấy ý kiến rộng rãi dự thảo Thông tư bãi bỏ Thông tư liên tịch số 72/2011/TTLT-BTC-BGTVT ngày 27/5/2011 của Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính đào tạo lái xe cơ giới đường bộ.