Đề xuất thí điểm nhiều chính sách đặc thù, tạo đột phá phát triển TP. Hải Phòng

Trần Huyền

Để tạo động lực tăng trưởng mới, phát huy hết vai trò, vị thế và tiềm năng lợi thế của TP. Hải Phòng, Chính phủ đề xuất thí điểm nhiều cơ chế, chính sách đặc thù nhằm khơi thông các điểm “nghẽn”, tạo đột phá phát triển kinh tế - xã hội Thành phố. Từ đó, tạo động lực lan toả trong vùng Đồng bằng sông Hồng và đóng góp lớn hơn vào tốc độ tăng trưởng kinh tế của cả nước.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại phiên họp.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại phiên họp.

Khơi thông điểm “nghẽn”, tạo đột phá

 

Sơ kết 03 năm thực hiện Nghị quyết số 35/2021/QH15 của Quốc hội cho thấy một số cơ chế, chính sách đã thực hiện đạt được kết quả nhất định nhưng chưa tạo ra sự phát triển đột phá của Thành phố. Một số cơ chế, chính sách chờ văn bản hướng dẫn nên triển khai chậm; còn thiếu các cơ chế, chính sách đặc thù mang tính vượt trội, đột phá, có tính động lực lan tỏa.

Sáng 17/4/2025, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 35/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hải Phòng.

Báo cáo tóm tắt về dự thảo nghị quyết, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị đã chỉ ra rằng TP. Hải Phòng đã đạt được một số kết quả nổi bật về phát triển kinh tế, xã hội, tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn đạt mức cao. Thành phố đã khẳng định vai trò là động lực phát triển kinh tế đóng góp cho phát triển tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, phát triển liên kết vùng Đồng bằng sông Hồng nói riêng và cả nước nói chung.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: Đóng góp cho cả nước chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; quy mô kinh tế,  cơ cấu nguồn thu chưa bền vững chủ yếu dựa vào đầu tư  trực tiếp nước ngoài (FDI); quy hoạch, đô thị, đất đai, kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội chưa đồng bộ; khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo chưa thực sự đột phá…

Sơ kết 03 năm thực hiện Nghị quyết số 35/2021/QH15 của Quốc hội cho thấy một số cơ chế, chính sách đã thực hiện đạt được kết quả nhất định nhưng chưa tạo ra sự phát triển đột phá của Thành phố. Một số cơ chế, chính sách chờ văn bản hướng dẫn nên triển khai chậm; còn thiếu các cơ chế, chính sách đặc thù mang tính vượt trội, đột phá, có tính động lực lan tỏa.

Do đó, việc ban hành Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 35/2021/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hải Phòng để khơi thông các điểm “nghẽn”, tạo đột phá, có sức lan toả lớn trong vùng Đồng bằng sông Hồng và đóng góp lớn hơn vào tốc độ tăng trưởng kinh tế của cả nước là cần thiết và phù hợp với mục tiêu Bộ Chính trị đã đặt ra tại Nghị quyết số 45-NQ/TW, Kết luận số 96-KL/TW.

Phân cấp, phân quyền tối đa 

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định 6 nhóm chính sách lớn với 41 chính sách cụ thể, bao gồm: Quản lý đầu tư (2 chính sách); Quản lý tài chính, ngân sách nhà nước (4 chính sách); Quản lý quy hoạch, đô thị, tài nguyên, môi trường (9 chính sách); Quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo (8 chính sách); Thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc TP. Hải Phòng quản lý (1 chính sách); Thành lập và các cơ chế, chính sách trong Khu Thương mại tự do thế hệ mới tại TP. Hải Phòng (17 chính sách).

Trong đó, Chính phủ đề xuất phân cấp, phân quyền cho UBND TP. Hải Phòng trong chấp thuận chủ trương, điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng bến cảng, khu bến cảng có quy mô vốn đầu tư từ 2.300 tỷ đồng trở lên thuộc cảng biển Hải Phòng. Chính sách này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương chủ động, linh hoạt, thu hút các nhà đầu tư vào đầu tư xây dựng các khu bến cảng theo quy hoạch được duyệt trong thời gian sớm nhất; sớm đưa các dự án vào vận hành khai thác; tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Chính phủ cũng đề xuất cho phép Thành phố được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ vay về cho Thành phố vay lại với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 120% số thu ngân sách Thành phố được hưởng theo phân cấp. Tổng mức vay và bội chi ngân sách Thành phố hàng năm do Quốc hội quyết định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Bộ trưởng cho hay, chính sách đã được Quốc hội cho phép tại Nghị quyết số 35/2021/QH15. Tuy nhiên, để TP. Hải Phòng tiếp tục có thêm dư địa vay và phù hợp với bối cảnh thực hiện đẩy mạnh cơ chế phân cấp cho chính quyền địa phương trong việc chủ động huy động nguồn lực để đầu tư, thay vì hỗ trợ từ ngân sách trung ương, việc đề xuất cơ chế đặc thù cho phép nâng mức nợ vay của ngân sách thành phố không vượt quá 120% là cần thiết để đáp ứng nhu cầu huy động nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội quan trọng của Thành phố và vùng, góp phần vào mục tiêu tăng trưởng cao trong giai đoạn 2026 - 2030.

Liên quan đến khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, Chính phủ đề xuất cho thí điểm các chính sách ưu đãi về thuế đối với hoạt động khởi nghiệp sáng tạo đối với doanh nghiệp, các nhân, tổ chức trên địa bàn thành phố như: Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời hạn 10 năm; Miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp của các cá nhân, tổ chức có khoản thu nhập từ chuyển nhượng vốn góp, quyền góp vốn vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn Thành phố; Miễn thuế thu nhập cá nhân trong thời hạn 10 năm đối với thu nhập từ lương, tiền công đối với chuyên gia, nhà khoa học, cá nhân khởi nghiệp sáng tạo.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, TP. Hải Phòng xác định lĩnh vực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực mới trong thời gian tới. Do đó, việc lựa chọn chính sách sẽ tạo cơ chế đủ mạnh để hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, tổ chức khoa học và công nghệ, tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; tạo động lực thu hút chuyên gia, nhà khoa học và nguồn vốn từ bên ngoài, thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực ưu tiên. Chính sách này tương tự chính sách đã được Quốc hội cho phép áp dụng đối với TP. Hồ Chí Minh.

Tại dự thảo, Chính phủ cũng đề xuất thí điểm thành lập và tổ chức hoạt động Khu thương mại tự do thế hệ mới tại TP. Hải Phòng. Nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư, thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong Khu thương mại tự do thế hệ mới Hải Phòng, dự thảo Nghị quyết quy định một số chính sách đặc thù ưu đãi: Đơn giản hóa thủ tục hành chính trong thủ tục đầu tư, kinh doanh; thủ tục xuất nhập khẩu; thủ tục xuất nhập cảnh, tạm trú và giấy phép lao động; Thủ tục đất đai, đầu tư xây dựng; Tối ưu hóa ưu đãi đầu tư về tiền thuê đất, thuê mặt nước, thuế; Hoạt động đầu tư, kinh doanh khác trong Khu thương mại tự do Hải Phòng...