Cao tốc Bắc- Nam: Tăng tốc mở rộng bằng hợp tác công- tư (PPP)
Hai phương án thực hiện đầu tư mở rộng các đoạn tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông đã được báo cáo Chính phủ, trong bối cảnh một số doanh nghiệp giao thông có đề xuất tham gia làm nhà đầu tư thực hiện dự án.

Đầu tư mở rộng theo phương thức PPP
Văn phòng Chính phủ vừa có Văn bản số 6585/VPCP-CN ngày 16/7/2025 về việc nghiên cứu đầu tư mở rộng các đoạn tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Theo đó, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan xem xét báo cáo Bộ Xây dựng (tại Văn bản số 6314/BXD-KHTC ngày 4/7/2025 về việc nghiên cứu đầu tư mở rộng các đoạn tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông theo phương thức PPP).
Trong đó, Phó Thủ tướng yêu cầu làm rõ quy định của pháp luật về đầu tư PPP trong trường hợp đầu tư mở rộng các dự án đầu tư công đã hoàn thành hoặc đang triển khai xây dựng.
Bộ Xây dựng đề xuất sau khi hoàn thành toàn bộ các dự án thành phần trên cao tốc Bắc - Nam phía Đông sẽ triển khai tổ chức thu phí các đoạn tuyến đầu tư công theo Nghị quyết của Quốc hội, quy định của Luật Đường bộ (dự kiến từ tháng 1/2026).
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu đầu mối được giao phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ vấn đề này trước ngày 20/7.
Trước đó, có báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Bộ Xây dựng đề xuất mở rộng 18 dự án thành phần tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
Đây là các dự án nằm trong mục tiêu 3.000 km cao tốc hoàn thành đến năm 2025 mà hiện còn khoảng 402 km đang thi công xây dựng.
Để tránh trùng lặp dự án và hỗ trợ tăng trưởng 8% trở lên năm 2025 cũng như mục tiêu tăng trưởng 2 con số giai đoạn 2026 - 2030, Bộ Xây dựng đề xuất Chính phủ đầu tư bằng hình thức đầu tư công để có thể triển khai mở rộng ngay.
Bộ Xây dựng cũng báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo hướng: Đối với 15 dự án đầu tư công, cho phép triển khai thu phí các đoạn tuyến theo Nghị quyết của Quốc hội và Luật Đường bộ. Quá trình thu phí, căn cứ vào tình hình thực tế, triển khai đầu tư mở rộng các đoạn tuyến theo hình thức PPP.
Với 3 dự án PPP đang khai thác, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục làm việc với nhà đầu tư để nghiên cứu phương án đầu tư mở rộng. Riêng với 15 dự án thành phần sử dụng vốn đầu tư công nói trên, Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ hai phương án.
Phương án 1, gộp các đoạn tuyến cao tốc (15 dự án thành phần) thành 1 dự án có tổng chiều dài 966 km, tổng mức đầu tư khoảng 128.292 tỷ đồng (chưa bao gồm lãi vay trong thời gian xây dựng).
Phương án 2, tách thành 2 dự án (mỗi khu vực một dự án).
Trong đó, dự án 1 gồm 8 dự án thành phần từ Mai Sơn đến Cam Lộ với tổng chiều dài khoảng 415 km, tổng mức đầu tư khoảng 54.182 tỷ đồng (chưa bao gồm lãi vay trong thời gian xây dựng).
Dự án 2 gồm 7 dự án thành phần từ Quảng Ngãi đến Dầu Giây với tổng chiều dài khoảng 551 km, tổng mức đầu tư 74.110 tỷ đồng (chưa bao gồm lãi vay trong thời gian xây dựng).
Nhiều “ông” lớn giao thông tham gia cuộc đua
Liên quan đến Dự án đầu tư mở rộng các đoạn tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông, trong gần 2 tháng qua, một số nhà đầu tư đã có văn bản gửi Chính phủ xin làm nhà đầu tư Dự án.
Mới đây nhất, ngày 5/7, Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường gửi văn bản đề xuất Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng xem xét, chấp thuận chủ trương cho phép doanh nghiệp này nghiên cứu, làm nhà đầu tư 9 đoạn tuyến theo phương thức PPP, hợp đồng BOT.
Chín đoạn tuyến này có tổng chiều dài 415 km, doanh nghiệp đưa ra tổng mức đầu tư hơn 59.600 tỷ đồng.
Trước đó, ngày 2/7, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cũng có văn bản kiến nghị Bộ Tài chính và Bộ Xây dựng xem xét cho VEC chủ trì hợp tác với Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) và một số nhà đầu tư khác nghiên cứu mở rộng các đoạn tuyến Mai Sơn - Diễn Châu và Bãi Vọt - Cam Lộ theo từng giai đoạn.
Tổng mức đầu tư các đoạn tuyến trên được VEC đưa ra là hơn 61.700 tỷ đồng.
Hồi đầu tháng 6/2025, Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành đã đưa ra đề xuất đầu tư đoạn Vũng Áng - Bùng - Vạn Ninh (dài 104 km) và Phan Thiết - Dầu Giây (dài 99 km) theo phương thức PPP.
Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi) cũng đề xuất được đầu tư dự án trên tổng chiều dài khoảng 300km, tổng mức đầu tư hơn 45.300 tỷ đồng theo phương thức PPP.
Sớm hơn, Tập đoàn Sơn Hải gửi văn bản đề xuất Lãnh đạo Chính phủ, Bộ Xây dựng từ cuối tháng 5/2025 đề xuất cho phép doanh nghiệp này đầu tư mở rộng theo quy mô hoàn chỉnh cao tốc Bắc - Nam đoạn Hoài Nhơn - Nha Trang (gồm các đoạn: Hoài Nhơn - Quy Nhơn, Quy Nhơn - Chí Thạnh, Chí Thạnh - Vân Phong, Vân Phong - Nha Trang) bằng 100% vốn nhà đầu tư.
Các doanh nghiệp cho rằng, với đoạn tuyến có quy mô vừa phải, phù hợp với năng lực có thể cân đối nguồn lực đầu tư độc lập. Trong trường hợp nhiều doanh nghiệp cùng quan tâm một dự án sẽ cần sự điều tiết hài hoà từ cấp có thẩm quyền.
Còn trường dự án hoặc gói thầu lớn, cần nguồn lực lớn, các doanh nghiệp sẵn sàng bắt tay nhau để cùng thực hiện.