Chính phủ quyết định thành lập Khu công nghệ thông tin tập trung Bình Dương 

Lê Văn

Ngày 13/5, UBND tỉnh Bình Dương cho biết, Chính phủ đã chính thức phê duyệt việc thành lập Khu công nghệ thông tin (CNTT) tập trung Bình Dương với quy mô 15,47 ha, đặt tại phường Hòa Phú, TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.

Khu CNTT nằm trong tổng thể Khu liên hợp Công nghiệp- Dịch vụ- Đô thị Bình Dương
Khu CNTT nằm trong tổng thể Khu liên hợp Công nghiệp- Dịch vụ- Đô thị Bình Dương

Khu CNTT tập trung Bình Dương thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ của khu CNTT tập trung được quy định tại Điều 4 Nghị định số 154/2013/NĐ-CP ngày 8/11/2013 của Chính phủ. Theo UBND tỉnh Bình Dương, Khu CNTT nằm trong tổng thể Khu liên hợp Công nghiệp- Dịch vụ- Đô thị Bình Dương, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong chiến lược phát triển công nghiệp công nghệ cao của tỉnh Bình Dương.

Theo Quyết định số 890/QĐ-TTg, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng ủy quyền cho Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương quyết định thành lập tổ chức quản lý và ban hành quy chế hoạt động Khu CNTT tập trung Bình Dương trong trường hợp dự án được đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước. Trường hợp dự án được đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước, tổ chức quản lý Khu CNTT tập trung Bình Dương là DN được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật DN.

UBND tỉnh Bình Dương có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và cơ quan liên quan tổ chức thực hiện; bảo đảm việc đầu tư xây dựng và quản lý, vận hành Khu CNTT tập trung Bình Dương hiệu quả và đúng quy định; lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng Khu CNTT tập trung Bình Dương theo quy định của pháp luật về đầu tư.

UBND tỉnh Bình Dương hướng dẫn triển khai thực hiện đánh giá tác động môi trường đối với dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng Khu công nghệ thông tin tập trung Bình Dương theo đúng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, đầu tư vào khoa học công nghệ không chỉ là lựa chọn tối ưu mà còn là giải pháp duy nhất để Bình Dương phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh và thích ứng với thị trường toàn cầu. Tỉnh xác định rõ rằng việc quy hoạch hệ sinh thái khoa học công nghệ không chỉ mang tính chiến lược mà còn là yêu cầu cấp thiết nhằm đáp ứng xu thế phát triển mới.

Trong chiến lược này, Bình Dương tận dụng tối đa vị trí địa lý chiến lược và nền tảng công nghiệp được xây dựng trong hơn 25 năm qua để chuyển dịch từ một trung tâm sản xuất công nghiệp truyền thống sang mô hình sản xuất và nghiên cứu tập trung vào công nghệ cao và đổi mới sáng tạo. Khu CNTT tập trung Bình Dương không chỉ phục vụ riêng địa phương mà còn được thiết kế để liên kết toàn vùng Đông Nam Bộ, tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ trong phát triển CNTT và các ngành công nghệ tiên tiến khác.

Khu công nghệ này sẽ ưu tiên phát triển các lĩnh vực chủ lực như CNTT, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới và công nghệ môi trường. Đặc biệt, theo quy hoạch, khu vực sẽ bao gồm các mô hình hiện đại hỗ trợ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo như FabLabs, TechLabs, Block71, cùng với 50 ha dành riêng cho phát triển ngành công nghiệp bán dẫn – lĩnh vực chiến lược trong thời kỳ chuyển đổi số và công nghệ 4.0. Thêm vào đó, 50 ha khác sẽ dành cho phát triển điện, điện tử, thiết bị công nghệ, phần mềm và sản xuất phần cứng quy mô nhỏ.

Theo quy định, doanh nghiệp thực hiện dự án trong lĩnh vực CNTT đầu tư vào Khu CNTT tập trung Bình Dương được hưởng các ưu đãi quy định tại Nghị định số 154/2013/NĐ-CP ngày 8/11/2023 của Chính phủ và các chính sách ưu đãi khác áp dụng đối với Khu CNTT tập trung theo quy định của pháp luật.   

Tỉnh Bình Dương cũng kiến nghị Bộ Khoa học và Công nghệ đẩy nhanh việc hoàn thiện thể chế, cơ chế tài chính, phát triển nguồn nhân lực và đầu tư hạ tầng, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc thu hút đầu tư và hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Các đề xuất bao gồm phát triển vườn ươm doanh nghiệp, trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu phát triển (R&D), không gian làm việc chung, cộng đồng công nghệ và các câu lạc bộ khởi nghiệp.

Việc hình thành Khu CNTT tập trung Bình Dương thể hiện tầm nhìn dài hạn và quyết tâm mạnh mẽ của tỉnh trong hành trình chuyển mình thành trung tâm đổi mới sáng tạo, công nghệ cao của khu vực phía Nam và cả nước.

Thông tin về tình hình thu hút đầu tư, Ban Quản lý Các khu công nghiệp (KCN) tỉnh Bình Dương cho biết, từ đầu năm đến nay thu hút đầu tư trong nước vào các KCN trên địa bàn tỉnh được 1.411 tỷ đồng. Theo kế hoạch năm 2025, Ban Quản lý Các KCN tỉnh đặt mục tiêu thu hút 1.100- 1.200 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước. Lũy kế đến nay, các KCN trên địa bàn tỉnh có 696 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký 95.110 tỷ đồng.

Hiện nay, Ban Quản lý Các KCN tỉnh đã hoàn thành lập Đồ án Quy hoạch chung xây dựng (tỷ lệ 1/5.000) KCN Bắc Tân Uyên 1 (KCN chuyên ngành cơ khí) và KCN Vĩnh Lập. KCN Bắc Tân Uyên 1 đã được HĐND tỉnh Bình Dương thông qua và đang trình UBND tỉnh phê duyệt Đồ án Quy hoạch chung theo đúng quy định.