"Hà Nội đặt mục tiêu có thêm 30.000 doanh nghiệp mới trong năm 2025
Hà Nội đặt mục tiêu thúc đẩy phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) trong năm 2025 cũng như hướng tới mục tiêu đến năm 2030.

Đây là nội dung được Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh chỉ đạo triển khai nhằm cụ thể hóa việc thực hiện Chỉ thị 10/CT-TTg ngày 25/3/2025 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy phát triển DNNVV. Theo đó, Hà Nội yêu cầu tháo gỡ các rào cản, khó khăn, tạo điều kiện tối đa để huy động nguồn lực của DNNVV đóng góp vào tăng trưởng, phát triển kinh tế.
Phấn đấu trong năm 2025, Hà Nội có thêm 30.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập, năm sau cao hơn năm trước, để đến năm 2030 Hà Nội có thêm 200 nghìn doanh nghiệp. Đồng thời, Hà Nội sẽ rà soát kiến nghị với Bộ và cơ quan ngang bộ bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện kinh doanh không cần thiết; chuyển mạnh quản lý từ "tiền kiểm" sang "hậu kiểm", gắn với tăng cường công tác kiểm tra, giám sát.
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cũng chỉ đạo phấn đấu để đạt mục tiêu tỷ lệ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo đạt trên 50%; Thu hút sự tham gia của 20 - 25 doanh nghiệp với khoảng 30 - 35 sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp chủ lực. Phấn đấu tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội tăng 9 - 10%; Kim ngạch xuất khẩu tăng từ 5% trở lên; Giải quyết việc làm cho 167.000 lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 3%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75%; Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 95% kế hoạch được giao.
Các sở, ngành, UBND các cấp tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao Chỉ số PCI, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về công tác hoàn thiện cơ chế chính sách, cải cách hành chính, quy hoạch, đầu tư, hỗ trợ DNNVV tiếp cận tài chính, tín dụng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuyển đổi số, tăng năng suất lao động, xây dựng thương hiệu doanh nghiệp Việt. Phấn đấu giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính (TTHC); giảm tối thiểu 30% chi phí tuân thủ đối với nhóm TTHC và TTHC nội bộ thuộc thẩm quyền của UBND Thành phố. Đơn giản hóa TTHC các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ chuyên môn theo lĩnh vực.
Thực hiện các chính sách hỗ trợ, ưu đãi sản xuất kinh doanh; Thực hiện có hiệu quả Đề án Hỗ trợ DNNVV trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2021 - 2025 và các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao năng lực, kỹ năng quản trị, điều hành phục vụ sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp.
Hà Nội cũng sẽ tập trung hỗ trợ thúc đẩy đầu tư của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, các doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để tạo động lực dẫn dắt, lan tỏa, kích hoạt đầu tư của các DNNVV.
Việc Chủ tịch UBND TP. Hà Nội chỉ đạo thực hiện các mục tiêu phát triển DNNVV là cần thiết, trong bối cảnh cả nước đang phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 và đặc biệt là phát triển mạnh mẽ kinh tế tư nhân theo Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Theo số liệu mới nhất từ Chi cục thống kê Hà Nội, tính chung 4 tháng đầu năm 2025, Thành phố đã cấp giấy chứng nhận cho 9,4 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với vốn đăng ký 74,7 nghìn tỷ đồng, giảm 2,7% về số lượng doanh nghiệp và giảm 22,3% vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Có 4,8 nghìn doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 5,5%; 16,8 nghìn doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 18,8%; có 1,9 nghìn doanh nghiệp giải thể, tăng 33,2%. Tỷ lệ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng được duy trì 100%, đảm bảo chất lượng và đúng hạn.
Để đạt mục tiêu phát triển doanh nghiệp 2025, UBND TP. Hà Nội yêu cầu các Sở, ban, ngành phải giao nhiệm vụ cụ thể trên tinh thần "rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền, rõ thời gian, rõ kết quả"; nêu cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, coi khó khăn của người dân, doanh nghiệp là khó khăn của mình để chủ động hỗ trợ, đồng hành, tháo gỡ.