Chuẩn bị trình Quốc hội chủ trương đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh
Tổng chiều dài Dự án trình Quốc hội khoảng 159,31km, trong đó đoạn qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu dài 18,23km, Đồng Nai 46,08km, TP. Hồ Chí Minh 16,7km và Long An 78,3km (bao gồm đoạn qua tỉnh Long An 74,5km và đoạn trên địa phận TP. Hồ Chí Minh dài khoảng 3,8km).

Văn phòng Chính phủ cho biết vừa có công văn gửi Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Xây dựng và Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh về việc trình Quốc hội chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh.
Công văn cho biết, xét báo cáo của Bộ Tài chính tại văn bản số 6689/BTC-ĐT ngày 16/5 về nguồn vốn cho Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Tài chính chịu trách nhiệm về ý kiến đề xuất, bảo đảm việc xác định nguồn vốn và khả năng cân đối nguồn vốn thực hiện Dự án theo đúng quy định của pháp luật.
Phó Thủ tướng cũng giao UBND TP. Hồ Chí Minh tiếp thu ý kiến của Bộ Tài chính, khẩn trương hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án, phối hợp với Bộ Xây dựng hoàn thiện Dự thảo Tờ trình UBTV Quốc hội.
Văn phòng Chính phủ được giao xin ý kiến Thành viên Chính phủ và ban hành văn bản giao Bộ trưởng Bộ Xây dựng thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình UBTV QUốc hội sau khi quá bán số Thành viên Chính phủ đồng ý thông qua.
Trước đó, đầu tháng 4 vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng và UBND TP. Hồ Chí Minh về việc hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án này.
Theo đó, để đảm bảo tiến độ gửi hồ sơ trình Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Tài chính (Hội đồng thẩm định nhà nước) khẩn trương phối hợp với UBND TP. Hồ Chí Minh hoàn thiện Báo cáo thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án
Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Tài chính phối hợp với Tổng Thư ký Quốc hội để đăng ký nội dung trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 15 diễn ra trong tháng 5 này về Dự án nêu trên.
Bộ Xây dựng được giao phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính và UBND TP. Hồ Chí Minh để chuẩn bị tờ trình của Chính phủ trình Quốc hội.
Được biết, Dự án đường Vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh có điểm đầu kết nối với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu tại xã Phú Mỹ, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; điểm cuối tuyến nối với đường trục Bắc - Nam tại khu vực cảng Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TP. Hồ Chí Minh.
Tổng chiều dài Dự án trình Quốc hội là khoảng 159,31km, trong đó đoạn qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu dài 18,23km, Đồng Nai 46,08km, TP. Hồ Chí Minh 16,7km và Long An 78,3km (bao gồm đoạn qua tỉnh Long An 74,5km và đoạn trên địa phận TP. Hồ Chí Minh dài khoảng 3,8km).
Dự án đường Vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh hoàn thành sẽ góp phần mở không gian phát triển mới, khai thác tiềm năng nguồn lực đất đai, góp phần hình thành tuyến vành đai công nghiệp, đô thị, logistics... các đô thị vệ tinh như Nhơn Trạch, Long Thành (Đồng Nai), khu đô thị Tây Bắc (Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh), khu đô thị Đức Hòa, Đức Huệ (Long An) và các TP. ở Bình Dương…
Theo Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường Vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh mà UBND TP. Hồ Chí Minh trình Thủ tướng Chính phủ hồi cuối năm 2024, Chi phí giải phóng mặt bằng cho Dự án được đề xuất khoảng 40.994,42 tỷ đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho khoảng 5.862 hộ dân bị ảnh hưởng.