Chứng khoán Nhật Bản loay hoay vì lạm phát, Hàn Quốc "vượt sóng" ngoạn mục
Trong phiên giao dịch ngày 7/7, thị trường chứng khoán châu Á ghi nhận sự phân hóa rõ rệt khi Nhật Bản giảm mạnh vì lạm phát vượt lương, trong khi Hàn Quốc tiếp tục bứt phá nhờ kỳ vọng cải cách. Nhà đầu tư đang theo sát các tín hiệu vĩ mô để điều chỉnh chiến lược trong bối cảnh Mỹ tạm nghỉ lễ.

Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 giảm mạnh 223,88 điểm, tương đương 0,56%, đóng cửa ở mức 39.587,00 điểm trong bối cảnh dữ liệu mới nhất cho thấy tiền lương thực tế trong tháng 5 đã giảm tới 2,9% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu mức giảm mạnh nhất trong vòng 20 tháng.
Lạm phát tại Nhật Bản đang tăng nhanh hơn tốc độ tăng thu nhập, làm xói mòn sức mua của người tiêu dùng. Dữ liệu do Bộ Lao động Nhật Bản công bố sáng 7/7 cho thấy chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi mức tăng tiền lương danh nghĩa chỉ đạt 1%, thấp hơn nhiều so với tháng trước đó. Điều này làm dấy lên lo ngại rằng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) có thể sẽ bị “chậm chân” trong việc phản ứng với các rủi ro lạm phát, đặc biệt trong bối cảnh BoJ vẫn đang thận trọng chờ đợi thêm dữ liệu để đánh giá tác động của chính sách thuế quan của Mỹ.
Dù chi tiêu của hộ gia đình Nhật Bản trong tháng 5 tăng mạnh 4,7% so với cùng kỳ – mức tăng cao nhất trong gần 3 năm – nhiều chuyên gia cho rằng đây chủ yếu là kết quả của các yếu tố tạm thời như nhu cầu mua xe ô tô và du lịch bùng nổ sau thời gian trầm lắng, thay vì phản ánh xu hướng tiêu dùng bền vững.
Một số nhà kinh tế cảnh báo rằng nếu tình trạng chênh lệch giữa lạm phát và thu nhập kéo dài, tiêu dùng có thể suy yếu trong các tháng tới, ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế. BoJ hiện dự báo lạm phát cơ bản sẽ tăng 2,2% trong năm tài khóa kết thúc vào tháng 3/2026, nhưng dự kiến sẽ giữ nguyên lãi suất ở mức 0,5% trong kỳ họp chính sách tiền tệ vào ngày 31/7 tới.
Trong khi đó, TTCK Hàn Quốc tiếp tục thể hiện sức mạnh khi chỉ số Kospi tăng thêm 5,19 điểm, tương đương 0,17%, lên 3.059,47 điểm. Đây là phiên tăng thứ tư liên tiếp và là minh chứng cho đà phục hồi mạnh mẽ của thị trường này từ đầu năm đến nay, với mức tăng hơn 30%.
Giới đầu tư nội địa và quốc tế đang đặt nhiều kỳ vọng vào chính quyền mới của Tổng thống Lee Jae Myung – người vừa đắc cử với cam kết đẩy mạnh các cải cách thân thiện với nhà đầu tư, tăng cường bảo vệ quyền lợi cổ đông và cải thiện tính minh bạch của các tập đoàn chaebol. Những tín hiệu tích cực từ chính trường Hàn Quốc, cùng với đà phục hồi của ngành sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng chiến lược như lò phản ứng hạt nhân, tàu chở hàng và vũ khí, đang tạo động lực mới cho thị trường vốn từng chịu nhiều biến động chính trị trong năm qua.
Tại Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite nhích nhẹ 0,81 điểm, tương đương 0,02%, lên 3.473,13 điểm trong phiên giao dịch khá trầm lắng. Thị trường gần như đi ngang trong khi giới đầu tư chờ đợi thêm thông tin từ hội nghị thượng đỉnh Bond Connect dự kiến diễn ra tại Hồng Kông.
Các nguồn tin cho biết giới chức Trung Quốc đang cân nhắc mở rộng chương trình Southbound Bond Connect lên tới 1.000 tỷ nhân dân tệ, nhằm cho phép các tổ chức tài chính trong nước tiếp cận dễ dàng hơn với trái phiếu quốc tế thông qua sàn giao dịch Hồng Kông. Mặc dù chưa có quyết định cuối cùng, nhưng đây được xem là bước đi mới nhất trong nỗ lực quốc tế hóa thị trường tài chính và đồng nhân dân tệ của Bắc Kinh, trong bối cảnh áp lực điều chỉnh dòng vốn và tỷ giá đang gia tăng.
Chốt phiên giao dịch ngày 7/7 (tại thời điểm 16h00), TTCK Nhật Bản giảm 223,88 điểm, tương đương 0,56%, đóng cửa ở mức 39.587,00 điểm TTCK Hồng Kông giảm 28,23 tương đương 0,12% xuống mức 23.887,83 điểm; TTCK Trung Quốc tăng 0,81 điểm, tương đương 0,02% lên 3.473,13 điểm; TTCK Hàn Quốc tăng 5,19 điểm, tương đương 0,17% lên 3.059,47 điểm; TTCK Singapore tăng 18,24 điểm, tương đương 0,45%, đóng cửa ở mức 4.031,86 điểm; TTCK Malaysia giảm 12,65 điểm, tương đương 0,82 % xuống 1.537,54 điểm; TTCK Indonesia tăng 17,6 tương đương 0,26% lên 6.882,80 điểm.
Sự phân hóa giữa các thị trường châu Á thể hiện rõ nét khi nhà đầu tư cân nhắc giữa các yếu tố hỗ trợ như kỳ vọng cải cách chính sách tại Hàn Quốc, nới lỏng tài chính ở Trung Quốc, và những rủi ro như lạm phát kéo dài, tiền lương suy giảm tại Nhật Bản, hay bất ổn thương mại với Mỹ.
Những biến động này tiếp tục khẳng định vai trò then chốt của dữ liệu vĩ mô và chính sách trong việc điều hướng tâm lý thị trường trong nửa cuối năm 2025.