Dữ liệu việc làm hỗ trợ Phố Wall, châu Á chờ tín hiệu mới
Thị trường chứng khoán (TTCK) toàn cầu biến động trái chiều đầu tháng 7, khi dòng tiền thận trọng trở lại với loạt tín hiệu mới từ kinh tế Mỹ. Đà tăng tại Phố Wall không đủ xua tan tâm lý dè dặt tại các thị trường châu Á, trong bối cảnh nhà đầu tư tiếp tục đánh giá lại triển vọng lãi suất và tăng trưởng toàn cầu.

Phố Wall lập đỉnh mới nhờ dữ liệu việc làm tích cực
TTCK Mỹ đồng loạt lập kỷ lục mới trong phiên giao dịch rút ngắn ngày 3/7, khi giới đầu tư đón nhận loạt dữ liệu kinh tế tích cực, cho thấy thị trường lao động Mỹ vẫn giữ được sức mạnh. Tuy nhiên, triển vọng cắt giảm lãi suất từ Fed trong năm nay đang trở nên mờ nhạt hơn, khi kỳ vọng nới lỏng chính sách tiền tệ bị lu mờ bởi các con số tăng trưởng vững chắc.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 03/07 (sáng 4/7 giờ Việt Nam), chỉ số Dow Jones tăng 344,11 điểm, tương đương 0,77% lên 44.828,53 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 207,97 điểm, tương đương 0,83% lên 6.279,35 điểm, còn chỉ số Nasdaq dẫn đầu đà tăng với mức tăng 207,97 điểm, tương đương 1,02% lên 20.601,10 điểm. Cả S&P 500 và Nasdaq đều đóng cửa ở mức cao kỷ lục mới, phản ánh tâm lý lạc quan lan rộng trước kỳ nghỉ lễ Độc lập tại Mỹ.
Đà tăng của Phố Wall chủ yếu được hỗ trợ bởi báo cáo bảng lương phi nông nghiệp tháng 6, cho thấy nền kinh tế Mỹ tiếp tục tạo thêm 147.000 việc làm mới – vượt xa dự báo 110.000 từ các nhà phân tích. Tháng 5 cũng được điều chỉnh tăng lên 144.000, trong khi tỷ lệ thất nghiệp bất ngờ giảm từ 4,3% xuống còn 4,1%. Các số liệu này cho thấy thị trường lao động Mỹ vẫn đang duy trì đà phục hồi mạnh mẽ, bất chấp lãi suất duy trì ở mức cao trong thời gian dài.
Tuy nhiên, chính sự tích cực này cũng đang làm thay đổi kỳ vọng của thị trường về lộ trình chính sách tiền tệ. Theo công cụ FedWatch của CME Group, khả năng Fed giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp cuối tháng 7 hiện đã tăng lên tới 95%. Trong khi đó, kỳ vọng về một đợt cắt giảm lãi suất vào tháng 9 – vốn từng ở mức gần 98% – nay đã giảm xuống còn khoảng 75%.
Phản ứng với triển vọng này, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng mạnh. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm vọt lên 4,346%, tăng 5,3 điểm cơ bản, trong khi lợi suất kỳ hạn 2 năm – thường biến động mạnh theo kỳ vọng lãi suất – tăng tới 9,7 điểm cơ bản, lên mức 3,886%.
Trên thị trường tiền tệ, đồng USD phục hồi mạnh sau chuỗi 9 phiên giảm liên tiếp. Chỉ số DXY – đo sức mạnh đồng bạc xanh so với rổ tiền tệ chính – tăng 0,36%, gây áp lực lên các tài sản định giá bằng USD như vàng và dầu. Hợp đồng tương lai vàng giảm 0,93%, trong khi dầu WTI mất 0,65%, còn 67,01 USD/thùng. Giới đầu tư hiện đang đánh giá lại triển vọng chính sách tiền tệ trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ tiếp tục chứng minh khả năng chống chịu với lãi suất cao. Ông Jed Ellerbroek, Giám đốc danh mục tại Argent Capital Management, nhận định: “Tác động lớn nhất từ báo cáo việc làm lần này là Fed sẽ chưa vội cắt giảm lãi suất trong tháng 7, và thậm chí việc cắt giảm trong năm nay vẫn còn là dấu hỏi”.
Hiện tại, nhà đầu tư sẽ tiếp tục theo dõi sát sao các số liệu kinh tế sắp công bố trong tuần tới, cùng với diễn biến từ phía Fed, nhằm xác định hướng đi chính sách trong giai đoạn cuối quý III.

Châu Á tiếp tục phân hóa
TTCK châu Á ghi nhận diễn biến trái chiều trong phiên giao dịch thứ Sáu, khi giới đầu tư toàn khu vực tỏ ra thận trọng trước những tín hiệu trái ngược từ kinh tế Mỹ.
Tại Hồng Kông, chỉ số Hang Seng giảm 0,64% do áp lực từ nhóm cổ phiếu công nghệ và bất động sản. Tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng bởi nỗi lo rằng các doanh nghiệp xuất khẩu lớn có thể nằm trong danh sách áp thuế sắp tới của Mỹ. Tại Hàn Quốc, chỉ số Kospi mất 1,99% khi cổ phiếu nhóm công nghiệp và công nghệ bị bán tháo mạnh. Đồng won tiếp tục suy yếu, trong khi giới phân tích cảnh báo chính sách thuế quan mới của Mỹ có thể tác động tiêu cực đến xuất khẩu Hàn Quốc – trụ cột chính của nền kinh tế nước này.
Ngược lại, Nhật Bản ghi nhận diễn biến tích cực khi chỉ số Nikkei 225 tăng nhẹ 0,09% nhờ động lực đến từ dữ liệu nội địa tích cực: chi tiêu hộ gia đình trong tháng 5 tăng 4,7% so với cùng kỳ, vượt xa kỳ vọng 1,2% và đảo chiều mạnh mẽ so với mức giảm 0,1% của tháng 4. Cùng với đó, các doanh nghiệp Nhật Bản đã đồng ý tăng lương bình quân 5,25% trong năm 2025, tuy nhiên lạm phát cao khiến tăng trưởng thu nhập thực tế vẫn chịu áp lực. Những dữ liệu này làm gia tăng khả năng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) sẽ sớm tăng lãi suất, đặc biệt trong bối cảnh triển vọng toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng.
Chứng khoán Trung Quốc cũng ghi nhận mức tăng nhẹ, với chỉ số Shanghai nhích 0,32% khi nhà đầu tư tỏ ra lạc quan khi Bắc Kinh và Washington đang tăng cường phối hợp để thực hiện các kết quả đạt được trong khuôn khổ hội nghị tại London. Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết họ đang xử lý các đơn xin giấy phép xuất khẩu theo quy định hiện hành và mong muốn Mỹ sẽ có những bước điều chỉnh chính sách phù hợp. Hai bên hiện duy trì các cuộc trao đổi ở cấp nhóm công tác để hiện thực hóa các thỏa thuận, với kỳ vọng tiếp tục thúc đẩy quan hệ kinh tế theo hướng ổn định và bền vững.
Chốt phiên giao dịch ngày 4/7 (tại thời điểm 15h30), Nhật Bản tăng 34,10 điểm, tương đương 0,09%, đóng cửa ở mức 39.820,00 điểm; Hồng Kông giảm 153,88 tương đương 0,64% xuống mức 23.916,06 điểm; Trung Quốc tăng 11,17 điểm, tương đương 0,32% lên 3.472,32 điểm; Hàn Quốc giảm 61,99 điểm, tương đương 1,99% lên 3.054,28 điểm; Singapore giảm 7,36 điểm, tương đương 0,18%, đóng cửa ở mức 4.012,21 điểm; Malaysia tăng 1,2 điểm, tương đương 0,08% lên 1.550,19 điểm; Indonesia giảm 16,05 tương đương 0,23% xuống 6.862,01 điểm.
Nhìn chung, tâm lý thị trường châu Á vẫn trong trạng thái “chờ đợi”, với mối quan tâm lớn nhất là chính sách thuế quan sắp triển khai của Mỹ và những tác động lan tỏa đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Giới phân tích dự báo thị trường sẽ còn biến động trong ngắn hạn, đặc biệt khi thời điểm 1/8 – ngày Mỹ chính thức áp thuế – đang đến gần.