Có các giải pháp đột phá để hiện thực hoá mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên
Chính phủ sẽ tiếp tục phân tích kỹ lưỡng, đánh giá sát tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và 5 năm 2021 - 2025, có các giải pháp đột phá để phấn đấu hoàn thành các mục tiêu đề ra, nhất là mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên.

Thu ngân sách năm 2024 đạt kỷ lục
Tại phiên họp sáng 5/5 của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2025.
Theo Thủ tướng Chính phủ, các nhận định, kết quả năm 2024 đã báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp trước cơ bản phù hợp và có nhiều chỉ tiêu đạt tốt hơn; đã đạt và vượt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó có 12 chỉ tiêu vượt mục tiêu đề ra. Đáng chú ý là chỉ tiêu tăng năng suất lao động vượt kế hoạch đề ra, sau 3 năm không đạt.
Kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; bội chi, nợ công được kiểm soát tốt. Kinh tế phục hồi mạnh mẽ, tốc độ tăng GDP đạt 7,09% (đã báo cáo Quốc hội là 6,8 - 7%), cao nhất trong khu vực và thuộc nhóm có tốc độ tăng trưởng cao trên thế giới; nâng quy mô nền kinh tế lên 476,3 tỷ USD, tăng 03 bậc, vươn lên vị trí thứ 32 thế giới.
GDP bình quân đầu người năm 2024 đạt 4.700 USD, tiếp cận ngưỡng thu nhập trung bình cao. Lạm phát được kiểm soát ở mức 3,63%; thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục giảm. Thu ngân sách đạt kỷ lục trên 2 triệu tỷ đồng, tăng 20,1% so với dự toán, vượt 342,7 nghìn tỷ đồng; trong khi đã miễn, giảm, gia hạn 197,3 nghìn tỷ đồng tiền thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất.
Các động lực tăng trưởng truyền thống đều phát huy hiệu quả. Đầu tư phát triển đạt kết quả tích cực; giải ngân vốn đầu tư công cao hơn 132 nghìn tỷ đồng so với cùng kỳ; Việt Nam nằm trong nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới; vốn FDI thực hiện đạt kỷ lục 25,4 tỷ USD (tăng 2,4 tỷ USD so với số đã báo cáo). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9%; khách quốc tế tăng mạnh (39,5%).
Năm 2024, xuất siêu 24,8 tỷ USD và khai mở thành công thị trường tiềm năng ở Trung Đông, châu Phi. Thương mại điện tử có tốc độ phát triển hàng đầu khu vực, tăng 20%. Nhiều dự án, hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực mới nổi được triển khai, tạo sự lan tỏa. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2024 tăng 02 bậc, lên hạng 44/133. Giá trị thương hiệu quốc gia đạt 507 tỷ USD, tăng 01 bậc, xếp hạng 32 thế giới...
Phấn đấu hoàn thành các mục tiêu đề ra năm 2025
Về phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, từ đầu năm đến nay, tình hình thế giới có nhiều diễn biến mới hết sức phức tạp, khó lường. Đặc biệt, việc Hoa Kỳ bất ngờ công bố chính sách thuế đối ứng ở mức cao trên diện rộng, tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu, đe dọa nghiêm trọng chuỗi cung ứng và dòng chảy thương mại, đầu tư quốc tế. Các vấn đề an ninh truyền thống, phi truyền thống ngày càng gay gắt và khó kiểm soát.
Trong bối cảnh đó, thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Quốc hội, chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, với tinh thần “Kỷ cương trách nhiệm; chủ động kịp thời; tinh gọn hiệu quả; tăng tốc bứt phá”, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực.
Nhờ đó, tăng trưởng GDP quý I/2025 ước đạt 6,93%, cao nhất so với cùng kỳ giai đoạn 2020 - 2025; nhiều địa phương có mức tăng trưởng 2 con số. Trong 4 tháng đầu năm, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt, các cân đối lớn được bảo đảm. Tỷ giá ổn định; mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục giảm, tăng trưởng tín dụng tích cực. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân ở mức 3,2%, tạo dư địa cho điều hành linh hoạt, hiệu quả chính sách vĩ mô.
Thu ngân sách 4 tháng đạt trên 944 nghìn tỷ đồng, bằng 48% dự toán năm và tăng 26,3%; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt trên 275 tỷ USD, tăng 15%, xuất siêu trên 5 tỷ USD; bảo đảm an ninh lương thực trong nước và xuất khẩu 3,4 triệu tấn gạo. Vốn FDI thực hiện đạt trên 6,7 tỷ USD, cao nhất trong giai đoạn 2020 - 2025, cho thấy Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quốc tế...
Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế, bất cập cần được xử lý quyết liệt. Trong đó, sức ép chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô còn lớn, nhất là về lãi suất, tỷ giá, kiểm soát lạm phát. Hoạt động sản xuất, kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn, nhất là phát triển doanh nghiệp.
Các động lực tăng trưởng truyền thống tuy đã phát huy hiệu quả nhưng chưa đạt kỳ vọng; giải ngân vốn đầu tư công còn thấp; sức mua trong nước phục hồi nhưng còn chậm; xuất khẩu còn phụ thuộc nhiều vào FDI và chịu ảnh hưởng bất lợi do chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ. Các động lực tăng trưởng mới đang ở giai đoạn đầu, cần thời gian để phát huy hiệu quả. Thị trường bất động sản phục hồi còn chậm và vẫn tiềm ẩn rủi ro. Thủ tục hành chính còn rườm rà, gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân...
Thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Chính phủ xác định phân tích kỹ lưỡng, đánh giá sát tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và 5 năm 2021 - 2025, có các giải pháp đột phá để phấn đấu hoàn thành các mục tiêu đề ra, nhất là mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên. Giữ đà, giữ nhịp và tăng tốc, bứt phá. Phát huy tinh thần chủ động, tích cực, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm; bảo đảm linh hoạt, kịp thời, hiệu quả trong chỉ đạo điều hành.
Chính phủ tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và tăng cường giám sát, kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Đồng thời, xác định phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, phát triển văn hóa là nền tảng, bảo đảm quốc phòng, an ninh và đẩy mạnh đối ngoại là trọng yếu, thường xuyên.