Cơ hội để ngành điện tử Việt Nam tái cấu trúc
Tuy Việt Nam đang nổi lên như một trung tâm sản xuất điện tử – bán dẫn chiến lược của khu vực châu Á, song đằng sau các con số ấn tượng là những thách thức thực tế mà các doanh nghiệp điện tử Việt Nam đang phải đối mặt, trong đó có chính sách thuế quan từ Mỹ.
Đối mặt nhiều thách thức thực tế
Đây là điều được ông Trần Hồng Quân, Giám đốc Thương mại RX Tradex Việt Nam chia sẻ tại Diễn đàn Công nghiệp sản xuất M-TALKS 2025 với chủ đề “Đổi mới tương lai ngành sản xuất điện tử Việt Nam: Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), tự động hóa và hội nhập chuỗi cung ứng toàn cầu” được tổ chức ngày 2/7.
Theo ông Trần Hồng Quân, trong bối cảnh địa chính trị và công nghệ toàn cầu biến động, Việt Nam đang từng bước chuyển mình từ “công xưởng sản xuất” trở thành trung tâm sáng tạo công nghệ cao của khu vực.
Việt Nam hiện đang đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu điện tử, máy tính và linh kiện, đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu điện thoại và linh kiện. Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu điện tử đạt 134,5 tỷ USD.
Năm 2025, tính đến cuối tháng 5/2025, xuất khẩu ngành điện tử tăng trưởng mạnh, đạt 60,8 tỷ USD, tăng 39% so cùng kỳ, giúp ngành tiếp tục giữ vững vị thế là ngành mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế xuất khẩu.
Giám đốc Thương mại RX Tradex Việt Nam cũng nhấn mạnh, các tập đoàn công nghệ hàng đầu như Samsung, Apple, LG, Pegatron... tiếp tục mở rộng đầu tư quy mô lớn tại Việt Nam.
Đặc biệt, Qualcomm đã đưa vào hoạt động trung tâm R&D; NVIDIA cũng vừa ký kết hợp tác chiến lược với Chính phủ Việt Nam về xây dựng Trung tâm Dữ liệu và Trung tâm R&D AI.
Đáng chú ý, việc Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, tầm nhìn 2050 là bước đi quyết đoán giúp thúc đẩy nội lực – từ đào tạo nhân lực, nâng cao năng lực nội địa hóa cho đến chủ động trong nghiên cứu và sản xuất công nghệ lõi.
Tuy vậy, ông Trần Hồng Quân lưu ý, ngành điện tử Việt đang gặp phải nhiều thách thức.
“100% giá trị xuất khẩu điện thoại từ các doanh nghiệp FDI, 80% linh kiện điện thoại phải nhập khẩu, hơn 90% nhà cung ứng cấp 1 đều là doanh nghiệp nước ngoài. R&D trong doanh nghiệp còn hạn chế, chủ yếu đóng vai trò lắp ráp”, ông Quân đề cập.
Thời điểm bản lề để ngành điện tử Việt Nam chuyển mình
Theo ông Trần Hồng Quân, những thách thức đó cũng cho thấy đây là thời điểm bản lề để Việt Nam chuyển mình từ một trung tâm lắp ráp sang một quốc gia sản xuất có chiều sâu.
Tại phiên thảo luận, các chuyên gia nhấn mạnh ba vấn đề cốt lõi đang định hình tương lai ngành điện tử Việt Nam: Việt Nam nổi lên như điểm đến chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu; Chính phủ thúc đẩy mạnh mẽ chính sách phát triển bán dẫn và R&D; AI – tự động hóa đang làm thay đổi bản chất sản xuất, đòi hỏi chuẩn hóa công nghệ và đầu tư vào nguồn nhân lực.
Những vấn đề liên quan đến việc làm sao để doanh nghiệp Việt vượt qua rào cản khi ứng dụng AI, Chính phủ cần làm gì để thu hút FDI chất lượng cao, các trường đại học cần đổi mới ra sao để bắt kịp nhu cầu nhân lực công nghệ… đã được các chuyên gia tập trung thảo luận.
Theo đại diện Hiệp hội Điện tử toàn cầu tại Việt Nam, với mục tiêu của Hiệp hội là củng cố chuỗi cung ứng điện tử và thúc đẩy sự phát triển bền vững của toàn ngành, thời gian qua, để giúp ngành công nghiệp điện tử toàn cầu trong đó có Việt Nam phát triển, tổ chức này có nhiều giải pháp quan trọng như: cập nhật tiêu chuẩn IPC cho các DN ngành điện tử; vận động chính sách công; đào tạo và cấp chứng nhận;
Trong đó, các tiêu chuẩn IPC giúp đảm bảo chất lượng, độ tin cậy và tính nhất quán trong sản xuất thiết bị điện tử. Việc áp dụng các tiêu chuẩn IPC đã cải thiện quy trình sản xuất, góp phần tạo ra các sản phẩm điện tử có chất lượng cao hơn.
Bên cạnh đó, việc tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế đã mở ra cơ hội tiếp cận những thị trường mới cho các nhà sản xuất điện tử Việt Nam; các chương trình đào tạo của Hiêp hội đã giúp xây dựng đội ngũ lao động có tay nghề cao, đáp ứng được yêu cầu của công nghệ sản xuất tiên tiến…giúp các doanh nghiệp Việt Nam được ghi nhận và nâng cao hình ảnh trên thị trường quốc tế.
Liên quan đến thị trường xuất khẩu của ngành điện tử, bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban chấp hành, Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử (VEIA), Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ (VASI), Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm khoảng 29% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Trong đó, ngành điện tử có tỷ trọng xuất khẩu sang nước này lên tới hơn 40% trong một số phân khúc. Riêng năm 2024, xuất khẩu máy và thiết bị điện tử, thu âm của Việt Nam sang Mỹ đạt 41,7 tỷ USD, chiếm 34,9% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ.
Theo bà Đỗ Thị Thúy Hương, thuế quan cao từ Mỹ có thể làm tăng chi phí sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam, ảnh hưởng đến lợi nhuận và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.
Trong bối cảnh đó, chuyên gia cho rằng ngành điện tử Việt Nam có cơ hội để tái cấu trúc chuỗi cung ứng, đẩy mạnh chuyển đổi số và mở rộng thị trường thông qua các hiệp định thương mại tự do (FTA) và thương mại điện tử xuyên biên giới.
Trước mắt, các doanh nghiệp cần tận dụng tối đa thời gian hoãn thuế với mức thuế nhập khẩu 10% hiện tại đến 8/7/2025 để đẩy mạnh xuất khẩu, đặc biệt là với các đơn hàng đã ký kết cho thị trường Mỹ.
Đồng thời, cần chuẩn bị kịch bản ứng phó với các mức thuế, bằng cách lập kế hoạch tài chính dự phòng, tính toán chi phí tác động của các kịch bản thuế 10%, 20%, 46% hoặc cao hơn.