Đã có Thông tư hướng dẫn quản lý, tính hao mòn tài sản hạ tầng đường thủy nội địa
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 22/2025/TT-BTC quy định chế độ quản lý, tính hao mòn tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa và hướng dẫn việc kê khai, báo cáo về tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa. Thông tư có hiệu lực từ ngày 25/6/2025 và được áp dụng từ năm tài chính 2025.

Thông tư 22/2025/TT-BTC điều chỉnh việc quản lý, tính hao mòn tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa do Nhà nước đầu tư và quản lý.
Tuy nhiên, Thông tư không áp dụng cho các trường hợp xác định tuổi thọ tài sản để đầu tư, nâng cấp cải tạo, mở rộng, bảo trì, hoặc định giá tài sản để cho thuê, chuyển nhượng quyền khai thác, xử lý tài sản kết cấu hạ tầng đường thuỷ nội địa.
Đối tượng áp dụng gồm: cơ quan quản lý nhà nước về giao thông đường thủy nội địa, cơ quan được giao quản lý tài sản và các tổ chức, đơn vị thực hiện kế toán, lưu trữ hồ sơ, báo cáo kê khai.
Các đơn vị này phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định về quản lý hiện vật, giá trị tài sản và cập nhật thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản hạ tầng đường thủy.
Theo Thông tư 22/2025/TT-BTC, các tài sản kết cấu hạ tầng đường thuỷ nội địa được xác định nguyên giá, giá trị còn lại, tính hao mòn theo quy định tại Thông tư bao gồm: luồng đường thủy nội địa, âu tàu, cảng và bến thủy nội địa, kè, đập giao thông, hệ thống báo hiệu và các công trình, thiết bị phụ trợ như nhà trạm quản lý, trạm AIS, thủy chí tự động…
Về tiêu chuẩn, tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa được xác định là tài sản cố định nếu có thời gian sử dụng từ 1 năm trở lên và nguyên giá từ 10 triệu đồng. Tài sản có thể sử dụng độc lập hoặc một hệ thống gồm nhiều bộ phận tài sản riêng lẻ liên kết với nhau để cùng thực hiện một hay một số chức năng nhất định.
Mỗi tài sản phải được lập hồ sơ quản lý chặt chẽ về hiện vật và giá trị theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và pháp luật có liên quan.
Cơ quan quản lý tài sản có trách nhiệm thực hiện kế toán đối với toàn bộ tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa được giao quản lý theo quy định của chế độ kế toán hiện hành; thực hiện kiểm kê tài sản định kỳ hằng năm, điều chỉnh số liệu kế toán nếu có sai lệch và bảo quản tài sản theo quy định.
Đối với tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa không còn nhu cầu sử dụng nhưng chưa tính đủ hao mòn theo quy định thì cơ quan quản lý tài sản tiếp tục thực hiện quản lý, theo dõi, bảo quản tài sản theo quy định hiện hành và tính hao mòn theo quy định tại Thông tư này cho đến khi được xử lý theo quy định.
Đối với tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa đã tính đủ hao mòn nhưng vẫn tiếp tục sử dụng được thì cơ quan quản lý tài sản tiếp tục thực hiện quản lý, sử dụng, theo dõi, bảo quản tài sản theo quy định hiện hành và không phải tính hao mòn.
Trong trường hợp cho thuê hoặc chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản, cơ quan quản lý vẫn chịu trách nhiệm giám sát, theo dõi, và tính hao mòn (trừ thời gian chuyển nhượng). Khi tài sản được tiếp nhận lại, nguyên giá và giá trị còn lại sẽ được xác định lại theo quy định để tiếp tục quản lý.
Thông tư 22/2025/TT-BTC của Bộ Tài chính cũng quy định chi tiết cách xác định nguyên giá tài sản qua các trường hợp như mua sắm, đầu tư xây dựng hoặc tiếp nhận điều chuyển, cũng như nguyên tắc, phương pháp tính hao mòn tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa.
Thông tư yêu cầu kê khai lần đầu và bổ sung thông tin tài sản theo các mẫu báo cáo quy định.