Để ngân hàng và doanh nghiệp gặp được nhau với tín dụng xanh
Đối với doanh nghiệp, tín dụng xanh là nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao, cải tiến công nghệ, chuyển đổi sản xuất xanh, nhưng cần giải quyết những “nút thắt” theo cách tiếp cận mới toàn diện hơn, linh hoạt hơn và đồng bộ hơn giữa chính sách – thị trường – hành lang pháp lý.

Tín dụng xanh tăng trưởng 9,5% trong năm 2024
Phát biểu tại Hội thảo "Khơi thông dòng vốn tín dụng xanh" do Báo Lao Động phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức vào ngày 25/4/2025, Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú nhận định, tín dụng xanh và thực thi Môi trường, Xã hội, Quản trị (ESG) là xu hướng tất yếu.
Đây là giải pháp giúp các tổ chức tín dụng (TCTD) định hướng lại hoạt động kinh doanh theo hướng bền vững, tiệm cận với tiêu chuẩn quốc tế, qua đó khẳng định vị thế, nâng cao khả năng cạnh tranh, mở rộng cơ hội hợp tác, kinh doanh.
Đối với doanh nghiệp, tín dụng xanh là nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao, cải tiến công nghệ, chuyển đổi sản xuất xanh.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhận định, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi, cơ hội để phát triển, nhờ có các định hướng, quy định rất rõ ràng.
Nhìn nhận trong thực tiễn, các ngân hàng và doanh nghiệp đều gặp không ít khó khăn.
Chẳng hạn, chưa có Danh mục phân loại xanh quốc gia, quy định chung về ESG để các doanh nghiệp thực hành, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững ngày càng khắt khe; công cụ thẩm định rủi ro còn hạn chế, thời gian hoàn vốn dài, hiệu quả tài chính chưa rõ ràng...
Cùng với đó là yêu cầu cao hơn về quản trị, chất lượng nguồn nhân lực ngân hàng trong lĩnh vực môi trường, xã hội, khí hậu để nhận diện, thẩm định quản lý, giám sát khoản cấp tín dụng cũng như tư vấn, hỗ trợ khách hàng đáp ứng các tiêu chí mới của quốc tế về phát thải...
Theo số liệu từ NHNN, từ chỗ chỉ có 15 TCTD tham gia năm 2017, tính đến ngày 31/12/2024, đã có 48 TCTD cho vay với dư nợ tín dụng xanh đạt gần 680 nghìn tỉ đồng, tăng 9,5% so với cuối năm 2023.
Tín dụng tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm hơn 41%) và nông nghiệp xanh (trên 29%).
Tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng xanh bình quân đạt hơn 21,2%/năm trong giai đoạn 2017-2024, cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng của toàn nền kinh tế.
Đến nay, dư nợ được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đạt 3,6 triệu tỷ đồng, tăng trên 26% so với cuối năm 2023.
Tuy nhiên tỷ lệ tín dụng xanh trên tổng dư nợ tín dụng mới chiếm khoảng 4,6%, cho thấy tín dụng xanh tại Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để phát triển.
Nhưng theo Phó Thống đốc, việc phát triển tín dụng xanh còn nhiều "nút thắt", nên đòi hỏi một cách tiếp cận mới toàn diện hơn, linh hoạt hơn và đồng bộ hơn giữa chính sách – thị trường – hành lang pháp lý.
Nếu dự án khó khăn, ngân hàng đừng vội xiết nợ
Nói về khó khăn của doanh nghiệp trong việc tiếp cận nguồn vốn xanh, ông Lê Quang Thắng – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu Tư và Xây Dựng Việt Long thậm chí còn cho rằng đây là việc "quá xa vời".
Nguyên nhân bởi ngân hàng có thể không đưa được doanh nghiệp vào danh mục “Xanh” vì chưa có tiêu chí xanh cho từng ngành từng lĩnh vực nên không thể tiếp cận được vốn ưu đãi.
Hơn nữa, tài sản đảm bảo hạn chế nên doanh nghiệp còn khó tiếp cận vốn tín dụng thông thường, chưa tính đến tín dụng xanh, mặc dù các dự án xanh đòi hỏi đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn dài.

Vì thế, Lãnh đạo Công ty Việt Long đề xuất cần có quy định cụ thể về các dự án xanh cho từng ngành từng lĩnh vực, NHNN và các ngân hàng thương mại xem xét có chính sách tín dụng, chính sách lãi suất tốt hơn đối với các doanh nghiệp xanh.
"Trong trường hợp không may dự án có nguồn thu không theo kế hoạch đã định thì ngân hàng cũng không nên đặt vấn đề xiết nợ lên trên hết mà có thể có các giải pháp cơ cấu lại nguồn vốn kéo dài thời gian trả nợ để doanh nghiệp có điều kiện phục hồi và phát triển", ông Lê Quang Thắng đề nghị.
Về phía ngân hàng, bà Phùng Thị Bình - Phó Tổng Giám đốc Agribank chia sẻ, Agribank rất muốn đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo, nhưng do thực tiễn và chính sách còn nhiều bất cập nên chưa thể triển khai.
"Phát triển xanh là nhu cầu tất yếu, ngân hàng và doanh nghiệp phải gặp được nhau. Vì thế, cần sớm ban hành danh mục phân loại xanh để ngân hàng có căn cứ thẩm định, cho vay các dự án xanh", bà Bình nêu.
Từ góc nhìn chuyên gia, TS. Nguyễn Bá Hùng - chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) khuyến nghị, Việt Nam cần hoàn thiện khung pháp lý cho tín dụng xanh và nâng cao năng lực của các tổ chức tài chính.
Cùng với đó là phải tăng cường nhận thức và tham gia của doanh nghiệp và người dân, doanh nghiệp phải chứng minh được mình sản xuất xanh. Đồng thời Việt Nam cần tiếp tục thu hút và khai thác nguồn vốn xanh quốc tế, ưu tiên các lĩnh vực trọng tâm và quản lý rủi ro.
"Các ngân hàng và cơ quan chức năng cần tăng cường tiếp cận nguồn vốn ưu đãi cho lĩnh vực tín dụng xanh từ các định chế tài chính quốc tế, quỹ tín thác tín dụng xanh.... để cung cấp vốn tín dụng xanh giá rẻ cho các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn. Cũng như đẩy nhanh tiến độ xét duyệt và giảm thiểu các các điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn này".
Ông Lê Quang Thắng Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu Tư và Xây Dựng Việt Long